Nhịp sống số

Nhật Bản đối phó với vấn đề lười sex, ngại lập gia đình như thế nào?

Nhật Bản đối phó với vấn đề lười sex, ngại lập gia đình như thế nào?

Theo Business Insider, trong vòng 6 năm qua, Nhật Bản đã bán tã người lớn nhiều hơn tã trẻ em. Dân số Nhật Bản ngày một già đi trong khi những người trẻ tuổi vì áp lực công việc đã không còn nghĩ đến chuyện lập gia đình và sinh con. Các nhà kinh tế của xứ sở mặt trời mọc gọi tình trạng hiện nay là "một quả bom nhân khẩu học nổ chậm". Thậm chí một số nhà nghiên cứu còn tạo ra một chiếc đồng hồ đếm từng giây cho đến ngày dân số Nhật Bản tuyệt chủng.

Tạo cơ hội cho phụ nữ

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện một vài chương trình nhằm khuyến khích những người trẻ tuổi xây dựng gia đình như: tổ chức các buổi hẹn hò nhanh, các buổi thảo luận về vai trò người bố trong gia đình (những người chưa vợ được thực hành chăm sóc búp bê trẻ em), và yêu cầu các công ty cho phép nhân viên có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Tuy nhiên, theo nhà khoa học Frances Rosenbluth thuộc Đại học Yale, những biện pháp nói trên có thể hữu ích trong ngắn hạn, nhưng để tháo ngòi nổ quả bom dân số, Nhật Bản cần có những thay đổi sâu sắc hơn nữa. Đặc biệt chính phủ cần phải nhận ra được giá trị của người phụ nữ trong lực lượng lao động.

Bà Rosenbluth gợi ý chính phủ có thể giảm thuế đối với các công ty thuê quản lý là nữ, hoặc tăng ngày nghỉ phép đối với nam giới để giúp vợ trông con, cũng như các công ty cần phải thực hiện những quy chế nhằm cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên.

Hiện nay, phụ nữ Nhật Bản không có nhiều động lực để có con. Nhiều phụ nữ Nhật bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn nam giới. Một nền văn hóa coi trọng công việc như Nhật Bản đòi hỏi người phụ nữ phải quyết định giữa việc sinh con hay sự thành đạt khi họ ở độ tuổi trên dưới 30.  

"Lựa chọn làm mẹ sẽ khiến họ chịu nhiều thiệt thòi", bà Rosenbluth cho biết. Chính vì thế nhiều phụ nữ đã lựa chọn nghề nghiệp chứ không phải là sinh con. Còn nam giới Nhật Bản vì thế cũng mất đi cơ hội hẹn hò.

Thay đổi thói quen văn hóa

Văn hóa chú trọng công việc của Nhật Bản bắt nguồn từ sau Thế chiến thứ II. Các công ty đánh giá nhân viên thông qua lòng trung thành của họ. Để được công ty chấp thuận giữ lại làm việc, các nhân viên phải cam kết cống hiến toàn bộ thời gian và sức lực của mình cho nghề nghiệp. Kết quả là những nhân viên nữ lựa chọn làm mẹ bị nhìn nhận là ít giá trị đối với công ty và không thể được bổ nhiệm vào những vị trí cao hơn.

Bà Rosenbluth nói rằng những chính sách đi từ dưới lên (từ người lao động lên đến các công ty) sẽ không có hiệu quả. Vấn đề nằm ở nền văn hóa làm việc đã ảnh hưởng quá sâu rộng trong xã hội Nhật Bản. "Nếu một người nào đó sẵn sàng làm việc quên giờ giấc, chúng ta sẽ không thấy được hình ảnh một người cha đang chơi đùa với con trên sân chơi. Chính phủ cần phải trợ cấp chi phí cho các công ty có nhân viên nữ. Thực hiện được điều này không hề dễ dàng".

Theo một khảo sát được thực hiện vào năm 2010 thì 86% nam giới và 89% phụ nữ nói rằng họ dự định sẽ lập gia đình vào một thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, khảo sát năm 2016 lại cho thấy rất nhiều người đã phải gác lại dự định tìm kiếm bạn đời. Vì không có đủ thời gian để hẹn hò, nên dự định lập gia đình của họ đã bị tiêu tan.

Cũng theo bà Rosenbluth, chính phủ cần phải thấu hiểu được nhu cầu của người lao động và ủng hộ quan điểm làm việc mới. Các doanh nghiệp cần phá vỡ quy tắc truyền thống và trao thưởng cho những người "không làm việc suốt ngày".

Theo VnReview