Nhịp sống số

Tìm hiểu kỹ hơn về Lytro Camera - "Chụp trước lấy nét sau"

Tìm hiểu kỹ hơn về Lytro Camera -
id="post_message_11455325">
Tìm hiểu kỹ hơn về Lytro Camera - "Chụp trước lấy nét sau"
Ảnh chụp từ máy ảnh Lytro cho phép ta chọn điểm nào cần nét sau khi chụp

Lytro Camera, chiếc máy ảnh số cho phép chụp trước lấy nét sau thật sự thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Tinh tế đã từng có bài giới thiệu về Lytro Camera, nay mình sẽ giải thích thêm một chút về kỹ thuật mà Lytro sử dụng để có thể làm được hiệu ứng phi thường này. Để cho dễ hiểu, bạn có thể xem việc chụp hình bằng Lytro Camera cũng giống như chụp ảnh RAW trên các máy ảnh KTS, nghĩa là mọi thông tin về hình ảnh đều được cảm biến của máy thu lại ở dạng nguyên gốc chưa được xử lý, nếu ảnh RAW cho phép bạn chỉnh lại màu sắc, sáng tối, độ sắc nét... thì ảnh chụp từ Lytro Camera còn "ghê gớm" hơn, cho phép bạn chọn ảnh rõ chỗ nào và mờ chỗ nào.

Trước tiên, bạn cần hiểu rõ cách mà mắt chúng ta (cũng như camera) nhìn thấy các hình ảnh và sự vật. Chúng ta nhìn thấy một vật là do vật đó phát ra tia ánh sáng, tia sáng chiếu thẳng vào mắt chúng ta (hoặc camera) nên chúng ta mới nhìn thấy vật thể đó. Như vậy có nghĩa là, khi ta nhìn trực diện vào một vật nào đó, ta sẽ thấy vật đó hiện ra rõ nhất, các vật thể khác nằm trước và sau vật thể mà ta đang nhìn đều sẽ bị mờ đi. Máy ảnh số cũng vậy, khi ta lấy nét vào một điểm nào đó thì chỉ có điểm đó nét mà thôi, khung cảnh phía trước và sau điểm đó đều bị mờ nhòe. Đó là do mắt người và camera chỉ thu nhận được một lượng tia sáng nhất định từ vật thể. Còn đối với Lytro Camera, nó có thể thu nhận nhiều tia sáng hơn mà cụ thể là màu sắc, cường độ và cả hướng chiếu của mỗi tia sáng đó. Nó không chỉ thu nhận các tia sáng của một điểm/vật thể cố định mà còn của cả các vật thể khác (nằm ở phía trước và phía sau) có trong khung hình với tối đa là 11 triệu tia sáng.

Do đó, đối với camera thông thường, sau khi đã lấy nét chỗ nào thì ảnh chụp sẽ chỉ nét chỗ đó, còn đối với máy ảnh Lytro, mặc định toàn bộ ảnh từ trước ra sau sẽ nét hết vì Lytro đã ghi nhận lại toàn bộ các tia sáng có trong đó. Lúc này bạn chỉ cần dùng phần mềm máy tính (được bán kèm theo máy ảnh Lytro) để chọn ra điểm nào cần rõ và điểm nào cần mờ mà thôi.
Tất cả các tia sáng mà mình nói trên đây được gọi chung là "trường ánh sáng" hay "vùng ánh sáng" (Light Field). Khái niệm "Light Field" lần đầu tiên được nói đến vào năm 1936 bởi một nhà khoa học người Nga tên là Alexander Gershun. Đây cũng chính là tên công nghệ được dùng trong máy ảnh Lytro, phát triển bởi anh Ren Ng khi anh còn học ở trường Đại học Stanford (Mỹ). Ở một khía cạnh nào đó, ta có thể thấy chụp hình Light Field cũng giống như chụp ảnh RAW vậy. Khi chụp ảnh ở định dạng RAW, camera sẽ ghi nhận tất cả các ánh sáng đi qua cảm biến ảnh của nó mà không thực hiện công việc xử lý nào hết, ví dụ như cân bằng trắng, chỉnh màu sắc hay tăng độ sắc nét chẳng hạn. Những việc này ta đều có thể xử lý bằng máy vi tính sau đó. Tương tự với máy ảnh Lytro, nó sẽ thu nhận tất cả các tia sáng đi qua các cảm biến ảnh siêu nhỏ của mình mà không xử lý gì hết, để sau đó lên máy tính ta có thể xử lý lại và xác định chỗ nào cần rõ hoặc mờ nhòe.

Trong luận án Tiến sĩ của mình, anh Ren Ng có đề cập sơ lược về cách ứng dụng phương pháp trường ánh sáng bên trong chiếc máy ảnh Lytro, bạn có thể tải về tại đây. Anh Ren còn nói: "Trước đây, muốn chụp ảnh trường ánh sáng nhất thiết cần phải có 1 phòng lab với 100 máy ảnh gắn vào một siêu máy tính". Còn bây giờ bạn hoàn toàn có thể chụp ảnh Light Field chỉ với một thiết bị cầm tay vô cùng nhỏ gọn mà thôi. Theo hãng sản xuất, cảm biến của máy ảnh Lytro có thể ghi nhận đến 11 triệu tia sáng (11 megarays). Tuy nhiên, bạn đừng nghĩ rằng megaray tương đương với megapixel nhé. Chất lượng hình ảnh sau cùng của ảnh chụp bằng Lytro có thể sẽ thấp hơn khá nhiều so với ảnh chụp của những chiếc máy ảnh số thông thường nhưng bù lại nó có thể xuất hình 3D (đọc thêm ở đây).