Nhịp sống số

Bạn có thể chết vì cảm xúc của mình?

Bạn có thể chết vì cảm xúc của mình?
Những gì ở dưới đây đã xảy ra với bà Dorothy Lee không phải là hiếm gặp. Năm 2010, tờ báo Wall Street đã kể rằng, sau cái chết đột ngột vì tai nạn giao thông của người chồng, bà Lee bắt đầu có những cơn đau ngực biểu hiện giống như một cơn đau tim. Đó là do cơ thể bà đã sinh ra đáp ứng chống lại sự mất mát quá đột ngột và không mong muốn này.
 

 
Bạn đã sống một thời gian đủ lâu với người bạn đời để lấp chỗ trống trong tâm hồn, và để bạn có được cảm giác hạnh phúc thực sự. Khi họ đột ngột ra đi, một cú sốc lớn, bạn có thể sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, và nếu bạn đang có một bệnh mạn tính nào đó – bệnh sẽ trở nên trầm trọng hơn. Trong thực tế, đã có nhiều người chồng và người vợ chết ngay sau khi người kia qua đời chỉ khoảng một tuần, thậm chí vài ngày. Những nghiên cứu riêng rẽ trên hàng nghìn cặp vợ chồng tại Scotland và Israel đã cho thấy nguy cơ tử vong của những người góa chồng hay góa vợ tăng lên từ 30% đến 50% trong 6 tháng đầu sau khi một nửa của mình qua đời. Theo thống kê thì sau giai đoạn này, tỉ lệ tử vong giảm dần.
 
Sự kết nối mãnh liệt giữa tâm hồn – thể xác này được biểu hiện ra khi người chồng hay vợ qua đời – như trong trường hợp chồng của Dorothy Lee – người kia chưa chuẩn bị tinh thần để sống một cuộc sống cô đơn hiu quạnh. Năm 1996, một nghiên cứu trên 158.000 đôi vợ chồng ở Phần Lan cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa việc một người chết đột ngột và người kia cũng theo bước lên thiên đàng một thời gian ngắn sau. Về nguyên nhân, các bác sĩ cho rằng tình trạng giống như khi mắc một bệnh mạn tính nào đó, nhà tâm lý học lại cho rằng quá đau buồn sinh ra stress, còn những nhà hoạt động xã hội lại cho rằng do thiếu hệ thống hỗ trợ cần thiết. Nói một cách lãng mạn hơn, nguyên nhân là do trái tim họ “tan vỡ” – và trong một vài trường hợp – thì đúng là trái tim họ đã tan vỡ theo nghĩa đen.
 

 
Và đó chính là những gì Dorothy Lee đã trải qua vào ngày chồng cô ấy mất. Cơn đau ngực của cô ấy không phải do tắc động mạch nào đó, mà là do tình trạng có tên là bệnh lý cơ tim Takotsubo – Takotsubo cardiomyopathy, hay còn được gọi là hội chứng “trái tim tan vỡ” – Broken Heart Syndrome (BHS).
 
Nỗi đau về tình yêu, theo đúng nghĩa đen
 
Vào những năm của thập kỉ 90, các bác sĩ Nhật Bản là những người đầu tiên xác định BHS tại 5 người trong số 415 bệnh nhân xuất hiện cơn đau tim. Họ không có những biểu hiện của tắc động mạch – nguyên nhân thường liên quan tới cơn đau ngực – và họ hồi phục nhanh và dễ dàng hơn những người khác rất nhiều. Cụ thể hơn, các bác sĩ nhận thấy tâm thất trái của họ phình như quả bóng, trông giống như cái takotsubo – đó là chiếc rọ để bắt mực. Nó làm tim phải chịu một áp lực lớn hơn – điều này giải thích về cơn đau ngực của bệnh nhân. Năm 2005, 2 nghiên cứu về bệnh lý cơ tim takotsubo đã liên kết những kiểu đau tim này với tình trạng cực điểm của đau buồn, lo lắng và stress, mà sau đó được gọi là trạng thái Shakespearean.
 

 
BHS chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy cảm xúc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Dù chỉ là một tác động nhỏ, nó không những làm tâm trí bạn trở nên phiền muộn mà còn làm cơ thể cũng phải chịu nỗi đau tương tự. Cơ thể từ đó khởi động phản ứng viêm chống lại stress gây ra mồ hôi tay, tim đập mạnh, thở dốc... Não bộ còn kích thích làm tăng thêm phản ứng khiến cơ thể suy sụp thực sự, lúc ấy ta cảm giác như nỗi đau đang giằng xé trong tâm trí cũng như thể xác. Cùng một cơ chế, việc chia tay cũng làm cho con người ta dễ bị bệnh hơn, có thể lên cơn hen, mất ngủ, cúm hay Zona thần kinh...
 
Hội chứng BHS không chỉ xuất hiện trên những người có bạn đời đột tử, stress nặng cũng có thể khiến trái tim hoạt động mạnh hơn. Đáp ứng lại với stress, cơ thể tiết ra các catecholamin – đó là các hormon của tuyến thượng thận – giúp cho cơ thể tự bảo vệ mình bằng phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” – “fight or flight”. Các bác sỹ nghi ngờ rằng việc tăng mạnh các epinephrin và norepinephrin (còn được biết đến là adrenalin và noradrenalin) trong máu làm cơ tim dường như bị “vô hiệu hóa” và đập chậm đi, biểu hiện giống như cơn đau tim vậy. Một khi được chẩn đoán đúng, người bệnh sẽ hồi phục rất nhanh chóng – đôi khi với sự hỗ trợ của aspirin và một số thuốc bình thường khác để điều hòa tuần hoàn máu – trong khoảng một tuần. Chỉ có điều, y học vẫn chưa nghiên cứu được, tại sao trái tim phụ nữ dễ “tan vỡ” hơn trái tim của đàn ông.
 
Trái tim phụ nữ dễ bị tổn thương hơn?
 

 
BHS thực ra rất hiếm gặp, người ta chỉ quan sát được trên 1% đến 2% số bệnh nhân có làm các xét nghiệm kiểm tra tim mạch. Năm 2007, 89% trong số 6.230 báo cáo trên toàn quốc ghi nhận các ca bệnh lý cơ tim takotsubo xảy ra trên các bệnh nhân nữ, và một nghiên cứu năm 2011 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) cho thấy phụ nữ ở độ tuổi trên 55 có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn 2,9 lần so với những phụ nữ trẻ. Dù sao, những số liệu phía trên cũng chỉ mang tính thống kê, việc phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi những stress nặng hơn đàn ông hay vai trò của hormon estrogen trong sự đáp ứng với stress (biểu hiện bằng việc phụ nữ sau mãn kinh chịu đựng stress kém hơn phụ nữ trẻ); tất cả những khẳng định trên đều chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng.
 
Hiện nay một số nguồn thông tin nhắc đến BHS như thể đó là một hội chứng nguy hiểm, có thể gây chết người. Dường như người ta chỉ nhìn vào cái tên khá “kêu” của nó mà không nhìn vào bằng chứng khoa học. Thực tế, có những trường hợp, rằng khi một người đã có vấn đề về sức khỏe, mà họ lại đối mặt với nỗi buồn đau cực độ – ví dụ như cái chết của vợ (chồng) hoặc trong đám tang – thì chắc chắn trái tim của họ sẽ trở nên thất thường. Hoạt động không bình thường của tim lúc này phần nhiều là do tình trạng cơ thể – họ có thể bị shock, đột quỵ, suy hô hấp – mà không liên quan tới BHS. Số liệu từ trường Đại học Johns Hopkins cho thấy sự tương quan giữa nỗi buồn với BHS chỉ xuất hiện trong 40% các bệnh nhân.
 

 
Và qua nghiên cứu, người ta mới thấy được rằng phụ nữ chịu stress kém hơn đàn ông là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Theo thống kê, những người chồng thường không chịu đựng nổi sự cô đơn và có xu hướng đi theo vợ mình sang thế giới bên kia, trong khi đó những người vợ thường có khả năng chịu đựng và vượt qua được nỗi đau.
 
Có vẻ rất u ám, nhưng cũng có một tin tốt dành cho những người có thể mắc hội chứng “trái tim tan vỡ”: rất hiếm khi hội chứng này gây nguy hiểm đến tính mạng. Mặc dù những biến chứng tại tim xuất hiện trong khoảng 19% các ca, tỉ lệ chết do BHS lại chỉ khoảng 1% - 3%. Chức năng của tim sẽ nhanh chóng trở lại bình thường như trong trường hợp của Dorothy Lee, và bệnh nhân sẽ hồi phục trong khoảng một tuần, không như nghĩa đen của nó – “trái tim tan vỡ”.
 
BHS cũng có mùa của nó?
 
Trong khi những cơn đau tim thực sự thường xuất hiện vào mùa đông, hội chứng BHS thường xuất hiện nhiều hơn vào thời tiết ấm áp. Cũng theo các nghiên cứu, hội chứng thường xảy ra vào mùa xuân hoặc mùa hè.