Blog công nghệ

Có nên tẩy chay hàng công nghệ “Made in China”?

Có nên tẩy chay hàng công nghệ “Made in China”?

Theo lý luận của những lời kêu gọi tẩy chay hàng “China” thì mua và sử dụng nó tức là góp phần làm giàu mạnh thêm cho Trung Quốc. Theo đó, chúng ta sẽ phải tẩy chay tất cả các mặt hàng có gắn dòng chữ “Made in China” hay số mã vạch từ 690 đến 695. Sẽ ra sao khi hầu hết các mặt hàng công nghệ hiện tại bán ra tại Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc, bao gồm cả các thương hiệu lớn như Apple, Sony, Dell...

Bản thân các mặt hàng “Made in China” của các thương hiệu tên tuổi đều được giám sát rất kỹ trong khâu vật liệu, sản xuất, kiểm tra… nên chất lượng được đảm bảo. Không riêng gì Việt Nam, mặt hàng này có mặt ở hầu hết các thị trường lớn trên thế giới. Nếu tất cả các mặt hàng này đều được sản xuất tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản thì giá cả sẽ không phù hợp với mức thu nhập trung bình của người Việt, do chi phí sản xuất tại các nước phát triển thường cao hơn rất nhiều. Hiện tại, Trung Quốc đang là công xưởng của thế giới, hầu hết các thương hiệu lớn của Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản đều có nhà máy sản xuất, thuê nhân công và nộp thuế tại đây.

Vì thế, vô hình chung khi chúng ta tẩy chay hàng “China” để thể hiện “tình yêu nước” thì chính chúng ta phải vứt bỏ cái iPhone đang dùng, cái ti vi, nồi cơm điện gia đình đang sử dụng. Nguyên nhân đơn giản vì hàng “China” đã len lỏi vào từng góc nhỏ của gia đình, từ con dao cái thớt đến những vật dụng đắt tiền. Người tiêu dùng Việt muốn sử dụng hàng Việt cũng vấp phải rào cản về giá cả, sự đa dạng của mặt hàng thậm chí là chất lượng. Vậy, chúng ta có thể tẩy chay tất cả?

Tẩy chay hay cảnh giác?

Xét về khía cạnh người tiêu dùng, sản phẩm nào chất lượng, giá cả hợp lý thì đó là lựa chọn hàng đầu. Việc chi tiền hợp lý cho sản phẩm, không vung tiền để sở hữu những sản phẩm ngoại nhập đắt tiền cũng chính là một động thái góp phần cho đất nước giàu mạnh hơn. Vì thế, chúng ta không nên quá quan tâm tới xuất xứ. Việc chú ý tới chất lượng sản phẩm, nhu cầu sử dụng của bản thân mới thực sự cần thiết.

Trong tiềm thức người Việt, hàng Trung Quốc thường đồng nghĩa với chất lượng kém, thậm chí độc hại. Hầu hết những mặt hàng gia dụng, thực phẩm không nguồn gốc đều chứa những chất độc hại vượt quá mức cho phép đặc biệt là hoa quả, đồ chơi trẻ em, các mặt hàng điện tử nhái của thương hiệu lớn. Như vậy, thay vì tẩy chay hàng hóa “made in China”, người tiêu dùng Việt nên cảnh giác, thận trọng khi mua, sử dụng để đảm bảo an toàn và lợi ích lâu dài. Đặc biệt nói không với các mặt hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc, sản phẩm ăn cắp trắng trợn thương hiệu, bản quyền sáng chế hay mượn danh thương hiệu Việt để tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng.

Dân gian có câu “của rẻ của ôi” hay “tiền nào của ấy”, điều này rất đúng với các sản phẩm đến từ thương hiệu Trung Quốc, những mặt hàng quá rẻ ở đây thường được gia công từ những vật liệu rẻ tiền, độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người khi sử dụng. Mặt khác chất lượng của các mặt hàng quá rẻ đến từ Trung Quốc rất thấp, thường nhanh xuống cấp hư hỏng trở thành “của ôi”, “tiền mất tật mang”. Vì vậy nếu để ý tới các mặt hàng của thương hiệu Trung Quốc, nên tìm hiểu kỹ đánh giá của người tiêu dùng và tìm hiểu xem sản phẩm của thương hiệu này có được bán ra tại các thị trường phát triển hay không? Tất nhiên, để nhận biết một sản phẩm chất lượng, an toàn còn phải dựa vào cơ quan chức năng, Hải quan những bộ phận trực tiếp kiểm tra chất lượng hàng hóa của Trung Quốc khi vào Việt Nam.

Yêu nước thế nào cho đúng?

Theo ý kiến cá nhân, việc thể hiện lòng yêu nước không thể xuất phát từ việc tẩy chay hàng hóa. Chúng ta nên có phân biệt rõ ràng giữa chính trị và kinh tế. Hơn nữa, việc lên tiếng tẩy chay đột ngột hàng hóa Trung Quốc không hề có lợi cho kinh tế chúng ta vì nhiều nghành nghề vẫn đang phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu, trang thiết bị “China”.

Sẽ hay hơn nếu như thay vì ngồi kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, mỗi người Việt nghĩ làm thế nào để làm giàu, làm sao để sản xuất những mặt hàng chất lượng tốt, đẹp, giá hợp lý “Made in Việt Nam”, để thay thế những sản phẩm tương tự của Trung Quốc. Đôi khi, đam mê sản xuất hàng hóa, làm giàu cho bản thân cũng là một hành động yêu nước đầy thiết thực.