Nhịp sống số

Nguy cơ chiến tranh mạng ngày càng hiện hữu

Nguy cơ chiến tranh mạng ngày càng hiện hữu
>Cách đây chục năm Internet vẫn còn là một khái niệm xa lạ, lướt web vẫn chưa phải là một công việc thường làm của người sử dụng máy tính Việt Nam khi đó. Nhưng nhờ những chính sách đúng đắn, quyết liệt đầu tư cho phát triển công nghệ thông tin, đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng Internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới. Kết quả là sau gần 15 năm kết nối với mạng Internet toàn cầu, đến thời điểm này, Việt Nam có gần 27 triệu người sử dụng Internet, chiếm 31% dân số, với hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ.
 
 
Sự phát triển Internet của Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho người dân cũng như các doanh nghiệp có thể tiếp cận với thông tin tốt hơn. Tuy nhiên điều này cũng đặt ra vô vàn khó khăn và thử thách cho an ninh mạng Việt Nam. Trong bối cảnh an ninh mạng đang trở nên nóng hơn bao giờ hết trên phạm vi toàn cầu với sự xuất hiện của những nhóm hacker chủ nghĩa như Anonymous, Lulzsec cùng các cuộc tấn công nhằm vào cơ quan chính phủ nhiều nước, các tập đoàn lớn, các tổ chức tài chính quốc tế... liên tiếp trong thời gian qua thì ở Việt Nam, mối lo về an ninh mạng cũng được đặt lên tầm quốc gia.
 
Trước nhu cầu bức thiết về việc tìm ra các phương thức có thể giải quyết vấn đề của an ninh mạng Việt Nam, tổng cục hậu cần kỹ thuật bộ công an đã phối hợp với trung tâm ứng cứu khấn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), bộ thông tin và truyền thông, Ban cơ yếu chính phủ - Bộ quốc phòng và Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG) cùng tổ chức triển lãm quốc gia điện toán đám mây và an ninh bảo mật 2012 (Cloud Computing & Security World 2012) trong 2 ngày 22 và 23-3 tại Hà Nội.
 
 
Trải qua 6 kỳ tổ chức liên tiếp, từ năm 2007, Hội thảo - Triển lãm quốc gia an ninh bảo mật đã trở thành diễn đàn quốc gia lớn, uy tín nhất Việt Nam trong lĩnh vực an ninh bảo mật. Năm nay, với sự kết hợp chủ đề Điện toán đám mây - Cloud Computing, sự kiện tiếp tục là nơi để gặp gỡ, trao đổi về các dự án bảo mật thông tin cũng như cung cấp các ý tưởng, giải pháp ứng dụng điện toán đám mây hiệu quả cho cả chính phủ và doanh nghiệp. Bên cạnh đó đây cũng là nơi mà các doanh nghiệp an ninh bảo mật hàng đầu thế giới trưng bày các sản phẩm, thiết bị, giải pháp tiên tiến nhất về an ninh mạng lưới, an ninh đám mây, mật mã, bảo mật ATM, quản trị nhận dạng và kiểm soát truy cập...
 
Diễn đàn đã chỉ ra những số liệu đáng lo ngại của Việt Nam: Trong năm 2011, ở Việt Nam đã có hàng ngàn website bị tin tặc quốc tế “viếng thăm”, hình thức tấn công đa dạng, ít để lại dấu vết. Năm 2011 cũng ghi nhận 64,2 triệu lượt máy tính ở Việt Nam bị nhiễm virus, 38.961 dòng virus xuất hiện mới, chỉ tính riêng trong tháng 5 và tháng 6, đã có hơn 300 website tên miền .gov, .vn bị tấn công trong khi đó thì ngày 23-10-2011 đã có hơn 150 website của Việt Nam bị tấn công. Theo Hãng bảo mật Symantec, số lượng máy chủ, hosting độc hại của Việt Nam nhiều thứ 11 trên thế giới.
 
Tại hội thảo năm nay thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, nguyên Cục trưởng Cục Tin học nghiệp vụ nhận định 5 xu hướng lớn cho an ninh mạng Việt Nam trong năm 2012.
 
Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế nhận định nguy cơ chiến tranh mạng đang hiện hữu.
 
1. Các virus, mã độc xâm nhập hệ thống banking, ngân hàng để ăn trộm tiền sẽ phát triển mạnh.
 
2. Bảo mật cho điện toán đám mây sẽ ngày càng nóng khi công nghệ này trở nên phổ biến.
 
3. Thiết bị di động trở thành đích hướng tới của giới tội phạm công nghệ cao.
 
4. Sự hoành hành của virus siêu đa hình.
 
5. Cuối cùng là chiến tranh mạng sẽ bùng nổ.
 
Qua đó tướng Thế đã đề xuất những việc cần làm ngay của Việt Nam để ngăn chăn nguy cơ này trở thành hiện thực.
 
- Xây dựng một tổ chức cấp quốc gia đủ mạnh đảm bảo an toàn cho thông tin mạng.
 
- Xây dựng hệ thống văn bản có tính pháp lý để bảo vệ hệ thống thông tin, xây dựng cơ chế quản lý tài nguyên hệ thống và các nguy cơ tương ứng.
 
- Xây dựng cơ chế pháp lý kiểm soát an ninh thông tin với quy trình quản trị hệ thống. Đặc biệt cần quan tâm đến việc đào tạo, có chế độ đãi ngộ hợp lý với các chuyên gia về an ninh thông tin; tăng cường giáo dục, đào tạo, kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, nhân viên làm việc trong các lĩnh liên quan về sự cần thiết, các biện pháp, quy định đảm bảo an ninh thông tin.