Phần cứng máy tinh

Mạn bàn nỗi thất vọng New iPad, Tim Cook và tương lai Apple

Mạn bàn nỗi thất vọng New iPad, Tim Cook và tương lai Apple
24h đã trôi qua kể từ lúc iPad phiên bản thứ 3, phiên bản được Apple gọi là New iPad ra mắt. Tạm không bàn thêm đến việc liệu New iPad (hay trong bài viết này tôi sẽ gọi là iPad 3 cho ngắn gọn) có phải là một sản phẩm tốt hay không  . Việc iPad 3 có tốt hay không, sẽ chỉ ảnh hưởng tới Apple trong ngắn hạn (có thể là tốt) nhưng cách thức tiếp cận vấn đề của Tim Cook và Apple hiện tại, khiến người ta quá lo lắng.
 
Trong bài viết này, tôi hi vọng sẽ có câu trả lời cho một số vấn đề mà độc giả quan tâm và bình luận trong bài viết "Nỗi thất vọng Apple - Khi điều kỳ diệu không còn" được đăng vào sáng hôm qua. Bài viết mang nhiều quan điểm và phân tích cá nhân, chúng tôi rất vui nếu nhân được sự đóng góp ý kiến và chỉnh sửa của quý độc giả qua phần comment phía dưới bài viết. Cũng có một chia sẻ nhỏ, tôi là một iFan nên nếu có cái nhìn hơi ưu ái cho Apple, rất mong nhận được sự thông cảm của quý độc giả.
 
Câu chuyện 1: The New iPad
 
Bắt đầu câu chuyện, chúng ta hãy bàn đến một yếu tố hết sức quan trọng của chiếc iPad mới này: cái tên. Tên của một sản phẩm, ngoài việc đại diện hình ảnh thương hiệu của sản phẩm, nó còn cho chúng ta thấy một phần nào đó về chính sách, tư duy và các hoạch định của công ty đó trong tương lai, Apple cũng không phải ngoại lệ.
 

 
Trong "thời" của Apple, tên sản phẩm tuân theo một quy tắc cổ điển, ít mang tính quảng cáo màu mè mà đi thẳng vào vấn đề. Hãy nhìn vào dòng sản phẩm iDevices dưới thời Steve: iPod Touch gen 1, 2, 3, 4, iPhone 2G, 3G, 3Gs, 4, 4s; iPad, iPad 2... Theo nguyên tắc đó, New iPad của chúng ta phải có tên là iPad 2s. Việc đặt tên sản phẩm, thể hiện rõ triết lý của Steve: đơn giản, tinh tế, dễ nhớ, dễ dùng thay vì màu mè, "kêu"...
 
New iPad, sản phẩm lớn đầu tiên được phát triển và chịu ít ảnh hưởng của Steve đã thể hiện rõ một điều: Tim Cook không muốn làm một Steve Jobs thứ hai, ông có cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác. New iPad, cái tên đem lại cảm giác mới mẻ, thúc giục người dùng mua ngay sản phẩm thay vì "bắt" người dùng phải nghiên cứu tính năng và ít chịu ảnh hưởng của tên như cách đặt tên cũ. Cách đặt tên "New" hay "Super"... là một phương thức marketing khá nổi tiếng, được nhiều hãng lớn trên thế giới sử dụng với mục đích chính là tăng hiệu quả lớn trên nền chi phí thấp nhất: đây, có lẽ là tư duy sản phẩm của một nhà kinh tế như Tim Cook.
 
 
Tuy Steve cũng được liệt vào hàng business man nhưng dù sao, ông cũng xuất thân từ giới công nghệ với tư duy có nhiều khác biệt nếu so với một Tim Cook vốn là một nhà kinh tế tài ba.
 
Câu chuyện 2: RIM và Kodak
 
Hơi lạc đề một chút khi câu chuyện thứ hai trong bài viết này của tôi lại là về hai hãng công nghệ hoàn toàn khác. Nhưng chắc chắn, nó có liên quan mật thiết đến đề tài chúng ta đang thảo luận.
 
Trước tiên, hãy nhìn vào trường hợp của Kodak, người khổng lồ đã từng một thời chiếm tới hơn 90% thị phần thị trường phim ảnh toàn thế giới nhưng vừa phải nộp đơn bảo hộ phá sản cách đây không lâu. Có nhiều yếu tố làm nên thất bại cay đắng và đầy nghiệt ngã của Kodak nhưng tóm lại, hai nguyên nhân chính đến từ sự phát triển của công nghệ và tư duy bảo thủ, trì trệ của ban lãnh đạo hãng sản xuất máy ảnh film này. Nhưng, nếu quy trách nhiệm, tư duy bảo thủ chịu trách nhiệm lớn hơn nhiều.
 
 
 
Vì sao, trước hết, không thể đổ lỗi cho việc Kodak thiếu nguồn lực hay công nghệ để bắt kịp trào lưu ảnh kỹ thuật số - thứ đã đánh bại và khiến máy ảnh film gần như tuyệt chủng hoàn toàn. Kodak, thời đó, hoàn toàn có đủ nguồn lực để dành vị thế số một trong thị trường máy ảnh kỹ thuật số. Thực tế, cho đến tận bây giờ, rất nhiều bằng sáng chế của Kodak vẫn còn rất nhiều giá trị trong nền công nghiệp sản xuất máy ảnh. Thực tế, nhiều nhân viên của Kodak khi đó cũng đã đề xuất việc tham gia vào thị trường máy ảnh số đầy tiềm năng. Tuy nhiên, tất cả chúng đều bị bỏ qua.
 
Có nhiều cách lý giải về sự bỏ qua này, nhưng, việc bảo vệ core value (giá trị cốt lõi) được cho là nguyên nhân chính (bên cạnh việc đánh giá sai tiềm năng của thị trường) khiến BLĐ Kodak thất bại. Họ vị vào những đặc điểm nổi bật của máy ảnh phim: trung thực hơn, màu sắc tốt hơn... để tự tin. Nhưng về sau này, với PTS, bất cứ tấm ảnh kỹ thuật số nào cũng có thể biến thành... ảnh chụp từ phim. Ngoài ra, không thể bỏ qua được việc người ta thay đổi cách chia sẻ ảnh, từ album offline chuyển qua các mạng xã hội trên Internet.
 
Với RIM, hãng cũng đang tụt dốc không phanh và thậm chí, có thể còn đang đối mặt với nguy cơ phá sản. RIM, là một câu chuyện thất bại do ngủ quên quá lâu trên những chiến thắng của mình, tập trung bảo vệ giá trị và đối tượng khách hàng truyền thống.
 
Cách đây vài năm, nhắc đến BB là người ta nhắc đến thiết kế máy bền, bàn phím QWERTY tốt, push mail, văn bản... BB tập trung phát triển những giá trị này nhưng cũng như Kodak, họ không lường trước được sự lớn mạnh quá nhanh của các đối thủ.
 
 
 
Giờ thì, bàn phím cảm ứng thu hút hơn, 1000 smartphone thì cả 1000 mẫu có pushmail, văn bản thì các apps trên iOS và Android làm tốt hơn nhiều. Và vì thế, BB và RIM, ngày càng đi xuống một cách nhanh chóng. Người ta còn quan tâm đến BB làm gì khi các sự lựa chọn thay thế ngày một nhiều, phong phú, đa dạng và tốt hơn?
 
Câu chuyện 3: Steve và sự hoàn hảo + sở thích gây ngạc nhiên
 
Steve là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo, một điều mà những ai quan tâm đến ông đều biết. Truyện kể rằng, Steve thậm chí còn chau chuốt cả... hình dáng bo mạch chủ, điều mà ít khách hàng quan tâm đến. Hay nếu bạn để ý trên Macbook Air, khi bật webcam, có một tia sáng nhỏ màu xanh lá cây báo webcam đang hoạt động, tia sáng này vừa đủ cho người dùng nhìn thấy lại không gây chói mắt, đồng thời phải xuyên qua được lớp vỏ nhôm của máy...
 
Rõ ràng, nếu xét về lợi ích kinh tế, sự hoàn hảo của Steve đôi khi là không cần thiết. Việc đục mỗt lỗ trên Macbook Air, gắn đèn báo vào đó hay sản xuất một bo mạch chủ không đẹp lắm sẽ tiết kiệm nhiều tiền hơn cho Apple.
 
Một trong những điều làm nên điều kỳ diệu, kích thích trí tò mò của iFan, giới truyền thông trong nhiều năm Steve làm CEO của Apple là sự bất ngờ mà ông đem lại mỗi khi xuất hiện. Ngoài việc, mỗi sản phẩm ông đem đến đều là một điều kỳ diệu thì cách, có phần hơi cực đoan, của Steve trong việc bảo vệ thông tin sản phẩm trước giờ ra mắt đóng góp quan trọng vào sự thành công này.
 
Và, chúng ta nhìn thấy gì
 
Sự khác biệt giữa Tim Cook và Apple chủ yếu đến từ việc một người đặt yếu tố hoàn hảo và chất lượng của mỗi sản phẩm ra lò lên hàng đầu còn người kia thì ưu tiên hơn cho bản báo cáo tài chính hàng năm. Steve, luôn muốn tạo cho thế giới sự bất ngờ, hoàn thiện trong từng sản phẩm, còn bài toán Tim Cook đang giải là làm sao đem nhiều tiền về nhất cho các ông chủ. Điều này dẫn đến cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác nhau. Apple dưới thời Tim Cook, hiền lành, dễ đoán hơn, có thể, kém hoàn hảo hơn.
 
Về sự kém hoàn hảo, kém chau chuốt hơn, điều này thể hiện qua nhiều việc, một trong số đó là việc Siri - người trợ lý ảo trở thành phần mềm Beta đầu tiên được phép xuất hiện trong danh sách các phần mềm chính thức, cài đặt sẵn trên mỗi chiến iPhone 4S ra lò.
 
 
Một điều nữa, một mặt trái nữa của thế giới công nghệ là đôi khi lợi nhuận trong ngắn hạn lại là điều giết chết công ty trong dài hạn. Để rõ hơn, các bạn hãy nhìn lại ví dụ của RIM và Kodak. Thế giới công nghệ, đặc điểm riêng biệt của nó là vận động nhanh, thay đổi liên tục và chỉ có đất sống cho kẻ đón đầu được xu hướng, cách làm tối đa hóa dòng tiền và lợi nhuận, không bao giờ đáp ứng được điều này. Nếu chỉ chăm chăm lo vào lợi nhuận và sống trên suy nghĩ: sản phẩm mình đang tốt, đang kiếm được tiền, thậm chí, đang thống trị thị trường, cần gì thay đổi... thì ngày Apple biến thành một RIM hay Kodak cũng không phải quá hoang đường.
 
Một Apple, bấp bênh hơn, đang chờ chúng ta trong tương lai gần. Điều mà tôi cũng như nhiều khách hàng của Apple quan tâm, đôi khi, không phải sự tồn vong hay lớn mạnh của công ty mà là liệu họ còn đem cho chúng tôi những sản phẩm tuyệt vời nữa không.