Smartphone

Số phận yểu mệnh của những chiếc điện thoại lai tablet

Số phận yểu mệnh của những chiếc điện thoại lai tablet

Thế giới công nghệ trong 1 vài năm trở lại đây đón chào những mẫu thiết bị lai giữa điện thoại và máy tính bảng. Galaxy Note là một trong những sản phẩm mới nhất ra đời nhằm bắc cây cầu nối giữa tablet và smartphone. Với màn hình 5,3 inch cùng cấu hình ấn tượng, Galaxy Note nhận được nhiều đánh giá là 1 sản phẩm tốt, vừa có thể dùng làm điện thoại, vừa đủ khả năng thay thế tablet. Và doanh số bán hơn 1 triệu sản phẩm trên toàn thế giới cho đến nay nói lên phần nào thành công của "siêu phẩm" này. Sự chào đón của người dùng dành cho Galaxy Note được cho sẽ là cột mốc đánh dấu sự xuất hiện của nhiều mẫu thiết bị lai tương tự trong tương lai không xa. Tuy nhiên, số phận hẩm hiu của những sản phẩm tương tự như Galaxy Note dưới đây chứng minh rằng việc xây 1 chiếc cầu nối tablet và điện thoại là không hề dễ dàng.

 
Dell Streak (2010)
 
Ra đời trước Galaxy Note nhưng Dell Streak (kích thước 5 inch) không được chào đón như điện thoại của Samsung. Máy có thiết kế đẹp mắt, kiểu dáng mỏng, chất lượng gia công tốt nhưng điểm yếu của Streak 5 nằm ở phần mềm. Android 1.6 là hệ điều hành đã lỗi thời cho 1 điện thoại ra mắt vào năm 2010. Bên cạnh đó, 1 luồng ý kiến đánh giá kích thước 5 inch khá "dở dở ương ương" khiến Streak 5 quá nhỏ để thay thế cho tablet nhưng lại quá to cho 1 chiếc điện thoại. Sản phẩm bị Dell khai tử vào tháng 8 năm ngoái. 
 
Acer Iconia Smart (2011)
 
Được Acer trình diễn tại MWC năm 2010, Iconia Smart sở hữu 1 thiết kế "lập dị" với màn hình kích thước 4,8 inch độ phân giải 1024 x 480 pixel, độ dài hơn 141 mm, mảnh dẻ, giúp người dùng dễ dàng cầm nắm bằng 1 tay hơn so với tablet. Tuy nhiên, Acer chỉ phân phối sản phẩm đến 1 số thị trường chứ chưa bao giờ bán ra rộng rãi do Iconia Smart gặp vấn đề tương thích với ứng dụng Android.
 
HTC Advantage (2007)
 
HTC Advantage là mẫu tablet lai điện thoại khá thành công của HTC. Máy có màn hình kích thước 5 inch, độ phân giải 640 x 480 và 1 bàn phím kết nối từ tính và chạy HĐH Windows Mobile. Sản phẩm dành cho những khách hàng "vừa ưa thích 1 chiếc smartphone, 1 chiếc laptop thu nhỏ, vừa muốn có 1 thiết bị định vị GPS gắn ngay trong xe hơi". Tuy nhiên, mức giá 900 USD khiến nó chỉ đến được với 1 bộ phận nhỏ những khách hàng có chiếc ví dày. 
 
Nokia N810 phiên bản WiMAX (2008)
 
N810 là sản phẩm thứ 3 trong nỗ lực sản xuất 1 chiếc tablet cỡ nhỏ của Nokia nhưng là thiết bị đầu tiên có khả năng kết nối mạng di động. N810 phiên bản WiMAX (WiMAX Edition) được trang bị công nghệ kết nối băng rộng WiMAX di động tốc độ cao, phần mềm cho phép gọi VOIP và được gọi là máy tính bảng Internet (Internet Tablet) mặc dù màn hình chỉ có 4,1 inch. Tuy nhiên, đen đủi cho N810 là Nokia lại đặt cược số phận của N810 vào HĐH có số phận bi đát Maemo.
 
LG GW990 (2010)

Giống với Iconia Smart của Acer, GW990 của LG cũng sở hữu 1 chiều dài quá cỡ gần 147 mm. Máy có màn hình 4,8 inch độ phân giải 1024 x 480 pixel và chạy HĐH Moblin OS của Intel và được kì vọng là một trong những smartphone đầu tiên dùng chip Atom của Intel được tung ra thị trường. Tại CES 2010, sản phẩm của LG cũng nhận được sự chú ý khá nhiều nhưng rồi sau đó nó chưa bao giờ được tung ra thị trường có lẽ do chạy 1 HĐH quá "kì quặc". Moblin sau đó được chuyển thành Meego và bây giờ là Tizen. Intel, trong khi đó quyết tâm "làm lại từ đầu", ra mắt 1 smartphone Android chuẩn là Lenovo K800 sử dụng vi xử lý Medfield mà chúng ta được thưởng lãm tại CES vừa qua.
 
Pantech Pocket (2011)
 
Chiếc điện thoại Pocket của Pantech có thể coi là một trong những điện thoại có kiểu dáng chẳng giống ai. Với màn hình 4 inch và 1 thiết kế hình vuông, Pantech cho biết sản phẩm của họ là 1 chiếc "tablet cỡ nhỏ" do tỷ lệ màn hình khác thường của nó: 4:3. Thiết kế của Pocket có vẻ rất phù hợp với việc xem nội dung trên web nhưng nó lại có quá nhiều nhược điểm: tạo cảm giác không thoải mái khi cầm nắm để gọi điện, chất lượng âm thanh nghèo nàn.

EO 440
 
Từ những năm 1993, nhà mạng Mỹ AT&T đã giới thiệu 1 sản phẩm "lai" EO 440 có đầy đủ chức năng của 1 chiếc điện thoại nhưng cũng có chức năng của 1 chiếc modem fax (kết nối với máy tính và có thể gửi, nhận tài liệu dưới dạng fax). EO 440 lúc đó được trang bị ổ cứng 20 MB và được bán với giá 4000 USD. Những chức năng như dùng làm máy fax, giao tiếp dễ dàng khiến nhiều người dùng phải thèm thuồng. Tuy nhiên, giống như nhiều sản phẩm khác, người ta không thể liệt kê từng điểm mạnh để rồi kết luận đó là 1 sản phẩm tốt. Tất cả đều phải xét trên tổng thể và tính thực tiễn của nó nữa và EP 440 không phải là 1 sản phẩm phù hợp. Bạn có thể sử dụng EO 440 để in hoặc fax nhưng không thể xem trước tài liệu, máy hỗ trợ quá ít loại máy in. Bên cạnh đó, hiệu năng hệ thống của nó cũng rất kém cũng như máy có ít lựa chọn về kết nối. Nhà sản xuất EO từng hứa hẹn sẽ ra mắt những sản phẩm tương tự nhưng mạnh mẽ hơn và giá tốt hơn trong tương lai, thế nhưng trên thực tế chưa có thêm 1 sản phẩm nào tương tự ra mắt nữa và công ty này cũng đóng cửa 1 năm sau đó.