Chính sách xanh của Hà Nội: VinFast 'được tiếng', nhưng phải hy sinh lợi ích ngắn hạn
Chủ trương chuyển đổi phương tiện từ xăng sang điện tại Hà Nội được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất xe máy điện. VinFast – đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực này – được cho là sẽ hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mới.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, thực tế cho thấy VinFast lại đang đối mặt với tình trạng "càng bán càng lỗ".
Ngay khi UBND TP. Hà Nội bắt đầu nghiên cứu các biện pháp triển khai Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng về giảm thiểu xe máy chạy xăng tại khu vực trung tâm (Vành đai 1) và đẩy mạnh sử dụng xe máy điện, nhiều ý kiến cho rằng đây là thời cơ "vàng" cho các nhà sản xuất xe điện như VinFast.
Nhưng theo thông tin nội bộ mà phóng viên thu thập được, tình hình kinh doanh của VinFast trong mảng xe máy điện lại không mấy khả quan. Thậm chí, nếu doanh số tăng mạnh nhờ chính sách hỗ trợ của thành phố, khoản lỗ mà hãng phải gánh sẽ còn nặng nề hơn.
Nguyên nhân nằm ở cách tiếp cận đặc biệt của VinFast: thay vì tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn, hãng chọn hỗ trợ người dùng tối đa. Xe được định giá cạnh tranh, thậm chí thấp hơn nhiều mẫu xe xăng cùng phân khúc, kèm theo chính sách miễn phí sạc – nhằm phá bỏ rào cản tâm lý và tài chính của người tiêu dùng khi tiếp cận xe điện.
Chiến lược này dẫn đến thực trạng, dù doanh số tăng nhưng lợi nhuận thì đi ngược chiều. Theo báo cáo tài chính năm 2024, VinFast bán ra 71.000 xe máy điện nhưng phải chịu khoản lỗ lên tới 345 tỷ đồng. Và với đà chuyển đổi đang diễn ra mạnh mẽ, con số này nhiều khả năng còn tăng vọt.
Nếu lấy mức lỗ trung bình của năm 2024 làm chuẩn, trong trường hợp VinFast vận hành toàn bộ công suất nhà máy 500.000 xe trong năm 2025 để đáp ứng nhu cầu thị trường, doanh nghiệp có thể ghi nhận khoản lỗ lên tới hơn 2.200 tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác.
Dù đối mặt với rủi ro tài chính lớn, cách làm của VinFast lại được người tiêu dùng và các chuyên gia ghi nhận. TS. Trần Hoàng Minh – chuyên gia tài chính doanh nghiệp – cho rằng: “VinFast rõ ràng hiểu rõ những thách thức tài chính nhưng vẫn chấp nhận ‘hy sinh’ lợi nhuận để thúc đẩy quá trình xanh hóa phương tiện. Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, hành động này rất đáng trân trọng.”
Ông nhấn mạnh thêm: “Nếu không có những doanh nghiệp dám đi đầu như VinFast, lộ trình chuyển đổi từ phương tiện chạy xăng sang điện ở Việt Nam sẽ còn chậm chạp hơn nhiều. Đây là một minh chứng rõ nét cho tinh thần vì cộng đồng, đặt lợi ích quốc gia – giảm ô nhiễm, cải thiện môi trường sống – lên trên yếu tố lợi nhuận.”
Ngày 12/7/2025, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường, trong đó tập trung vào xử lý tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn và ô nhiễm nước tại các khu dân cư đông đúc, khu sản xuất tập trung.
Đối với Hà Nội và TP.HCM, chỉ thị đặt ra mục tiêu rõ ràng: thúc đẩy quá trình thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng phương tiện điện. Cụ thể, từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Từ 1/1/2028, lệnh hạn chế sẽ mở rộng với ô tô cá nhân chạy xăng tại Vành đai 1 và 2. Và đến 2030, lộ trình này sẽ vươn ra phạm vi Vành đai 3.
Hiện tại, UBND TP. Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua trong kỳ họp sắp tới – bước đi cần thiết để chính thức hóa kế hoạch chuyển đổi xanh mang tính chiến lược.