Nhịp sống số

New iPad - Dấu hỏi lớn về ý tưởng sáng tạo

New iPad - Dấu hỏi lớn về ý tưởng sáng tạo

Giao điểm tháng 3 và 4/2012, có 2 sự kiện công nghệ lớn đáng chú ý diễn ra trên toàn thế giới: Apple ra mắt New iPad, Google giới thiệu Google Play thay thế cho Market.

 

New iPad sở hữu màn hình Retina 2048x1536 pixel, vi xử lý A5X, camera 5.0 Mp và kết nối LTE 4G. Có thể nhận thấy so với iPad 2, New iPad chỉ nhỉnh hơn về cấu hình, còn lại gần như không có gì khác biệt kể cả kiểu dáng. Song, để có được sự vượt trội đó, New iPad đã trở nên dày và nặng hơn, một xu hướng ngược của sự phát triển công nghệ. Cụ thể, New iPad có chiều dày 9,4mm, trọng lượng bản wifi và 4G lần lượt là 632 và 665 gram trong khi iPad 2 có chiều dày 8,8mm trọng lượng bản wifi và 3G là 601 và 613 gram.

 

Trước đó, Apple đã giới thiệu iPhone 4S với những nâng cấp đơn thuần về cấu hình so với người tiền nhiệm như vi xử lý A5 lõi kép, camera 8.0Mp so với A4 lõi đơn và camera 5.0Mp của iPhone 4. Điểm sáng duy nhất chính là Siri, trợ lý ảo, còn lại gần như không có gì mới mẻ khác biệt so với iPhone 4.

 

Trong niềm vui đón nhận sản phẩm mới của fan Apple, nhiều người dùng đặt câu hỏi lớn: Liệu đây có phải là dấu hiệu hụt hơi trong cuộc đua sáng tạo? Việc tích hợp vi xử lý mạnh, camera “nhiều chấm” hay việc trang bị màn hình độ phân giải cao có là quá khó cho các đối thủ cạnh tranh của Apple?

 




Chúng ta còn nhớ khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, tuy có vi xử lý thua sút nhiều đối thủ, không chạy đa nhiệm, không cho phép cut, copy và paste.... Nhưng với cách thức tương tác chạm vuốt hoàn toàn mới mẻ vào thời bấy giờ cộng với thao tác đơn giản một nút bấm cùng  AppStore (ra mắt vào  2008) cho phép cài cắm ứng dụng theo cách hoàn toàn mới, đơn giản như đi siêu thị mua hàng đã khiến iPhone từ một thương hiệu non trẻ trở thành một tượng đài công nghệ. Liên tiếp sau đó, khi tung ra các sản phẩm mới, Apple luôn giới thiệu đến người dùng những trải nghiệm mới như ra mắt iPad, khởi đầu của máy tính bảng, rồi iPhone 4 với kiểu dáng hoàn toàn mới. Sản phẩm của Apple tập trung vào trải nghiệm người dùng, trau chuốt thiết kế, chứ không chạy đua theo cấu hình. Bởi lẽ, hiện nay các thương hiệu đều thực hiện OEM, thuê các công ty chuyên sản xuất sản phẩm theo yêu cầu nên vi xử lý mạnh, màn hình độ phân giải cao, camera “nhiều chấm” sẽ không phải là thế mạnh độc quyền của bất cứ  ai.

 

Để biện minh, nhiều Fan Apple lý luận: iPad 2, iPhone 4 là sản phẩm bán chạy nên những thế hệ tiếp theo chưa cần phải có sự thay đổi nâng cấp nhiều. Điều này chỉ đúng ở khía cạnh nào đó. Phần quan trọng còn lại, trước những đối thủ cạnh tranh đang không ngừng cải tiến sản phẩm nâng cao chất lượng và phần nào đã bắt kịp Apple như Galaxy SII qua mặt iPhone 4S để nhận danh hiệu điện thoại của năm 2011 hay mẫu Xperia mới nhất của Sony hiện đang gây sốt trên thị trường, Apple cần sáng tạo nhiều hơn việc chạy đua cấu hình để đảm bảo vị thế dẫn đầu của iPhone và iPad. Dấu hỏi lớn về ý tưởng sáng tạo đòi hỏi Apple cần có những đột phá kịch tính hơn thế để thế hệ iPhone, iPad tiếp theo gây sửng sốt cho người dùng. Bằng không, iPhone, iPad, Apple chỉ còn là hoài niệm.


 

Dấu hỏi về ý tưởng sáng tạo được đặt ra trong tiêu điểm lần này vì nhìn lại lịch sử: Từ những năm giữa thập kỷ 80 đến những năm đầu thập kỷ 90, Apple đã rất thành công với dòng máy MAC sử dụng hệ điều hành có giao diện hình ảnh, dùng chuột điều khiển thay cho những câu lệnh phức tạp trên nền DOS. Cho đến khi thành công của Windows 95 đã khiến cho Apple gần như mất bóng trong thị trường hệ điều hành máy tính cá nhân. Liệu lịch sử có lập lại với iPhone, iPad và iOS?

 

 Nguyễn Tăng Hải