Tư vấn

Có nên rút cục sạc khi đã sạc pin xong?

Có nên rút cục sạc khi đã sạc pin xong?

Theo thói quen, khi sạc đầy thiết bị điện như smartphone, tablet, laptop,… chúng ta thường chỉ tháo thiết bị ra khỏi dây sạc, trong khi cục sạc (adapter) vẫn để giữ nguyên trên ổ cắm. Trong suy nghĩ của nhiều người, cục sạc khi không dùng để sạc sẽ không tiêu hao bất cứ nguồn năng lượng nào, hoặc nếu có thì cũng rất ít.

Tuy nhiên trong cuộc sống ngày nay, mỗi gia đình có hàng tá các thiết bị điện như vậy và mỗi chiếc lại có một cục sạc khác nhau. Dù giá trị tiêu hao có thể rất nhỏ, nhưng thử tưởng tượng bạn cứ giữ thói quen đó với cả tá cục sạc của mình, luôn để chúng sẵn sàng trên ổ điện để cắm bất cứ lúc nào cần thiết, và cứ như vậy trong cả năm, liệu những cục sạc tưởng như vô hại trên sẽ tiêu tốn của mỗi gia đình bao nhiêu tiền điện?

Trong lĩnh vực điện dân dụng, có một thuật ngữ là “Ma cà rồng năng lượng”, ám chỉ những thiết bị điện vẫn âm thầm tiêu hao điện năng của chúng ta ngay cả khi ở chế độ chờ, không được sử dụng. Vậy cục sạc của chúng ta sẽ là những “ma cà rồng” ở cấp độ nào? 

Cách đo lượng điện tiêu thụ của cục sạc

Trang How to Geek đã sử dụng một thiết bị có tên Kill A Watt, được bán trên Amazon với mức giá quy đổi ra khoảng dưới 500 ngàn đồng.

Đây là một chiếc máy có khả năng đo được lượng điện năng chạy qua, bằng cách cắm chúng vào ổ điện, sau đó cắm các thiết bị điện muốn đo lên máy, nói một cách khác, Kill A Watt sẽ là cầu nối giữa ổ điện và cục sạc cần đo.

Một cục sạc sẽ tiêu hao bao nhiêu năng lượng?

Về cơ bản, cục sạc chúng ta dùng hàng ngày có thể coi là một máy biến áp, có tác dụng chuyển đổi điện áp từ 220V xoay chiều sang 5V một chiều (cho smartphone phổ thông). Trong biến áp này, ngay khi chúng ta cắm điện thì đã hình thành một mạch kín, vậy nên chắc chắn có điện năng được tiêu thụ dù ít hay nhiều.

Tuy nhiên, khi thử nghiệm với một cục sạc Apple (vốn dành cho iPhone/iPad/iPod), kết quả từ máy đo cho thấy lượng điện tiêu thụ là 0.0. Đây cũng là kết quả thu được khi thử nghiệm với các cục sạc laptop, MacBook, máy chơi game khác.

Vậy phải chăng những chiếc củ sạc trên không tiêu hao một chút năng lượng nào?

Không hoàn toàn như vậy. Việc hiển thị kết quả 0.0 là do lượng điện năng tiêu thụ của chúng ở mức “không đáng kể”, dẫn đến chưa thể hiển thị trên máy. Tuy nhiên trên thực tế, mỗi người dùng, mỗi gia đình thường cắm nhiều hơn một cục sạc trong cùng một thời điểm.

Để kiểm tra kết quả thực tế này, How to Geek đã thử cắm tới 6 củ sạc khác nhau vào cùng một ổ cắm điện dài, sau đó mới nối đến chiếc Kill A Watt. Và sau khi bật công tắc, đồng hồ đo đã bắt đầu chạy trước khi dừng ở con số 0.3.

Như vậy, với khoảng 6 cục adapter cùng cắm một lúc, lượng điện tiêu thụ đã dần trở nên đáng kể. Những củ sạc mà How to Geek cắm vào là iPhone 6, iPad Air, MacBook Air (2013), Surface Pro 2, Samsung Chromebook và Nexus 7. Tổng công suất của chúng là 0,3W.

Chúng ta sẽ tốn khoảng bao nhiêu tiền mỗi năm?

Giả sử số thiết bị bạn có cũng tương tự 6 thiết bị kể trên. Với 0,3W, trong một năm, chúng sẽ tiêu thụ hết: 0,3 x 24 x 365 = 2,6 số điện.

Theo biểu giá hiện nay, số tiền tiêu tốn sẽ vào khoảng …5.000đ.

Liệu có nên rút sạc ra sau mỗi lần sử dụng?

Nếu theo tính toán kể trên, mỗi năm tốn 5.000đ cho 6 củ sạc là một con số quá nhỏ và không đủ thuyết phục để chúng ta tháo chiếc sạc của mình ra khỏi ổ điện.

Sự tiện lợi trong sử dụng vẫn là yếu tố nên được ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên chúng ta cũng nên nhớ rằng, việc cắm liên tục trên ổ điện khiến chiếc máy biến áp tí hon của chúng ta phải hoạt động liên tục, và như vậy, hư hao là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, với những thiết bị có tuổi đời cao, công suất lớn, con số tiêu hao sẽ lớn hơn rất nhiều.

 

Sạc cáp iPhone/iPad/MacBook nhanh bị đứt, phải làm thế nào?

(Techz.vn) Chỉ với vài thủ thuật nhỏ, bạn đã có thể bảo quản sạc, cáp iPhone/iPad của mình được tốt hơn.rn