Doanh nghiệp

Cú phản đòn của “ông lớn” taxi: Xe ôm ngán ngẩm, GrabBike bắt đầu lo

Cú phản đòn của “ông lớn” taxi: Xe ôm ngán ngẩm, GrabBike bắt đầu lo

Quyết định này có thể sẽ làm thay đổi thị trường xe ôm vốn đã không mấy êm ấm giữa “xe ôm truyền thống” và GrabBike cùng uberMOTO.

Những cuốc xe miễn phí

Chiếc xe khách vừa đến cổng vào bến xe Nước Ngầm, chị Mai Thanh Hoa (nhân viên văn phòng tại một công ty thiết bị y tế) đã lấy smartphone bật ứng dụng Grab để đặt cuốc xe về nhà. Không đầy một phút sau, điện thoại đã có cuộc gọi đến của một tài xế GrabBike xác nhận hành trình và không quên dặn dò: “Chị nhớ đừng đứng ở cổng chính chị nhé, đứng lui xuống một chút để tránh mấy bác xe ôm cho em dễ đón”.

 Đội quân GrabBike hùng hậu.

Chị Hoa là một người thường xuyên sử dụng dịch vụ “xe ôm công nghệ” do giá cước rẻ, dịch vụ đưa đón tận tình, lái xe chủ yếu là sinh viên và nhất là “không bao giờ phải mặc cả như xe ôm truyền thống”. Bên cạnh đó, “Grab cũng liên tục tung ra các chương trình khuyến mại, đôi lúc đi 4-5km chỉ khoảng 25 nghìn đồng nhưng khuyến mại 30 nghìn đồng/chuyến, thành ra mình được đi xe ôm miễn phí” – khách hàng thân thiết của GrabBike cho hay.

Từ khoảng 2 năm trở lại đây, Grab và Uber xuất hiện như vị “cứu cánh” của nhiều nhân viên văn phòng như chị Mai Thanh Hoa”: “Tôi không quan tâm đến việc xe ôm truyền thống hay các hãng taxi kêu mất khách hay khó khăn. Thời buổi cạnh tranh hãng nào rẻ, dịch vụ tốt thì mình chọn thôi”.

Vừa bước ra đến cổng bến xe, đón chị Hoa là hàng loạt tài xế xe ôm, người là xe ôm truyền thống, người là xe ôm công nghệ, người nhã nhặn lịch sự mời lên xe “giá rẻ hơn Grab”, người giằng giật chọn khách như “chợ lao động” đầu đường Bưởi. Thế nên, khó khăn lắm chị Hoa mới có thể đón được đúng chiếc GrabBike đã đặt từ trước.

Theo tâm sự của một số tài xế GrabBike, thị trường đặt xe ôm công nghệ hiện nay cũng đã khó khăn hơn thời điểm cách đây một năm rất nhiều.

Anh Chu Thế Dân (quê Thái Bình) chia sẻ: “Ngày trước mình làm nhân viên thị trường của hãng bánh kẹo, đặc thù công việc cũng phải chạy xe nhiều, ngày đi làm, tối chạy Grab kiếm thêm. Thấy thu nhập cũng khá nên mình nghỉ việc ở công ty và chuyển hẳn sang chạy GrabBike. Tính ra mỗi ngày chạy từ sáng đến khoảng 11h tối cũng được 500 nghìn đồng, trừ chi phí trích cho Grab, xăng xe, điện thoại cũng được hơn 300 nghìn”.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 9/2017 tới nay, với việc Grab đã tăng chính sách chiết khấu từ 15% lên 20%, bên cạnh đó số lượng đầu xe cũng tăng nhanh chóng khiến các tài xế GrabBike khó chọn được khách hơn.

“Ông lớn” taxi tính làm thêm xe ôm

Cuối tháng Chín vừa qua, công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc cho biết sẽ xin ý kiến cổ đông về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách bằng xe lam, xe lôi, xe máy trong thời gian tới.

Được biết, doanh nghiệp thành lập hơn 16 năm này đang tập trung kinh doanh dịch vụ vận tải tại các tỉnh khu vực miền Bắc, bao gồm các dịch vụ taxi, cho thuê xe, dịch vụ sửa chữa... Trong đó, doanh thu dịch vụ taxi vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng gần 90% tổng doanh thu.

Theo thông tin công ty Mai Linh Hà Nội gửi đến các khách hàng cài ứng dụng Mai Linh taxi trước đó, dịch vụ xe ôm của Mai Linh sẽ có tên là M.Bike. Đối với loại xe M.bike thông thường, mức giá cước được áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu. Khách hàng phải trả thêm 3.8000 đồng/km tiếp theo. Mai Linh cũng sẽ đồng thời triển khai M.Bike Premium với giá cước gấp đôi M.Bike thông thường. So với 2 đối thủ của mình là uberMOTO và GrabBike thì mức giá trên gần như không có chênh lệch. Cụ thể, cước phí uberMOTO là 3.700 đồng/km. Mỗi phút sử dụng dịch vụ bị tính cước 200 đồng. UberMOTO còn áp dụng cước phí hủy chuyến 5.000 đồng và đặt ra mức cước phí tối thiểu 10.000 đồng.

 Bảng giá dịch vụ M.Bike của Mai Linh. 

Trước đó, một doanh nghiệp khác từng chiếm lĩnh thị trường taxi miền Nam là Vinasun cũng cho biết đang nghiên cứu thị trường, cân nhắc lợi ích để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến nhằm tăng sức cạnh tranh và giữ chân khách hàng. Dự kiến dịch vụ sẽ được triển khai sớm nhất vào cuối năm nay.

Động thái này của hai doanh nghiệp dẫn đầu thị phần taxi truyền thống được cho là “cú phản đòn” trong tình thế bị Grab và Uber dồn vào đường cùng khiến tình hình kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn.

Quan trọng vẫn là chất lượng dịch vụ

Trước những thông tin trên, người tiêu dùng tỏ ra khá bất ngờ, tuy nhiên khảo sát ý kiến của các “ông lớn” trên thị trường xe ôm hiện nay, cả xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ đều tỏ ra lo lắng. Bác Trần Văn Sơn (sống tại Cầu Giấy, Hà Nội) thở dài: “Bây giờ bắt khách đã khó lắm rồi, thêm cả “ông” Mai Linh cũng mở thêm dịch vụ xe ôm nữa chắc tôi cũng phải tìm nghề khác. Trước đây chỉ cần đứng đầu ngõ, một ngày được chục khách, rồi khách quen gọi cũng kiếm được kha khá. Từ ngày có Grab và Uber, người ta tự đặt cuốc xe nhiều hơn, có khi cả ngày chẳng được khách nào. Ra bến xe hay cổng trường học thì cạnh tranh còn gay gắt hơn”.

Cũng là “người trong cuộc”, anh Chu Thế Dân – tài xế GrabBike chia sẻ thêm: “Nếu Mai Linh mở cả dịch vụ như thế thật, thì còn phải xem giá cả và chất lượng dịch vụ như thế nào. Khách bây giờ họ cũng kén lắm, nếu dịch vụ không tốt thì bị đánh giá 1 sao ngay (trên thang điểm 5 sao, khách hàng sẽ đánh giá dịch vụ Grab ngay sau khi hoàn thành cuốc xe – PV)”.

Chia sẻ với PV về “cuộc chiến” này, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Khi thị trường xuất hiện những thành viên mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hãng truyền thống, gây khó khăn cho việc kinh doanh, điều này là bình thường. Với các hãng xe truyền thống thì đó là bất lợi, nhưng đối với khách hàng lại là thông tin tích cực”.

“Việc Mai Linh mở thêm ngành nghề kinh doanh để “đấu lại” với Grab, Uber sau khi gặp khó khăn ở mảng taxi là lựa chọn đúng theo nguyên tắc thị trường. Hiện tượng này mang tính cơ học, quyết định sự sinh tồn của các thành viên trên thị trường” – TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Tuy vậy, vấn đề cốt lõi của Mai Linh hay Vinasun vẫn phải là thay đổi về cách thức quản trị, cơ cấu tổ chức, tránh dàn trải. Để có giá rẻ hơn, Mai Linh và Vinasun phải tính toán được các loại chi phí cố định và chi phí quản lý để cân đối, hài hòa lợi ích cho tài xế và doanh nghiệp.

TS. Hiếu cho biết thêm: “Nhiều khách hàng đi taxi phản ánh về chất lượng dịch vụ của các hãng truyền thống, nếu mở thêm dịch vụ xe ôm thì cũng cần phải cải thiện dịch vụ như đón trả khách, đặt xe, thái độ của tài xế, hỗ trợ khách hàng khi để quên đồ và chăm sóc sau mua… Đó cũng là việc mà Mai Linh cần làm ngay lúc này để có thể cạnh tranh được với các hãng xe công nghệ hiện nay”.

Theo: Người Đưa Tin