Khởi nghiệp

Khán phòng chật kín trong buổi trò chuyện với 2 chuyên gia Startup Mobile tại Việt Nam

Khán phòng chật kín trong buổi trò chuyện với 2 chuyên gia Startup Mobile tại Việt Nam

Chiều tối ngày 22 tháng 4 vừa qua, những người quan tâm đến Startup nói chung và Startup Mobile nói riêng đã có một buổi giao lưu thân mật và vui vẻ với các khách mời, đều là những nhân vật giàu kinh nghiệm, đang rất thành công với những dự án khởi nghiệp của riêng mình và giúp đỡ khá nhiều cho cộng đồng Startup Việt. Đó là anh Dũng Trần, founder kiêm CEO của mWork- mạng lưới liên kết mobile tiên phong tại Việt Nam và anh Tuấn Anh sáng lập của APPOTA – kênh phân phối ứng dụng trên mobile hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.

Buổi meetup lần này được VTC Academy cùng trang tin Công nghệ Châu Á (Tech in Asia) phối hợp tổ chức. Với chủ đề khá hấp dẫn “LÀM THẾ NÀO ĐỂ MỘT START UP MOBILE THÀNH CÔNG TẠI VIỆT NAM?”, lại trong hoàn cảnh khá nhiều ứng dụng di động tại nước ta “gây bão” trên thế giới, buổi gặp gỡ đã thu hút hàng trăm người tham dự, bao gồm cả những người đang làm chủ của những doanh nghiệp phần mềm, những nhà phát triển ứng dụng có tiếng, những người đang ấp ủ những dự án khởi nghiệp và đông đảo các bạn sinh viên. Phòng họp tại tầng 2 của tòa nhà CEN Group (Hà Nội) không còn một chỗ trống.

Trong buổi họp báo, 2 diễn giả đã có những màn đối đáp thú vị, trả lời thẳng thắn nhưng không kém phần hóm hỉnh những câu hỏi từ đại diện của Tech in Asia về quá trình phát triển, cũng như những khó khăn, thuận lợi mà 2 CEO này từng gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, nói về những startup đang thành công tại Việt Nam cũng như chia sẻ những bí quyết, kinh nghiêm quý báu mà họ có đến những người quan tâm.

Sau những chia sẻ về startup, anh Dũng Trần và anh Tuấn Anh đã dành toàn bộ thời gian còn lại để trả lời thắc mắc của những bạn quan tâm. Ban tổ chức cũng đã tạo điều kiện tốt nhất để người tham gia có thể đặt câu hỏi trực tiếp với diễn giả, đặt câu hỏi qua phiếu. Với những câu hỏi như cần kinh phí bao nhiêu cho một startup, cách bảo vệ ý tưởng, chọn partner hay cách đưa sản phẩm của mình đến đông đảo người dùng nhất,…2 diễn giả với 2 cách tiếp cận vấn đề khác nhau, đã đưa ra những câu trả lời khá thông minh, thể hiện sự am hiểu cũng như kinh nghiệm dày dặn của mình và giải quyết được hầu hết những vấn đề người nghe quan tâm.

Buổi meetup đã phải kéo dài hơn dự kiến hơn 30 phút bởi người hỏi, người trả lời, người nghe đều rất hào hứng và có nhiều những thắc mắc muốn tìm hiểu ở 2 CEO đang thành công này. Qua đó, có thể thấy phần nào việc startup Việt đang nở rộ, tuy nhiên sẽ cần nhiều những buổi gặp gỡ, chia sẻ như thế này để có thể định hướng, giúp đỡ những mô hình khởi nghiệp mới đi đúng hướng, phát triển và vươn tầm thế giới.

 

Thông tin thêm về các đơn vị tham gia:

1. VTC ACADEMY- Trung tâm Công nghệ và Nội dung số VTC- www.academy.vtc.vn

VTC Academy được thành lập vào năm 2010, đang đào tạo những ngành học đón đầu xu hướng phát triển trong lĩnh vực lập trình và thiết kế, gồm: Thiết kế 3D Game (3D Game Design); Hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D (3D Animation & VFX); Lập trình Game (Game Development); Lập trình phát triển ứng dụng di động (Mobile Application Development).

3. mWork- www.id.mwork.vn

mWork là một trong những mạng lưới liên kết mobile tiên phong tại Việt Nam. Về cơ bản, mWork giúp các nhà phát triển và phát hành game/nội dung số trên mobile tại Việt Nam phân phối sản phẩm của mình một cách hiệu quả tới người dùng di động thông qua mô hình mobile affiliate (tạm dịch: mạng lưới liên kết di động). Hiện mWork đã có 48,000 kênh phân phối trên mạng liên kết mobile của mình.

Mỗi tháng, mWork đạt trên 20 triệu lượt download game và ứng dụng tại Việt Nam với trên 70% đến từ smartphone.

4. Appota- www.appota.com

Appota là đơn vị tiên phong và dẫn đầu tại Việt Nam cung cấp nền tảng phân phối ứng dụng moibile một cách toàn diện cho các nhà phát triển ứng dụng và phát hành game, giúp phân phối hiệu quả đến cộng đồng sử dụng smartphone lớn nhất Việt.

Đọc thêm: Làm thế nào để một startup mobile thành công tại Việt Nam?

Lưu Quý

Tag:

Startup