Điện thoại

Nỗi khổ ít biết của những người làm ra iPhone X

Nỗi khổ ít biết của những người làm ra iPhone X

Tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc, một công nhân họ Xin, 18 tuổi, thuộc dây chuyền lắp ráp chia sẻ với SCMP về mơ ước của mình.

"Tôi không có nhiều ước mơ lớn", thanh niên này cho biết, anh không khao khát trở thành một nghệ sĩ, ca sĩ hay diễn viên như những người cùng độ tuổi với mình. "Tất cả những gì tôi muốn là được ở với những người tôi thích và không phải lo lắng ăn gì, mặc gì".

Công nhân làm việc tại Foxconn hầu hết đều rất trẻ.

Nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu, thuộc công ty sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới - Foxconn Technology Group, có khoảng 300.000 công nhân. Đây là trung tâm sản xuất thiết bị chính của Apple, nơi sinh ra chiếc điện thoại iPhone X đang tạo nên cơn sốt khắp thế giới. Sản lượng tại đây đã được tăng cường để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ sắp tới, gây áp lực lớn lên đội ngũ quản lý.

Dân địa phương gọi Trịnh Châu là "thành phố iPhone" bởi nơi đây thu hút rất nhiều công nhân trẻ, phần nhiều là những người đến từ các làng nghèo khó hoặc các thị trấn nhỏ gần đó.

Nhà máy được khai trương trong năm 2010 mới đây đã gây chú ý khi báo Financial Times thông báo, tháng trước đã có khoảng 3.000 công nhân được thuê từ các trường dạy nghề địa phương, kể cả thanh thiếu niên. Những người lao động chưa đủ tuổi này phải làm việc thường xuyên 11 tiếng mỗi ngày để thay đổi, lắp ráp linh kiện cho iPhone X. Việc này trái với quy định trong luật lao động của Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó, đơn vị này đã phản hồi rằng việc làm thêm là "tự nguyện" và các nhân viên "được bồi dưỡng hợp lý".

Theo China Daily, chi nhánh của Foxconn ở Trịnh Châu có 94 dây chuyền lắp ráp khác nhau, tạo ra 350 iPhone mỗi phút, tương đương nửa triệu chiếc mỗi ngày khi hoạt động hết công suất. 

Một nhân viên 31 tuổi, họ Li, ở bộ phận kiểm soát chất lượng cho biết anh không hiểu tại sao các đồng nghiệp trẻ lại muốn bỏ công việc ổn định như tại Foxconn. "Tôi vẫn sẽ làm việc này miễn là có cơ hội thăng chức", anh nói. 

Theo Li, cuộc sống tại Foxconn tốt hơn những nơi khác, bất chấp các báo cáo tiêu cực về làm thêm giờ. Anh kể: "Hầu hết các nhà máy Trung Quốc khác đều có việc ông chủ trì hoãn hoặc thậm chí không trả lương cho nhân viên. Riêng ở đây thì tôi chắc chắn sẽ nhận được lương làm thêm giờ".

Li làm việc trung bình 8 tiếng mỗi ngày, từ 7h30 sáng đến 4h30 chiều và nhận được 15 nhân dân tệ (khoảng 50.000 đồng) mỗi giờ khi làm thêm vào ban đêm và gấp đôi trong những ngày cuối tuần. Theo Li, một công nhân ở đây có thể kiếm được khoảng 5.000 nhân dân tệ (khoảng 757 USD) mỗi tháng.

Trong khi đó, Xin và một vài nhân viên khác tại đây lại nói rằng họ sẽ không thể chịu đựng được công việc lặp đi lặp lại hằng ngày như hiện tại trong nhiều năm. "Nếu tôi ở lại, tôi sẽ không phát triển được kỹ năng mới. Tôi không biết làm thế nào để kiếm sống khi mình già đi", Xin nói. Niu, 22 tuổi, đã tốt nghiệp khoa nông nghiệp ở một trường đại học và hiện lắp ráp ốc vít cho iPhone X ở nhà máy Trịnh Châu này cũng có suy nghĩ tương tự. "Tôi muốn mở một cửa hàng bán điện thoại di động hoặc quần áo vào năm tới", Niu nói. "Nhưng điều mà tôi muốn nhất bây giờ là có một chiếc xe hơi và một ngôi nhà, cũng như không phải lo lắng về tiền bạc".

Công nhân ăn trưa tại một nhà máy của Foxconn. Ảnh: Reuters.

Foxconn sử dụng khoảng một triệu nhân công và từng bị cáo buộc lạm dụng quyền lợi người lao động - nguyên nhân gây ra một loạt vụ tự tử ở nhà máy tại Thâm Quyến năm 2010 và một vụ tai nạn công nghiệp gây tử vong vào năm 2011 tại nhà máy ở Thành Đô.

Sau các cuộc điều tra, Terry Gou, người sáng lập và chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Foxconn, đã thực hiện chế độ tăng lương, giảm thời gian làm việc và cải tiến các thiết bị kiểm tra, bảo trì tại một loạt nhà máy trên khắp Trung Quốc.

Theo: vnexpress.net