Fun Zone

Phần mềm bóc mẽ mức độ Photoshop của ảnh

Phần mềm bóc mẽ mức độ Photoshop của ảnh

Những cô gái thích sử dụng công cụ biên tập để làm to mắt, xóa nốt ruồi... trước khi khoe hình lên mạng sẽ phải dè chừng khi một phần mềm mới có thể tố cáo ảnh của họ đã bị chỉnh sửa tới mức nào.

 

Ảnh của người mẫu, ngôi sao nổi tiếng trên các tạp chí, biển quảng cáo luôn phải trải qua công đoạn tinh chỉnh. Có thể, chuyên gia đồ họa chỉ cần làm sáng màu da, uốn lại nếp tóc... nhưng cũng không ít ảnh "nói dối" khi người mẫu ảnh giảm vài kg, chân dài hơn, nếp nhăn biến mất... nhờ "cây đũa thần" Photoshop. "Kết quả là ai cũng lộng lẫy như bà hoàng hoặc búp bê Barbie", Hany Farid, giáo sư về khoa học máy tính tại Đại học Dartmouth (Mỹ), cho hay.

Trước vấn đề này, các nhà làm luật ở Pháp, Anh và Na Uy muốn "gắn mác" cho những ảnh đã được "tút tát". Hiệp hội Y tế Mỹ cũng yêu cầu quảng cáo không được lạm dụng việc chỉnh sửa cơ thể để tạo cảm giác không thật về hiệu quả của một sản phẩm nào đó.

Tuy nhiên, việc phân loại ảnh có sửa hay không sửa không dễ dàng. Do đó, Giáo sư Farid và nghiên cứu sinh Eric Kee đã cho ra đời công cụ có thể tính toán một bức ảnh đã bị thay đổi như thế nào theo cấp độ từ 1 đến 5.

Những bức ảnh được chỉnh sửa theo mức độ từ 1 (nhẹ) đến 5.

Ảnh được chỉnh sửa theo mức độ từ 1 (nhẹ nhất) đến 5. Chẳng hạn, Angelia Jolie chỉ được chỉnh cho da sáng hơn, trong khi người mẫu cuối cùng được làm cho thon thả hơn.

 

Seth Matlins, chuyên gia về tìm kiếm tài năng và marketing ở Mỹ, nhận định nghiên cứu của Farid có "tầm quan trọng to lớn" trong cuộc sống. "Chúng tôi hiểu sự thật phía sau quảng cáo. Chúng tôi không cố loại bỏ Photoshop hay ngăn cản sự sáng tạo của những chuyên gia sự dụng nó. Nhưng nếu ảnh của ai đó bị chau chuốt quá đà, người xem cần được nhắc rằng nhân vật họ đang thấy giống như là trong phim Avatar vậy (bộ phim viễn tưởng với các nhân vật được tạo hình nhờ hiệu ứng máy tính)", Matlins nhận xét trên báo The New York Times.

Cũng liên quan đến chương trình máy tính, công ty Xerox lại công bố <>phần mềm có khả năng đánh giá một bức ảnh đẹp hay xấu</>. Công cụ này đánh giá chính xác nhiều ảnh, nhưng chưa thực sự hoàn hảo vì một số hình được giới nhiếp ảnh gia cho là mang tính nghệ thuật thì nó lại xếp hạng thấp (theo các tiêu chí đã được lập trình sẵn). Tuy nhiên, các nhà phát triển cũng phản biện rằng quan niệm về cái đẹp là tùy thuộc mỗi người, nên không thể khẳng định phần mềm thiếu hoàn thiện được.