Nhịp sống số

Facebook – “uốn ngón bảy lần” trước khi gõ

Facebook – “uốn ngón bảy lần” trước khi gõ

(<>CafeF1.com) Cổ nhân xưa đã có câu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” (hay “Bút sa gà chết”), nhưng xem ra cho tới tận thời đại ngày nay, lớp con cháu của các cụ vẫn chưa thấm thía bài học này.

Một hội có tên "gây sốc" trên Facebook

Văn hóa giao tiếp là một trong những bài học quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, khi internet xuất hiện, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn nhiều. Với đặc tính quan trọng – cho phép mọi người “ẩn danh”, thay thế danh tính thực bằng những nickname ảo – internet khiến cho con người có thể bộc lộ những điều mà bình thường, ngoài đời thật có lẽ họ không bao giờ dám thể hiện. Họ yên tâm rằng đó chỉ là những dòng comment trong một xã hội ảo, không có giá trị nào được công nhận, và họ không phải chịu trách nhiệm cho hành động, lời nói của mình. Chính vì thế, có những người – trẻ hoặc không còn trẻ – đôi khi post lên mạng những dòng chữ mà sau đó, hẳn là họ sẽ phải hối hận rất nhiều vì đã viết ra chúng.

Với vị trí là mạng xã hội hàng đầu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Facebook là nơi xảy ra lắm vụ “vạ miệng” rất điển hình. Đầu tiên phải kể đến vụ lùm xùm hồi năm ngoái xung quanh những phát ngôn “bạt mạng” của hoa hậu Việt Nam năm 1994 Nguyễn Thu Thủy. Là một người đẹp được đánh giá là “giàu tri thức” (cô từng học Đại học Ngoại giao Hà Nội và du học tại Mỹ ngành Quản trị kinh doanh), thậm chí từng chia sẻ ý định trở thành nhà văn, nhưng không hiểu vì lý do gì, Thu Thủy lại đăng trên trang Facebook của mình những câu chữ hết sức phản cảm. Ví dụ nhan đề một bài đăng trên Facebook của cô:

5000 là số bạn mình đang có trong friends list, 941 là số bạn đang đợi confirm, 673 là số notifications mình có mỗi ngày trên FB kể từ sự kiện: Cái đẹp, mông, ngực. 50 lần là số lượt người truy cập vào trang SOI tăng lên từ hôm mình vào share link về vụ gắn lông trym, ngậm trym vào mồm, cởi chuồng để vươn tới tự do trên FB nhà mình”.

Khi nhận được những ý kiến không đồng tình, người đẹp đã “văng” ra khá nhiều ngôn từ “chợ búa” để phản ứng lại. Hậu quả sau đó là hình ảnh của cô đã “xấu” đi trong mắt nhiều người (dù chỉ là theo nghĩa bóng). Không biết sau sự việc này, Thu Thủy có rút ra kinh nghiệm cẩn trọng với những gì mình nói, dẫu chúng chỉ là những câu chữ vô hồn trong trang cá nhân trên mạng của cô?

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy

Nhiều bạn đọc hẳn còn nhớ trận động đất – sóng thần rung chuyển nước Nhật vào ngày 11/03 năm nay. Thảm họa thiên tai này cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng. Hàng triệu tin tức, lời chia sẻ với nước Nhật được gửi đi mỗi ngày trên các hệ thống truyền thông. Thế nhưng, giữa bối cảnh đó, cô nàng hot girl có nickname Princess Milano lại có một phát ngôn cực kì dửng dưng:

“Mọi người thi nhau để avatar và slogan “Pray for Japan”… Mình thì chỉ cảm thấy đấy là quả báo, gieo nhân nào gặp quả nấy. Người Nhật từng sang Việt Nam giết hại bao nhiêu người… Mình thấy như thế vẫn bình thường!!!”

Đó chính là dòng trạng thái mà cô treo trên Facebook ngày 16/3. Nhanh như chớp, chỉ sau 14 tiếng, status này hút được hơn 3.000 ý kiến phản hồi. Điều đáng buồn hơn là dòng trạng thái thiếu suy nghĩ này lại nhận được tới hơn 40 “like”. Cư dân mạng nhanh chóng tìm ra Pricess Milano từng là thí sinh Hot Vteen – một biểu tượng cho nhan sắc của thế hệ trẻ. Đứng trước sự bất bình của rất nhiều cư dân mạng, cô gái đã phải viết một dòng trạng thái khác lên Facebook của mình để xin lỗi.

Sự kiện Princess Milano còn chưa kịp nguội xuống, chỉ 2 tháng sau, cộng đồng mạng lại một lần nữa xôn xao vì phát ngôn rất “hùng hồn” của Gào – một nhà văn trẻ được biết tiếng qua hai cuốn sách đã xuất bản là “Cho em gần anh thêm chút nữa” và “Nhật kí son môi”:

Trong dòng trạng thái được đăng tải trên Facebook cá nhân, cô gái “lắm tài nhiều tật” này tuyên bố “Nhật kí son môi” do mình sáng tác với “Nhật kí trong tù” – trứ tác để đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát ngôn được đánh giá là “vĩ cuồng” này khiến cho nhiều cư dân mạng sôi sục. Vốn dĩ là một hotgirl có nhiều fan nhưng cũng không ít antifan vì lối cư xử có phần quá đà, sự kiện này thực sự đã châm ngòi cho một cơn “mưa gạch đá” nhằm vào Gào. Mặc dù câu status này bị gỡ xuống rất nhanh nhưng hình chụp nó vẫn truyền tải trên mạng với tốc độ chóng mặt. Trái với phản ứng nhũn nhặn của Princess Milano, Gào lại có những phát ngôn thách thức các antifan với thái độ cứng rắn không kém:

Những trận khẩu chiến bất phân thắng bại giữa Gào và các antifan chỉ khiến cho cộng đồng mạng có cái nhìn tiêu cực hơn về cô.

Nếu trong ba trường hợp nói trên, cộng đồng mạng chỉ “tự xử” trong môi trường “ảo”, thì đến sự việc của Kẹo Mút Chơi Bời, sức mạnh của đám đông đã vươn ra tận ngoài đời thật.

Tối ngày 1/11, Kẹo Mút Chơi Bời đăng lên Facebook của mình: “Xong, chúng tôi vừa đâm vào một ông già gần 60 tuổi… khả năng chết”. Đến chiều ngày 2/11, cậu ta tiếp tục cập nhật status bằng ngôn ngữ biến thái và giọng điệu không chút hối tiếc rằng: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin, cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy vào đã củ tỏi hồi 17h07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi. Lão sinh năm 1953″.

Đó là những lời bình “máu lạnh” của người thanh niên này sau khi cậu ta và bạn gây ra cái chết cho một người đàn ông trong một vụ tai nạn giao thông. Tuy không phải là người trực tiếp cầm lái, nhưng những phát ngôn thiếu suy nghĩ của Kẹo Mút Chơi Bời (tên thật là Đặng Văn Linh) đã khiến cho cậu ta phải chịu sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng mạng.

Không chỉ căm phẫn, các thành viên trên nhiều diễn đàn đã quyết tâm truy tìm bằng được tung tích “Kẹo mút chơi bời”. Hàng loạt các trang facebook đã ra đời với những cái tên như “Trang tìm kiếm thông tin về Sát Nhân Kẹo Mút Chơi Bời – Đặng Văn Linh”, “Hội những người quyết săn lùng sát thủ Kẹo Mút Chơi Bời”, “Hội những người anti thằng Kẹo mút chơi bời”… trên đó chia sẻ một loạt những thông tin cá nhân về Đặng Văn Linh, khiến cậu ta hoảng sợ và phải trốn chui trốn nhủi trong một thời gian trước khi bị Cơ quan công an gọi ra trình diện. Tuy không phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng Linh đã phải tới xin lỗi gia đình nạn nhân và đồng thời, nhận được bài học đích đáng vì những phát ngôn thiếu tình người, thiếu hiểu biết và vô đạo đức của mình.

Cũng trong vụ việc của Kẹo Mút Chơi Bời, có hai nhân vật cũng bị liệt vào “sổ đen” bị cư dân mạng truy lùng ráo riết vì hành động ủng hộ Kẹo Mút là Phong Vũ Proud và Ngoc Ban Mai Hoàng.

Nhiều người cho rằng, hai bạn trẻ này chỉ đang tìm cách gây sự chú ý bằng một phương pháp cực kì ấu trĩ. Tuy nhiên, trong sự bức xúc của cộng đồng mạng, tương như Princess Milano, họ cũng không tránh khỏi sự chỉ trích của đám đông. Điều đáng nói là với sức mạnh của mạng lưới thông tin – truyền thông hiện nay, những thông tin cá nhân của họ nhanh chóng bị tìm ra, bị phát tán và hẳn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của họ trong đời thật.

Điều còn lại sau những sự việc kể trên là sự lo lắng, hoang mang trước đạo đức của giới trẻ ngày nay. Một số thì gây ra tội ác, một số khác thì ủng hộ những hành động phi nhân tính đó.

Nhiều người đã đặt tên cho “nạn dịch” đang lan truyền trong giới trẻ ngày nay là “căn bệnh vô cảm”. Bởi có vô cảm thì họ mới có thể dửng dưng trước cái chết của đồng loại, cổ súy cho cái ác, và thản nhiên đến nhẫn tâm trước nỗi đau của người khác. Tuy nhiên, nhiều người khác lại có cái nhìn bao dung hơn đối với vấn đề này. Họ cho rằng, tất cả những “ngông ngôn” trên vốn dĩ xuất phát từ thói quen “ăn nói bạt mạng” của một số cá nhân thiếu hiểu biết. Cho rằng “mạng ảo” nên họ thỏa sức nói những câu gây sốc mà ngoài đời có lẽ họ không bao giờ dám nói ra, với mục đích chính là “gây sự chú ý”. Đôi khi những phát ngôn đó đi quá đà, tới mức mà chủ nhân của nó cũng khó lòng lường trước được hậu quả. Đó là những khiếm khuyết, suy đồi về mặt đạo đức trong xã hội ngày nay hay chỉ đơn giản là tâm lý “thích chơi trội”, không chịu nằm lòng lời dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” của một bộ phận cá nhân mà thôi?

./.

Chia sẻ lên zing meChia sẻ lên facebookHot!Chia sẻ lên banbe.netPhiên bản in đượcGửi email cho bạnCopy nội dung bài

Tags