Nhịp sống số

Miếng dán chống bức xạ - Sự thần kỳ hay trò lừa đảo?

Miếng dán chống bức xạ - Sự thần kỳ hay trò lừa đảo?
Nhân sự kiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hiện tượng bức xạ điện từ phát ra từ điện thoại di động (ĐTDĐ) có thể gây ung thư não, ngay lập tức tại Viêt Nam xuất hiện khá nhiều loại miếng dán có khả năng “chống lại bức xạ điện từ” của điện thoại. Nhiều  quảng cáo về loại miếng dán “thần kỳ” này được người bán đưa ra,  trong khi các cơ quan chức năng trong lĩnh vực vẫn chưa có thông tin về công dụng của sản phẩm. Vậy thực hư của những miếng dán này ra sao?

Câu chuyện WHO

 



Tìm đến những dãy phố chuyên dán trang trí điện thoại trên Phố Huế, Đường Láng (Hà Nội) hay đường Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (TP. Hồ Chí Minh), mọi người sẽ được nghe giới thiệu nhiều về những miếng dán chống bức xạ điện từ cho ĐTDĐ. Không những thế, nhiều người quan tâm tìm hiểu qua mạng Internet còn nhận được cam kết về miếng dán có khả năng chống bức xạ điện từ đã được các cơ quan chức năng kiểm chứng (?) và nguồn hàng dồi dào, chiết khấu cao cho những ai lấy với số lượng lớn. Điều khá ấn tượng là lượng khách có nhu cầu về những miếng dán này đang tăng nhanh theo từng ngày.
 

Tháng 6/2011, Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư của WHO đã đưa ĐTDĐ vào danh sách các tác nhân có thể sinh ung thư. Sau khi điều tra lại một loạt công trình nghiên cứu đã xuất bản trước đây về tác hại của sản phẩm này như một nghiên cứu quy mô lớn năm 2010 cho thấy một sự tăng nhẹ - tuy chưa có ý nghĩa lắm về mặt số liệu - nhóm người dùng ĐTDĐ có nguy cơ mắc một dạng ung thư não hiếm gặp có tên là Glioma.
 
 
“Trước các nguồn tin này, người tiêu dùng trong nước trở nên hoang mang và lợi dụng tình hình đó, giới kinh doanh nhanh chóng tung ra những miếng dán được quảng cáo là chặn được bức xạ điện từ”, một nhà nghiên cứu cho biết. Tại Hoa Kỳ, một khảo sát do trang ABC tiến hành với 92 bác sĩ trước cảnh báo của WHO, 27 bác sĩ đã thừa nhận họ thấy “sợ” và khẳng định sẽ chuyển qua sử dụng thiết bị dây để hạn chế nguy cơ do sóng bức xạ điện từ từ ĐTDĐ gây ra.
 
 

Thực hư các miếng dán thần kỳ

 



Theo hướng dẫn của bạn đọc, chúng tôi đến một cửa hàng dán, trang trí điện thoại, laptop trên đường Cách Mạng Tháng 8 để tìm hiểu. “Bức xạ điện từ phát ra ở ĐTDĐ có thể gây ung thư”, người bán hàng mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng thông tin như thế và không quên kèm theo một vài tờ báo có đăng tin này để làm chứng. Theo chủ cửa hàng, hiện trên thị trường có 4 dạng miếng dán,  thứ nhất làm hoàn toàn bằng nhựa tổng hợp được tráng thêm lớp có tính năng chống bức xạ.
 
 
 
 Loại thứ hai được làm bằng sợi EMI có khả năng chống bức xạ nhưng giá tương đối cao. Riêng loại thứ ba, theo chủ hàng thì được phủ một lớp vàng siêu mỏng (1-2μm) và cũng được quảng cáo là có khả năng chống bức xạ từ điện thoại tốt nhất. Dạng thứ tư, chủ tiệm khẳng định chưa có ở Việt Nam hoặc nếu có chỉ là hàng giả và được chế tạo bằng vật liệu sợi EMI phủ vàng. Khi được hỏi về nguồn hàng, chủ tiệm khá ngần ngừ về câu trả lời đồng thời cũng từ chối luôn yêu cầu được chụp ảnh các miếng dán.

 Chống bức xạ bằng cách nào?


Theo các chuyên gia, các miếng dán chống bức xạ đã được nghiên cứu và ứng dụng từ lâu trong quân sự và dân sự ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức,… và tác dụng chống bức xạ của chúng là có thật. Tuy thế, với những sản phẩm không rõ nguồn gốc ở Việt Nam hiện nay với bao bì, mẫu mã cùng với thương hiệu sản phẩm quá mập mờ cùng với mức giá rẻ mạt, khó có thể khẳng định được khả năng chống bức xạ của chúng, nhất là khi chưa có cơ quan đăng kiểm nào của Nhà Nước xác nhận về chúng.
 
 

Nhiều nhà nghiên cứu trên CNET cho rằng, nếu muốn chống bức xạ từ điện thoại, người sử dụng có thể không cần đến các miếng dán này mà vẫn đảm bảo an toàn cho mình khi thực hiện đúng nguyên tắc”giữ điện thoại cách cơ thể khoảng 2.5 cm” và điều này rất dễ thực hiện khi bạn dùng tai nghe lúc nói chuyện hay để điện thoại vào túi xách thay vì để trong người. “Nếu muốn mua các miếng dán chống bức xạ, bạn có thể lên các trang web mua bán có uy tín ở nước ngoài để tìm hiểu và đặt hàng. Khi ấy, bạn sẽ an tâm hơn về sản phẩm của mình mua mà không lo tiền mất tật mang”.
 

 
 
Hà Thi