Nhịp sống số

Thị trường chip di động – Nhìn lại 1 năm đầy biến động

Thị trường chip di động – Nhìn lại 1 năm đầy biến động

Thị trường thiết bị di động đang trở nên chật chội với ngày càng nhiều nhà sản xuất phần cứng, và trong đó sôi động nhất, thu hút sự chú ý nhất của người yêu công nghệ không gì khác chính là những nhà sản xuất những con chip xử lý di động, thành phần có ảnh hưởng lớn nhất tới trải nghiệm sử dụng cuối cùng của người tiêu dùng.

Thiết bị phần cứng dành cho thiết bị di động và siêu di động, mà điển hình là những thiết bị như smartphone hay tablet có những đặc thù nhất định. Do giới hạn về không gian mà người ta phải sử dụng những con chip có mật độ tích hợp tính năng rất cao được gọi là SoC (system on chip). Những con chip này không chỉ có CPU, GPU, mà còn được tích hợp cả những mạch giải mã âm thanh, mạch giải mã tín hiệu, và với một số nhà sản xuất (như Qualcomm là một ví dụ điển hình) thì là cả modem vô tuyến nữa.

Nói thị trường này chật chội quả là không có sai, vì ngoài những “đơn vị” truyền thống như Samsung, Qualcomm hay phần nào đó là Nvidia, thì miếng bánh thị phần đang bị nhiều công ty khác nhăm nhe xâm chiếm. Đó là một lý do quan trọng khiến “ông lớn” Texas Instruments phải quyết định chuyển hướng sang phân khúc thị trường khác.

SoC di động - Mặt trận không tiếng súng

Hào hứng nhất chắc chắn không ai khác là Intel. Vị vua trên mặt trận PC đang cố gắng cải tiến kiến trúc Atom để đuổi kịp kiến trúc ARM về mức độ tiết kiệm điện năng (về mặt hiệu năng thì có lẽ Intel không còn thua kém nhiều), và chiếc Lenovo K900 vừa xuất hiện tại kì CES đầu năm nay là lời thách thức rõ ràng nhất, với sức mạnh xử lý cực kỳ ấn tượng.

Kế đến là những nhà sản xuất Trung Quốc, nổi bật lên là Mediatek với những sản phẩm xuất hiện hàng loạt trên những thiết bị máy tính bảng giá shock xuất hiện khá nhiều ở Việt Nam thời gian qua.

Ngoài ra cũng còn một số nhà sản xuất khác như Marvell hay Broadcom cũng đang có ý định mở rộng mặt hàng của mình sang cả mảng linh kiện hứa hẹn sẽ bùng nổ trong những năm sắp tới này.

Trong loạt bài viết này chúng ta sẽ điểm mặt những dòng chip đang và sắp sửa thống trị thị trường chip xử lý di động.

Kỳ 1: Những con chip “lỗi thời”

Nói là “lỗi thời” thì cũng hơi quá, bởi thực chất những con chip này vẫn đang xuất hiện nhan nhản trong những smartphone mạnh mẽ nhất, và vẫn được coi là những con chip mạnh nhất cho đến khi thế hệ chip tiếp theo được chính thức đưa vào quy mô sản xuất công nghiệp.

Samsung Exynos 4

Chúng ta sẽ bắt đầu với con chip mà nếu xét về doanh số bán ra của các thiết bị sử dụng nó thì chắc chắn sẽ dành được một vị trí nếu không dẫn đầu thì cũng phải thứ 2, con chip Exynos 4 của Samsung.

Note II và S3, hai mẫu điện thoại chủ lực của Samsung đều dùng chip Exynos 4 nhân

Nhắc đến Exynos là nhắc đến những sản phẩm chủ lực của Samsung, mà trong đó không thể không kể đến series Samsung Galaxy S và Galaxy Note. Cụ thể hơn, phiên bản Exynos 4412 với 4 nhân được trang bị trên những chiếc Galaxy S3 cũng như Galaxy Note 2, khác với phiên bản 4212 với chỉ 2 nhân được trang bị trên những chiếc máy cũ hơn như Galaxy S 2 hay Galaxy Note phiên bản đầu tiên.

Các con chip 4x12 được trang bị 2 hoặc 4 nhân ARM Cortex A9, xung nhịp dao động từ 1.2 cho đến 1.5 GHz (tùy phiên bản), được trang bị con chip đồ họa với “gốc gác” cũng từ ARM: GPU Mali 400MP. Điều ngạc nhiên là Samsung đã trang bị cùng một thông số GPU và cũng không khác mấy về CPU (chỉ tăng về số nhân) cho một dòng sản phẩm đáng ra nên được làm mới hoàn toàn như thế này của mình. Nói thế không có nghĩa hiệu năng của những con chip này có gì tệ hại, vì CPU Cortex A9 cho đến thời điểm cách đây vài tháng, trước khi những con chip trang bị nhân Cortex A15 tiên tiến ra đời, thì vẫn là một con chip có hiệu năng tốt nhất trong họ hàng của nó, thay thế cho nhân Cortex A8 đã rất thành công với những thiết bị như iPhone 3GS hay Motorola Milestone. Thậm chí khi mới ra đời, những thiết bị này vẫn luôn được đứng vào top những chiếc điện thoại có năng lực điện toán cũng như đồ họa vào hàng cao nhất trong hàng ngũ smartphone mà chúng tham gia vào. Chúng đủ sức gánh các tác vụ nặng như game, chơi video HD và cũng có khả năng đa nhiệm không tồi. Nếu phải kể ra điểm yếu lớn nhất của những con chip này thì đó là chúng gần như chỉ độc quyền cho những thiết bị cao cấp nhất của Samsung (ngay cả những thiết bị cấp thấp hơn của chính họ cũng ít khi có cơ hội được trang bị), khiến tầm ảnh hưởng của con chip này cũng giảm đi đáng kể.

Exynos 4 "cây nhà lá vườn" của Samsung

Nhân đây cũng xin nói thêm về những cái tên trong từng phân khúc mà ARM định hướng. Nhân A5 dành cho những nhân xử lý tiết kiệm điện triệt để với hiệu năng thấp. Nhân A7 sẽ dành cho những tác vụ nặng hơn, tuy nhiên vẫn tiết kiệm điện năng, còn nhân A9 và A15 đều dành cho những tác vụ nặng, tuy nhiên với mức độ tiêu thụ điện cao (ở A9) cho đến rất cao (như ở A15), cùng với việc công nghệ chế tạo cho các thiết bị di động chưa có đột phá nào đáng kể trong những năm vừa qua, thì việc sử dụng nhiều hơn 4 nhân “hiệu năng cao” (như A9) chưa thể hiện thực hóa, còn việc sử dụng 4 nhân Cortex A15 thì sẽ chỉ giới hạn ở những thiết bị có dung lượng pin lớn như tablet hay phablet chẳng hạn. 

Tất nhiên có những người yêu công nghệ sẽ nhắc đến sự thiếu sót những sản phẩm mới nhất của ARM: A50, A53 hay A57. Tuy nhiên, thời của điện toán ARM 64bit có lẽ phải 2 đến 3 năm nữa mới tới (thực tế là A15 ra đời cũng đã 2 năm mới có sản phẩm đầu tiên là Nexus 10). 

Kẻ kế tục của Exynos 4, những con chip Exynos 5 sẽ được chúng tôi nhắc tới trong bài viết sau của loạt bài viết này.

Texas Instruments OMAP 4

Texas Instruments đã nổi tiếng từ lâu với dòng chip OMAP của mình. Nó được sử dụng rộng rãi trên rất nhiều model từ trung đến cao cấp, trong đó có cái tên mang giá trị “lịch sử” nhất có thể kể đến là Motorola Milestone (thiết bị đã kéo dài chuỗi ngày hấp hối của Motorola lên hàng năm trời), cùng một loạt thiết bị chạy Android của LG ra mắt hồi đầu năm 2011.

Motorola Milestone - Sản phẩm mang lại thành công cho Motorola và mang lại danh tiếng cho TI OMAP

Dòng OMAP 4  với tiêu biểu là con chip OMAP 4430 là một nỗ lực cực lớn của TI để có thể đưa một sản phẩm vi xử lý 2 nhân ra thị trường sớm (mặc dù cuối cùng thì Tegra 2 vẫn nhanh chân hơn). Cũng được trang bị 2 nhân Cortex A9 tiên tiến (ở thời điểm nó được ra mắt), nhưng hiệu năng của 4430 khi so sánh với các con chip trên Galaxy S 2 thì thua kém một khoảng khá rõ ràng (Qualcomm lúc này chưa thương mại hóa được một sản phẩm nào đủ sức cạnh tranh với hai tên tuổi này), và việc vượt qua một Tegra 2 non nớt thì nhiều người cũng đã dự đoán được trước.

OMAP 4430 là một nước đi có phần vội vàng nhưng rất hiệu quả của TI

TI luôn có một truyền thống như thế này: luôn đi sau về mặt công nghệ nhưng tối ưu để đạt được kết quả tạm chấp nhận được. Điều này thể hiện rõ ràng trong GPU của OMAP 4430 (và cả 4460 cũng như 4470 sau này). Nó sử dụng một con chip đồ họa có tuổi đời …2 năm : PowerVR SGX540 (cho các phiên bản smartphone) hay 544 (mới được trang bị sau này) cho các thiết bị màn hình lớn, độ phân giải cao hơn như tablet chẳng hạn. Nên nhớ rằng SGX540 chính là con chip GPU đã giúp Samsung Galaxy S.. 1 trở thành vua đồ họa, đánh bại cả iPhone 4 của Apple 1 năm trước đó. Không có sự thay đổi mấy, TI “ép” con chip này chạy ở tốc độ cao hơn, 307 MHz (cho bản 540) và 384 MHz (cho bản 544), và kết cục là một năng lực đồ họa không đến nỗi tồi, mặc dù với người dùng yêu công nghệ thì họ sẽ không thích điều này một chút nào.

Ưu điểm của việc sử dụng lại và tối ưu các công nghệ cũ là rất rõ ràng: các con chip OMAP luôn tương thích cực tốt với các chuẩn cũ, mặc dù sẽ không có rất nhiều công nghệ cũng như không thể cung cấp các tính năng mới. Tiêu biểu là việc nó làm việc với hầu hết các chuẩn video hay game mà không cần giải mã bằng phần mềm (nghĩa là giải mã trực tiếp từ phần cứng), một điều mà các dòng điện thoại trước đó ít khi làm được (có ngoại lệ là dòng Galaxy S1).

Nhờ sự tương thích hoàn hào mà dòng chip này được làm mẫu tham chiếu cho Google sử dụng để họ viết nên nền tảng Android 4.0 ICS, và cũng do đó mà nó xuất hiện trong rất nhiều thiết bị nổi tiếng, trong đó phải kể đến Kindle Fire, Kindle HD, Galaxy Tab 2 7.0, Galaxy Nexus, mặc dù nếu như Exynos 4 được sản xuất đại trà hơn, nó sẽ khiến doanh số của OMAP 4 giảm mạnh.

Nvidia Tegra 3

Tegra 3 -"Vũ khí hạng nặng" của Nvidia năm vừa qua

Nvidia tham gia thị trường chip xử lý di động có phần chậm chân hơn, vì “mặt trận” chính của họ là thị trường đồ họa cũng như tính toán hiệu suất cao hơn là một lĩnh vực mà sức mạnh xử lý phải cân bằng với mức tiêu thụ năng lượng hợp lý.

Thế nhưng thật ngạc nhiên, chính họ lại là người tiên phong xem xét một cách nghiêm túc nhất giải pháp đạt được mức tiêu thụ điện hiệu quả nhất, và điều này được chứng minh khi nhiều thiết bị chạy Tegra luôn có thời gian sử dụng khá ổn (xin đừng nhắc đến HTC One X, một nỗi thất vọng thực sự), điển hình là chiếc Transformer Prime khi ra mắt có thời gian sử dụng thậm chí nhỉnh hơn cả The new iPad.

ASUS Transformer Prime là minh chứng rõ ràng nhất cho triết lý "năng lượng xanh" của Nvidia

Con chip Tegra 2 đã “lùi vào dĩ vãng” vì với sự non nớt của mình ở thời điểm đó, Nvidia chưa thể khiến các thiết bị chạy con chip của mình có sức cạnh tranh đủ lớn. Tuy nhiên đến con chip Tegra 3 thì mọi chuyên đã khác đi nhiều, vì với năng lực xử lý vượt trội (con chip lõi tứ đầu tiên được thương mại hóa), nó đã được lựa chọn sử dụng trong nhiều thiết bị đình đám, bao gồm HTC One X, One X+ hay nổi bật nhất là chiếc Nexus 7.

Vậy nằm trong con chip này là những thứ gì? Đó là 4 nhân Cortex A9 như các đối thủ khác cùng phân khúc cao cấp, và một GPU siêu tiết kiệm năng lượng mang một cái tên quá nổi tiếng: Geforce. Bộ xử lý này được chạy ở mức 1.6GHz, cho một hiệu năng tốt so với các đổi thủ cạnh tranh. Ngoài ra, để triệt để trong mục tiêu tiết kiệm năng lượng, con chip này còn được trang bị một nhân xử lý hiệu năng thấp với mức xung chỉ 500MHz sẽ được kích hoạt khi xử lý các tác vụ nhẹ nhàng, một nét cải tiến đáng kể so với những đối thủ cạnh tranh. Tuy vậy, mức tiêu thụ năng lượng vẫn cao khi sử dụng tối đa công suất, đó là lý do khi sử dụng các trình benchmark thời lượng pin (thường “ép” CPU hoạt động nặng), kết quả thu được dành cho con chip này cũng không quá nổi bật. Đặc biệt là khi với công nghệ sản xuất 40nm, nó vẫn chưa đạt được đến ngưỡng tạo nên sự “thoáng mát” và tiết kiệm năng lượng thực sự hiệu quả.

Tuy nhiên Tegra 3 có một điểm trừ đáng kể: hiệu năng đồ họa. Thật đáng ngạc nhiên khi phải chê trách về mặt hiệu năng hình ảnh khi nói về một con chip đến từ nhà sản xuất chip đồ họa nổi tiếng như Nvidia. Tuy nhiên, thực tế là, năng lực đồ họa của chip Geforce trên các thiết bị sử dụng pin là còn hạn chế. Điều này có lẽ là do các trình điều khiển của Android, vốn được thiết kế cho những con chip đồ họa điện năng thấp từ PowerVR, chưa thực sự tương thích và hỗ trợ tốt cho các GPU khác (điều này sẽ được cải thiện trong tương lai). Dù sao thì với việc Nvidia “khuyến mãi” cho Tegra 3 vô số những công nghệ hình ảnh mới mà chưa con chip đồ họa trên thiết bị di động nào có được, nó vẫn là một lựa chọn không tồi cho các tín đồ mê game. Điều này đã được chứng minh qua việc thiết bị chơi game chuyên dụng OUYA Android gaming console cũng sử dụng con chip này.

Công nghệ hình ảnh "đặc sản" chỉ có trên Tegra 3

Qualcomm Snapdragon S4

Với việc làm mới toàn bộ những dòng chip di động của mình trong năm 2012 (và họ cũng vừa làm điều tương tự đầu năm nay), Qualcomm không giấu diếm tham vọng đè bẹp những đồi thủ cạnh tranh của mình trên thị trường vi xử lý di động. Đi đầu trong cuộc tấn công này chính là dòng chip mới Snapdragon S4, với các phiên bản 2 nhân và 4 nhân. Ra mắt vào giữa năm, nên không thể hoàn toàn xếp S4 vào chung “mâm” với các con chip đã kể ở trên, ít nhất là về “tuổi tác”, tuy nhiên với việc đang xuất hiện trong vô số những thiết bị từ trung đến cao cấp, thiết nghĩ cũng nên đưa tên tuổi này vào danh sách những con chip nổi đình nổi đám năm qua.

Dòng chip S4 đã trở thành một quyền lực tuyệt đối trong năm qua

Hẳn người yêu công nghệ không lạ gì những thiết bị sử dụng S4, từ lõi kép ( S4 Plus 8960) với những chiếc One S, Droid RAZR, Lumia 920 (và toàn bộ những thiết bị Windows Phone 8 thuộc phân khúc cao cấp), tới lõi tứ trên những siêu phẩm thực sự, những con quái vật thực sự về sức mạnh xử lý như Optimus G, Nexus 4 và mới đây nhất là HTC Butterfly hay Xperia Z.

Những chiếc điện thoại đình đám nhất năm vừa qua này đều có điểm chung: Sử dụng Snapdragon S4!

Tất cả những con chip thuộc dòng S4 đều sử dụng những nhân CPU Krait mới nhất của Qualcomm, một sự cải tiến từ kiến trúc Cortex nguyên gốc của ARM. Chúng được chạy ở tốc độ lên tới 1.7GHz và mặc dù chỉ sử dụng A9-tùy biến, nhưng chúng cũng đạt được hiệu năng gần như những lõi A15 mới nhất. Những con chip S4 Plus và S4 Pro từ khi ra đời cho đến nay luôn được nhìn nhận là những con chip mạnh mẽ nhất trên thị trường di động (có lẽ chúng ta đang bỏ qua những con chip trong các sản phẩm của Apple), và là lựa chọn tối ưu cho những thiết bị cao cấp nhất, cũng như trở thành mặc định cho bất kỳ một sản phẩm nào muốn lên “tầm” Full HD.

Không chỉ mạnh mẽ về hiệu năng, với khả năng chạy không đồng bộ (tốc độ giữa các nhân là khác nhau), con chip này còn đạt được hiệu năng sử dụng pin không hề tồi một chút nào, lại là một điểm cộng góp phần vào thành công của dòng chip này.

Về hiệu năng đồ họa, với con chip Adreno 320, hiệu năng đồ họa của S4 Pro vượt xa Tegra 3 cũng như những đối thủ của mình, và gấp đôi người anh em gần nhất của mình là Adreno 225 trên những con chip S4 Plus.

Một điều làm cho vị thế độc tôn của Qualcomm càng trở nên vững chắc, đó là ngoài họ ra, thì cho đến hiện tại, chưa có một đối thủ cạnh tranh nào có thể tích hợp khả năng hỗ trợ 4G LTE trực tiếp vào từng con chip SoC. Điều này khiến cho mặc dù không muốn, nhưng các phiên bản của những thiết bị, kể cả những thiết bị vốn ban đầu sử dụng những con chip Tegra 3 hay Exynos 4, cũng buộc phải sử dụng khi muốn bán ở các thị trường có phủ sóng 4G.

Khả năng hỗ trợ 4G LTE là một nguyên nhân quan trọng khiến các con chip SoC của Qualcomm bành trướng như vậy

Có vẻ như phần thắng trong năm 2012 đã thuộc về Qualcomm với thành công không thể chối cãi của dòng chip S4. Tuy nhiên, trong năm nay, với sự bùng nổ của những con chip sử dụng kiến trúc mới Cortex A15, dự kiến sự độc tôn của Snapdragon không thể được đảm bảo chắc chắn nữa. Thực tế thì với hiệu năng mới chỉ “lờ mờ” được tung ra, con chip Octa-Core trên Samsung Galaxy S4 có vẻ đã đủ sức để khiến S4 Pro phải nhường ngôi vương.

Nhưng Qualcomm vẫn còn những con át chủ bài khác, Snapdragon 600 và 800, những con quái vật mà sức mạnh của chúng chưa ai có thể kiểm chứng được (ít nhất là cho đến thời điểm bài viết này ra đời, chưa có phép thử chính thức dành cho Snapdragon 800).

Intel Clover Trail

Intel - Kẻ đến muộn

Mặc dù là nhà sản xuất chip cho PC lớn nhất, với hiệu năng và thị phần vượt trội mọi đối thủ của mình, nhưng khi bước sang lãnh địa chip xử lý di động, một lĩnh vực mà năng lực tính toán chưa chắc đã quyết định được sự thành công, thì Intel chỉ như một gã học việc.

Nói là học việc, bởi vì, thay cho việc tùy biến nhân ARM để tạo ra một bộ xử lý mới, Intel lại muốn đi từ đầu, với việc phát triển dòng chip Atom của riêng mình. Từ trước đến nay, chip Atom vốn được sử dụng rất rộng rãi trên những thiết bị netbook, tuy nhiên ngay cả khi đã rất tiết kiệm năng lượng theo tiêu chuẩn của PC, thì nó vẫn là con quái ngốn điện trên những thiết bị dùng pin, và đây là điểm yếu chí tử mà Intel chưa thể khắc phục. Đó là chưa kể việc xây dựng từ đầu một kiến trúc hỗ trợ đầy đủ các tập lệnh tiêu chuẩn cho xử lý di động là không hề dễ dàng (nếu dễ dàng thì ARM đã không thể phát triển mạnh mẽ như vậy). Những nguyên nhân ấy đã mang đến cái “danh tiếng” không lấy làm hay ho cho các con chip Atom trên điện thoại: chậm, nóng, và ngốn điện, chỉ thích hợp cho phân khúc bình dân.

Thế nhưng “danh tiếng” ấy có vẻ đã được Intel rũ bỏ một cách không thương tiếc trong khoảng thời gian vừa qua. Dòng chip với tên mã Saltwell của họ tỏ rõ một năng lực xử lý vượt trội so với những nhân ARM Cortex A9 hiện đang cực kỳ phổ biến hiện giờ. Không chạy theo cuộc đua về số nhân, Intel chỉ trang bị cho những con chip của mình 2 nhân xử lý, nhưng lại được bổ sung công nghệ siêu phân luồng Hyper Threading vốn rất nổi tiếng trên các dòng CPU PC của hãng. Đó là một lựa chọn khôn ngoan, vì nó vừa góp phần tăng hiệu năng chung cũng như hiệu năng đa nhiệm nói riêng, nhưng cũng không tăng quá nhiều lượng năng lượng tiêu thụ của những con SoC của hãng.

Intel Clover Trail+ là một luồng gió mới mang lại nhiều hy vọng

Về đồ họa, do Intel không có nhiều kinh nghiệm trong việc tạo ra các chip đồ họa tích hợp hiệu suất cao trên những thiết bị di động (một điều mà ngay cả Nvidia cũng đang khá chật vật), nên họ lựa chọn giải pháp đồ họa SGX đến từ PowerVR, mà cụ thể ở trên Saltwell thì là SGX545, một con chip có thể nói là đã “quá đát”. Nếu dùng để chơi game thì nó là một lựa chọn rất, rất là tồi so với Tegra 3. Tuy vậy thì với cái mác Intel cùng một hiệu năng CPU rất tốt thì SoC này vẫn được sử dụng rộng rãi, đặc biệt trên các thiết bị máy tính bảng chạy Windows 8, như ASUS VivoTab hay HP ElitePad 900.

Vivo Tab và ElitePad, hai trong số những chiếc máy chạy Windows 8 sử dụng Intel Clover Trail+

Con chip mới nhất của Intel, Clover Trail+ đã được ra mắt một cách cực kỳ ấn tượng trên chiếc Lenovo K900, bằng bài benchmark hiệu năng đè bẹp một cách rõ ràng tất cả các dòng chip được coi là mạnh nhất trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên chúng ta sẽ để tới thời gian khác nếu muốn nói về con chip này.

Lenovo K900, thiết bị cảnh tỉnh cho ARM trước sự trỗi dậy của Intel

Những tên tuổi khác

Vẫn còn nhiều nhà sản xuất khác đang bị hấp dẫn bởi thị trường chip xử lý di động, tuy nhiên để so sánh với những ông lớn đã nêu ở trên thì còn quá khập khiễng.

ST-Ericsson

Hẳn các bạn còn nhớ con chip ST-Ericsson’s NovaThor U8500 trên những chiếc Xperia U, Xperia P hay S3 Mini, Galaxy Ace 2. Đây là những con chip tầm trung, có 2 nhân Cortex A9 chạy ở 1GHz và cũng có GPU là Mali 400 (nhưng yếu hơn nhiều). Nó có thể coi là một bản “lai ghép” giữa nhân CPU của OMAP 4 và GPU của Exynos 4.

Dòng chip NovaThor chưa thể đem lại thành công kiểu "cứu rỗi" cho ST-Ericsson

Hiệu năng èo uột là điểm trừ chính của SoC này, và đó là nguyên nhân đã khiến cho ST Ericsson phải tuyên bố phá sản và tái cơ cấu sau một thời gian dài thua lỗ (chi tiết về sự kiện này chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc trong một bài viết khác).

Mediatek

MediaTek cũng là một cái tên đáng được chú ý, sở dĩ vậy vì các sản phẩm của Trung Quốc thường sử dụng con chip “cây nhà lá vườn” này, và với thị trường khổng lồ, nó sẽ có một doanh số khủng khiếp. Hầu như các bộ xử lý của hãng này đều dùng nhân Cortex A9 thông dụng cùng với chip GPU PowerVR SGX 5. Thế nhưng, riêng dòng MT65xx lại sử dụng những nhân Cortex A7 tiết kiệm năng lượng hơn, và tiến hành tăng số nhân lên con số 4 cho phù hợp với xu thế chung.

Tổng hợp lại

Tổng hợp lại, có vẻ như kiến trúc Cortex A9 2/4 nhân vẫn được sử dụng trong hầu hết những smartphone của năm qua. Tất cả những nhà sản xuất hầu như không tùy biến nhiều những bộ xử lý, có chăng chỉ là sự hợp lý hóa để tăng hiệu năng lên đôi chút, và sự khác biệt nhất đến từ phần chip đồ họa thì thường họ không tự mình làm ra (trừ Nvidia). Qualcomm là một ngoại lệ, và sự khác biệt ấy đã giúp họ thống lĩnh thị trường này trong năm vừa qua, một điều mà không ai còn phải bàn cãi. Trong kỳ tới, chúng ta sẽ điểm qua những gương mặt đủ sức giành lấy ngôi vương mà những con chip Qualcomm đang nắm giữ.