Điện thoại

Điện thoại Việt gặp khó trước hàng ngoại

Điện thoại Việt gặp khó trước hàng ngoại

Sau ba năm quen thuộc với các thiết bị hai sim giá rẻ, nhiều thương hiệu Việt bắt đầu gặp khó khăn trong cuộc đua với Nokia, Samsung, LG khi các hãng lớn dồn lực cho phân khúc này.

Điện thoại QWERTY của các thương hiệu Việt phổ biến dần trở nên khó cạnh tranh. Ảnh: Quốc Huy.
Điện thoại QWERTY của các thương hiệu Việt phổ biến dần trở nên khó cạnh tranh. Ảnh: Quốc Huy.

Nhiều nhà bán lẻ lớn tại TP HCM cho biết, doanh số các dòng điện thoại giá rẻ thương hiệu Việt tụt dốc từ giữa 2011. Không có thống kê đầy đủ, tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã bị giảm từ 30 đến trên 50% doanh số sản phẩm bán ra. Ông Bùi Văn Hòa, Phó tổng giám đốc Viễn Thông A, cho biết xu hướng trên đang đẩy các thương hiệu nội vào thế khó và cần tìm hướng đi mới.

Ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc điều hành Mobiistar, nhận định: "Năm 2011 là thời điểm rất khó cho thương hiệu Việt. Các dòng máy hai sim không còn là lợi thế của hãng nhỏ".

Trong khi đó, các hãng lớn đang gia tăng sức ép trên phân khúc giá rẻ. Nokia, Samsung và LG đều có các model hai sim hoặc bàn phím QWERTY với mức giá từ dưới 500.000 đến 2 triệu đồng. Đặc biệt, sau mẫu C1, nhà sản xuất Phần Lan tiếp tục đầu tư mạnh cho nhóm hai sim từ dòng cảm ứng đến QWERTY giá dưới 2 triệu.

Sự tham gia của các hãng lớn đã đẩy điện thoại di động nội ra khỏi kệ hàng. Xuất hiện từ năm 2009, nở rộ đầu 2010, điện thoại thương hiệu Việt trở thành nhóm hàng thu hút người dùng thu nhập thấp. Theo anh Nguyễn Văn Chiêm, quản lý cửa hàng Hoàng Linh, đường 3/2, quận 11, khủng hoảng kinh tế làm đẩy các dòng máy giá rẻ lên hương, trong đó có thương hiệu Việt. "Tuy nhiên, trong hơn hơn 3 năm xuất hiện, thiết kế bàn phím QWERTY hay hai sim trở thành đặc trưng, các hãng đang giẫm chân tại chỗ trong việc tìm ra hướng đi mới", anh Chiêm nói.

Một vài sản phẩm của Nokia cùng kiểu dáng, có giá nhỉnh hơn thương hiệu Việt, nhưng vẫn được chọn mua nhiều. Trong khi đó, sản phẩm từ LG, Samsung có giá ngang, thậm chí, LG đang sở hữu chiếc máy hai sim rẻ nhất thị trường là A190. "Việc đi chung một phân khúc, chưa nói tới chất lượng, riêng thương hiệu và lòng tin của người dùng làm sản phẩm nội thất thế so với các đối thủ", anh Lê Khang, quản lý một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM, nhận định.

Một mẫu máy giá rẻ hai sim của Nokia vừa bán trên thị trường. Ảnh: Quốc Huy.
Một mẫu máy giá rẻ hai sim của Nokia vừa bán trên thị trường. Ảnh: Quốc Huy.

Năm qua thị trường cũng chứng kiến thêm nhiều nhà sản xuất nội gia nhập cuộc đua. Phân khúc này đang tự cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, nhóm có sản phẩm bán chạy chỉ đếm trên đầu ngón tay như Q-mobile, FPT, Mobiistar. Đây đều là các thương hiệu góp mặt từ giai đoạn đầu khi trào lưu hàng nội đặt hàng từ Trung Quốc xuất hiện.

Một vài nhà sản xuất đã có thử nghiệm khi tiến vào thị trường smartphone Android giá rẻ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Q-mobile S10 trên 4 triệu không "qua mặt" được các máy khoảng 3 triệu của Samsung hay LG. FPT cũng giới thiệu chiếc F5, nhưng thiết bị không có 3G như đối thủ. Tại một hội nghị khách hàng diễn ra cuối 2011 ở Đà Nẵng, đại diện Samsung cho biết, hãng sẽ ra mắt các mẫu Android trong tầm giá 2 triệu. Bên cạnh đó, nhóm hai sim cũng được đầu tư, phổ biến hơn từ giá thấp lên smartphone.

Ngoài smartphone, các hãng di động trong nước bắt đầu mở rộng nhóm hàng của mình. Dòng cảm ứng giá rẻ được chờ đợi là một "cứu cánh", lần lượt từ Q-mobile, FPT đều ra mắt các sản phẩm giá trên dưới một triệu đồng. Ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm Công nghệ FPT, cho rằng điện thoại cảm ứng là hướng đi mới, nhằm đa dạng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Cũng trong dòng này, Mobiistar giới thiệu bộ sản phẩm xem phim 3D. Nhóm sản phẩm bất ngờ thành công và đem lại sức sống cho hãng từ cuối 2011.

Phần đông các nhà bán lẻ tại TP HCM cho biết, di động thương hiệu Việt sẽ tiếp tục gặp khó trong năm nay. Viettel sắp tới sẽ trình làng các sản phẩm sản xuất dây chuyền trong nước, trong khi các nhà sản xuất khác vẫn dựa vào nguồn đặt hàng từ Trung Quốc. Theo ông Ngô Nguyên Kha, các thương hiệu Việt cần xác định rõ mình phục vụ cho ai, nhu cầu và lợi thế của mình. "Hướng đi mới có thể không chắc chắn, nhưng 'chịu khó' là chuyện chắc chắn phải có để tồn tại", ông Kha nói.