Nhịp sống số

Đã đến lúc khai tử chiếc điều khiển TV?

Đã đến lúc khai tử chiếc điều khiển TV?

Trước ngày mất, Steve Jobs đã hé lộ đôi chút thông tin về dự án TV của Apple, theo đó sản phẩm mới của hãng sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sử dụng TV. Ước mơ cải tiến cách thức tương tác với TV không chỉ là của riêng Steve Jobs mà còn là tham vọng của nhiều nhà sản xuất TV từ lâu. Công nghệ tương tác với TV có thể đã tiến rất xa, tuy nhiên mới chỉ trong... phòng thử nghiệm. Muốn đến được phòng khách của người tiêu dùng ta phải trải qua hàng loạt bước thương mại hóa, vốn tốn tiền và tiềm ẩn hàng tá rủi ro.


Gần đây, đột phá trong công nghệ nhận diện giọng nói (như Siri của Apple, Tell Me của Windows Phone) và nhận diện chuyển động (như Kinnect – Microsoft) mới được đông đảo người dùng biết đến và chấp nhận rộng rãi. Nhận thấy tiềm năng mở rộng ứng dụng ra ngoài smartphone và game, giới công nghệ hoạt động trong 2 lĩnh vực trên tham vọng áp dụng những công nghệ tiên tiến như vậy vào chiếc TV quen thuộc, trước hết là “khử” chiếc remote TV (điều khiển TV).


TV thông minh không cần remote

TV trong tương lai không cần đến remote.

Nuance, hãng công nghệ có nhiều năm hoạt động trong công nghệ nhận diện giọng nói, vừa qua đã lên tiếng về viễn cảnh phòng khách TV tương lai. Theo Nuance, người tiêu dùng không cần động tới chiếc remote nữa, thay vào đó là ra lệnh bằng giọng nói. Hệ thống microphone trang bị khắp phòng khách và trên chính chiếc TV sẽ xử lí tín hiệu giọng nói và thực hiện lệnh. Đó là viễn cảnh trong 3-4 năm nữa của Nuance.


Vlingo, một hãng công nghệ tương tự Nuance, trình bày một ý tưởng thực tế hơn, theo đó thiết bị Kinnect sẽ ghi nhận chuyển động cánh tay của khách hàng để thực hiện các lệnh (chuyển kênh, tăng giảm âm lượng,...) trên TV. Bên cạnh đó, một thiết bị khác gắn với TV sẽ theo dõi chuyển động mắt và nhận dạng giọng nói. Khi menu kênh hiện ra, người dùng chỉ cần nhìn vào kênh muốn xem và ra lệnh “Bật”. Vlingo dự định ra mắt công nghệ “nhiệm mầu” như vậy trong đầu năm sau và thương mại hóa nếu thuận lợi.


Khó khăn còn nhiều

 
Đó là viễn cảnh “thuận lợi” của Nuance và Vlingo. Trong thực tế, rào cản vẫn còn nhiều. Dag Kittlaus, thành viên trong đội ngũ phát triển Siri (nay đã sáp nhập với Apple), chỉ ra một rào cản đơn giản: công nghệ nhận diện giọng nói dễ bị “nhiễu” trong điều kiện nhiều tiếng ồn. Vấn đề này đồng nghĩa với việc các nhà phát triển cần nghiên cứu cách “bóc tách” lệnh điều khiển khỏi các tạp âm (tiếng trẻ con, tiếng nói chuyện, âm thanh từ chính chiếc TV).

Hơn nữa, TV sử dụng nền tảng phần mềm riêng. Giới phát triển phần mềm thường tìm đến những nền tảng có lợi nhuận cao (hiện nay là Windows, iOS, Android,...) chuyên tâm cho nền tảng của TV tương đối mạo hiểm. Trong thời gian tới, nếu Apple và Google ra mắt TV trên nền iOS và Android, mảng phần mềm ở đây mới thu hút được các nhà phát triển.


Kittlaus cũng cho hay, phần mềm cho Kinnect và Siri hiện tại còn rất “thô sơ. Giới hacker gần đây đã thể can thiệp nhiều vào phần mềm của Kinnect và Siri để chúng “tinh ý” hơn, nhưng các thành qủa đó chỉ là muối bỏ bể so với yêu cầu mà một TV thông minh tương lai cần có. Tóm lại, sớm nhất thì trong năm tới các smartphone trang bị apps nhận diện giọng nói có thể sẽ thay thế dần chiếc remote. Chúng ta cần nhiều thời gian hơn nữa để có một chiếc TV “như mơ”trong viễn cảnh tươi đẹp của Nuance và Vlingo.


Google TV của Sony.
 
Tham khảo: Business Week