Quân sự

Sức mạnh “Hố đen đại dương” của Việt Nam

Sức mạnh “Hố đen đại dương” của Việt Nam

(Techz.vn) Chiếc tàu ngầm đầu tiên do Nga sản xuất được Hải quân Mỹ đặt biệt danh "Hố đen đại dương”, bởi gần như không thể bị phát hiện khi lặn sẽ được bàn giao cho Việt Nam vào ngày 7-11. Thông tin trên thu hút nhiều bình luận và phân tích của truyền thông quốc tế.   

Sức mạnh vượt trội

 

Tàu ngầm lớp Varshavyanka (Dự án 636M) với động cơ chạy bằng diesel-điện có khả năng ẩn mình cực cao trước mạng lưới cảnh báo sớm của kẻ thù nhờ phát tiếng động nhỏ, và có thể bắn hạ nhiều mục tiêu ở khoảng cách xa. Hải quân Việt Nam sẽ tiếp nhận chiếc tàu ngầm lớp Kilo Project 636 đầu tiên mang tên Hà Nội trong số 6 chiếc đặt mua của Nga vào ngày 7-11-2013. Tất cả 6 chiếc tàu ngầm đều được chế tạo tại Xưởng đóng tàu Đô đốc và theo kế hoạch được bàn giao toàn bộ cho Việt Nam vào năm 2016. Quan chức của Xưởng chế tạo tàu ngầm Đô đốc St. Petersburg cho biết, vào trung tuần tháng 11 năm nay, chiếc tàu ngầm này sẽ được đưa về Việt Nam và đến cuối tháng 1-2014 sẽ đến căn cứ quân sự vịnh Cam Ranh (Việt Nam) sau đó sẽ thượng cờ Việt Nam và chính thức ký kết văn kiện tiếp nhận.

Việt Nam đã đặt hàng mua 6 chiếc tàu ngầm của Nga từ năm 2009, phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bản hợp đồng, trong đó bao gồm khóa huấn luyện điều khiển tàu ngầm cho binh sỹ Việt Nam ở St.Peterburg, có tổng giá trị lên đến 2 tỷ USD. Theo chuyên trang Quốc phòng Defense News, lớp Varshavyanka là một mẫu cải tiến từ tàu ngầm lớp Kilo, quy tụ nhiều công nghệ tiên tiến, đặc biệt là khả năng tàng hình và chiến đấu tầm xa. "Hố đen đại dương” có độ giãn nước 3.100 tấn, đạt tốc độ tối đa 20 knots (khoảng 37km/h), lặn sâu 300m và có thể chứa thủy thủ đoàn 52 người.

 

Tàu ngầm cũng được trang bị các ống phóng ngư lôi 533mm, thủy lôi và tên lửa hành trình Kalibr 3M54 (định danh của NATO là SS-N-27 Sizzler). Các vũ khí này chủ yếu được sử dụng trong các nhiệm vụ chống tàu ngầm và tàu nổi ở những vùng biển tương đối nông như ở Biển Đông.

 
-image-1383480035368
Tàu ngầm lớp Kilo rất khó bị phát hiện
nhờ thiết kế hình giọt nước cùng lớp vật liệu chống dội âm
 

Tăng cường sức mạnh trong chiến thuật chống tiếp cận

 

Truyền thông quốc tế, đặc biệt là truyền thông Trung Quốc trong những ngày qua liên tục có những bài viết đánh giá và phân tích về sức mạnh của tàu ngầm "Hố đen đại dương” của Việt Nam.

 

Theo chuyên trang Quốc phòng Kanwa Defense New do chuyên gia phân tích quân sự Andrei Chang điều hành - có trụ sở ở Canada, Trung Quốc hiện cũng đang sở hữu 12 tàu ngầm lớp Kilo mua trong lô 33 tàu ngầm Kilo xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, các tàu ngầm lớp Kilo mà Nga bán cho Việt Nam được xem là tân tiến hơn của Trung Quốc khi so sánh về kính tiền vọng, hệ thống cảnh báo điện từ và vật liệu chống dội âm khiến tàu khó bị phát hiện hơn. Tàu ngầm Kilo của Việt Nam cũng được trang bị thêm tên lửa chống hạm 3M-54 Klub, có khả năng tấn công tầm xa cực mạnh và chính xác. Bản thân một nước sở hữu 12 chiếc Kilo như Trung Quốc cũng lên tiếng ca ngợi về sức mạnh của lớp tàu ngầm này, đặc biệt hữu hiệu trong các nhiệm vụ trinh sát, bảo vệ từ xa, chống tiếp cận…

 

Theo nguồn tin trên, hạm đội tàu ngầm sẽ tăng cường uy lực của Hải quân Việt Nam cũng như mang lại lợi thế tốt hơn cho Việt Nam trong bất kỳ cuộc đối đầu nào trong tranh chấp Biển Đông. Với hạm đội tàu ngầm mới này, Trung Quốc sẽ chịu thêm nhiều áp lực trong việc bảo vệ nguồn cung cấp cho mình bằng đường biển nếu xung đột nảy sinh.

 

Trong một bài viết đăng tải trên trang The Diplomat, James R. Holmes, Giáo sư ngành chiến lược của ĐH Hải quân Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu về chiến lược biển của Trung Quốc nhận định trong khi các phương tiện khí tài, chiến thuật chống tàu ngầm của Trung Quốc vẫn còn đang trong giai đoạn lộn xộn và thiếu hụt, thì hạm đội tàu ngầm này của Việt Nam sẽ biến Biển Đông trở thành "miền đất dữ” đối với hải quân Trung Quốc, bất chấp họ đang sở hữu một lực lượng mạnh hơn Việt Nam rất nhiều.

 

Theo bài viết, tuy hạm đội tàu ngầm 6 chiếc Kilo chưa thể tạo nên sức mạnh áp đảo so với hải quân Trung Quốc, nhưng sẽ là quân bài chủ chốt trong chiến thuật chống tiếp cận của Việt Nam. Trước đây, thế trận chống tiếp cận này chỉ đơn thuần là một chiều, nhưng nhờ vào hạm đội tàu ngầm mới, chiến thuật sẽ mở rộng nhờ khả năng trinh sát của "Hố đen đại dương”, từ đó có thể nhanh chóng chuyển sang phòng thủ và tấn công.

 
-image-1383480041370
Bên cạnh tàu ngầm Kilo, Su-30MK2 sẽ tăng cường đáng kể
khả năng phòng thủ bờ biển của Việt Nam
 

Theo chuyên trang quân sự Chinamil của Trung Quốc, dựa trên kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm lớp Kilo của nước này, tàu ngầm tấn công lớp Kilo có hỏa lực cực mạnh với thiết kế phần nửa thân trên gồm 6 ống phóng ngư lôi, phần nửa thân dưới dành cho hệ thống định vị thủy âm hiện đại. Trong khi đó, với thiết kế vỏ tàu hình giọt nước và vật liệu chống dội âm, Kilo hầu như không phát tiếng ồn khi hoạt động, điều mà Trung Quốc không thể khắc phục với tàu ngầm mà họ sản xuất nên rất khó bị phát hiện. Sở hữu tàu ngầm Kilo giúp Việt Nam mở rộng phạm vi tác chiến xuống lòng biển khơi, bên cạnh tác chiến trên đất liền, trên không, trên mặt biển sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực kiểm soát đáy biển ở Biển Đông, có thể chi viện cho lực lượng hoạt động trên Biển Đông bất cứ lúc nào.

 

Cũng theo Chinamil (Trung Quốc) còn từng lo ngại rằng, Kilo của Việt Nam sẽ trở thành khắc tinh của tàu sân bay Liêu Ninh. Bắc Kinh từng tuyên bố rằng Liêu Ninh là "dành cho Biển Đông”, tuy nhiên trong một vùng biển nhiều "mối nguy” như hiện nay, Liêu Ninh khó có thể vẫy vùng thỏa thích.

 

Ngoài bản hợp đồng mua 6 tàu ngầm hiện đại, trong năm nay Việt Nam và Nga cũng đã ký kết nhiều bản thỏa thuận mua bán vũ khí mới, trao đổi công nghệ quân sự…Tháng Hai năm nay, Việt Nam và Nga đã ký kết hợp đồng mua 2 tàu khu trục lớp Gepard. Trước đó, năm 2011, Việt Nam đã tiếp nhận 2 tàu khu trục loại này. Tháng 8 vừa qua, sau chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Việt Nam cũng ký kết một thỏa thuận mua 10 chiến đấu cơ đa nhiệm Sukhoi Su-30MK2 được trang bị tên lửa chống hạm với tổng giá trị 450 triệu USD, sẽ được bàn giao trong khoảng 2014-2015. Trước đó, Việt Nam đã ký bản hợp đồng mua 20 máy bay loại này từ Nga.

 

Theo hãng tin RIA-Novosti của Nga, với sức mạnh của hạm đội ngầm kết hợp với chiến đấu cơ Su-30, sức mạnh của hải quân Việt Nam sẽ được tăng cường đáng kể, đặc biệt trong chiến thuật chống tiếp cận.

Mời bạn xem thêm: Mua ốc biêu vàng: Âm mưu thâm độc của Trung Quốc

 Hồng Long  (DDK)