Nhịp sống số

Cầu lên cao, TSMC nâng giá wafer 28nm

Cầu lên cao, TSMC nâng giá wafer 28nm

Có một bài học cơ bản trong kinh tế : quy luật cung cầu. Khi cầu lên cao mà cung không đổi hoặc giảm : giá lên theo. Khi cầu không đổi hoặc giảm mà cung tăng : giá giảm theo. Lần này là bài toán nguồn cung wafer 28nm, mà TSMC là nhân vật chính.

Tuy là đối tác gia công bán dẫn có sản lượng lớn nhất thế giới, TSMC vẫn thường xuyên nằm trong tình trạng hụt cung với các tiến trình bán dẫn mới nhất. Điều này cũng không có gì khó hiểu. Các đối thủ khác của TSMC như UMC, SMIC, Chartered (nay là GF) thường không đuổi kịp kẻ kia về các công nghệ mới nhất. Trong khi đó những người có nhu cầu sử dụng công nghệ bán dẫn mới nhất lại khá nhiều. Trong tình huống này là AMD, NVIDIA và Apple đối với node 28nm.

Trong quá khứ, AMD và NVIDIA là 2 khách hàng lớn nhất của TSMC trên các node bán dẫn mới. Chuyện TSMC gặp sự cố về sản lượng đã khiến cả 2 hãng trên khốn đốn bao nhiêu lần (và người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng). Nhưng lần này, mọi chuyện có thể còn tệ hơn : Apple vào cuộc.

Cuộc xung đột về thị phần smartphone và những lần kiện tụng nhau đã khiến quan hệ giữa Apple với Samsung (SS), đối tác gia công chip chính cho Apple, không còn có thể tiếp tục được. Thế là “Táo” ta buộc phải đi tìm đối tác mới để làm chip cho mình. TSMC là cái tên đầu tiên được đưa vào danh sách.

Transistor PMOS 45nm bên trái của Intel và 28nm bên phải của TSMC

Song Apple chả “hiền lành” gì. Không chỉ yêu cầu một sản lượng rất lớn, “Táo” ta còn đòi hỏi mình phải ở vị trí được ưu tiên trước nhất (dĩ nhiên là Táo sẽ trả tiền đầy đủ). Điều này đồng nghĩa với việc TSMC buộc phải “bóp trán” tính toán xem nên dành cho ai bao nhiêu, bao nhiêu và bao nhiêu … Phải làm sao để người này đỡ phật ý mà kẻ kia cũng gật gù …

Chuyện gì đến cũng đến thôi. Khi anh độc quyền cung, anh được quyền ra giá. AMD và NVIDIA buộc phải móc túi ra nhiều hơn để có được wafer 28nm từ TSMC. Mà die chip càng to thì tỷ lệ lỗi càng cao. Bất kể là AMD hay NVIDIA trả tiền theo die hay theo wafer, cái giá vẫn cao hơn so với trước. Việc này lại dẫn đến một kết cục khác : ai có “thói quen” làm chip càng to càng hoành thì càng “xót ruột”. Chip của Apple cơ bản không to không hoành nên về lý thì Apple không “xót” bằng 2 bạn kia.

Đây có thể xem là một ví dụ điển hình góp phần giải thích rõ hơn câu hỏi tại sao Intel lại thành công như thế : khi anh có sản lượng và độc quyền cung, anh điều khiển được nhiều người.