Điện thoại

Khám phá phần cứng BPhone 2017, chip DAC có gì đặc biệt?

Khám phá phần cứng BPhone 2017, chip DAC có gì đặc biệt?

DAC là cái gì, DAC rời là sao, tại sao phải DAC rời và Bphone có DAC nằm ở đâu?

Xin đi từ cơ bản nhất về âm thanh. Âm thanh mà bạn nghe được như tiếng ca sĩ hát khi đi nghe nhạc live, tiếng thằng bạn cùng phòng đánh guitar hay tiếng cằn nhằn của cô bạn gái,… chính là âm thanh analog. Chỉ có âm thanh analog thì tai con người mới nghe được và nó chính là tín hiệu âm thanh có thể biểu thị bằng một biểu đồ hình sin (đường cong mềm mại liền tục lúc lên lúc xuống, nhưng chắc chắn phải cong, hãy cứ tưởng tượng thế này cho dễ).

Tuy nhiên, khi lưu trữ âm thanh vào trong điện thoại, máy nghe nhạc thì nó phải được lưu ở dạng kỹ thuật số (digital) và bạn biết rồi đó, bản chất của nó vẫn là các thông tin lưu dưới dạng nhị phân 1,0,1,0… (nôm na là bài nhạc bây giờ có thể biểu diễn bằng biểu đồ các cột nối liền nhau tạo thành hình như các bậc thang) Khi bạn chép các file nhạc MP3, Flac, WMV,… vào điện thoại thì nó vẫn được lưu trữ dưới dạng nhạc số. Và tất nhiên, lỗ tai con người bằng xương bằng thịt, không thể nghe và hiểu được tín hiệu số từ các bài nhạc này. Bởi thế, để nghe được, các file nhạc cần phải được chuyển từ định dạng số sang analog. Đó chính là nhiệm vụ của chip DAC, viết tắt từ Digital to Analog Converter, tiếng việt dịch thẳng ra là Bộ chuyển từ số sang analog.

Chỉ nhờ cách này thì những bản nhạc số mới được chuyển thành các âm thanh du dương của nhạc cụ hoặc ca sĩ mới được tai người dùng nghe được (có thể ra loa hoặc ra màng loa của tai nghe). Bởi thế, TẤT CẢ những chiếc máy điện thoại nào có khả năng phát nhạc ra loa hoặc ra cổng 3.5mm đều có DAC. Đa số các máy điện thoại, con chip DAC này được tích hợp luôn vào SoC, thí dụ như trên con Snapdragon đã có sẵn chip DAC để giải mã âm thanh. Tuy nhiên, đối với một số hãng sản xuất như LG, BKAV,… thì họ muốn xài thêm một con chip DAC khác, nằm “rời” ra khỏi SoC. Cách làm này được cho là cho chất lượng âm thanh cao cấp hơn và đó cũng chính là nguyên nhân mà LG hoặc BKAV chọn cách dùng chip DAC “rời” (theo mình dùng từ “riêng” vì nó riêng với DAC trên SoC sẽ chính xác hơn).

Cho bạn nào muốn biết sâu hơn về khái niệm "DAC rời" mà BKAV đưa ra. Bphone 2017 sử dụng con chip DAC WCD9335 do Qualcomm phát triển, đồng thời hướng dẫn cho cách thiết kế tham chiếu để tăng tính tương thích của đầu adapter chuyển cổng. Tranh cãi bắt đầu từ đây. Thông tin mình tìm được thì WCD9335 từng được dùng để trang bị trên Galaxy S7, S7 Edge hoặc thậm chí là Note 7 của Samsung, được bố trí trên main board của điện thoại, không nằm "bên trong" con SoC Snapdragon. Như bên dưới là bảng mạch của Note 7, có thể thấy vị trí chip DAC WCD9335 (màu xanh dương đậm, ngoài cùng bên trái) nằm riêng ra so với Snapdragon 820 của Qualcomm (ô to màu đỏ). Và có lẽ chính vì lý do này mà BKAV đưa ra khái niệm “rời” để chỉ vị trí của DAC trên bảng mạch nằm riêng ra so với con SoC của Qualcomm.

Còn câu hỏi tại sao phải dùng chip DAC riêng cao cấp? Logic thông thường thì cái gì chuyên môn hóa hơn sẽ giải quyết công việc tốt hơn. Đơn cử như khi LG trang bị các chip DAC cao cấp cho V20, G6,… những con chip này có khả năng giải mã âm thanh 32 bit 384kHz. Trên mặt con số thuần túy mà nói thì càng lấy mẫu nhiều (số lần tín hiệu âm thanh được đo và lấy mẫu mỗi giây), bitrate càng lớn (nôm na cho dễ hiểu là lượng dữ liệu lưu trữ trong mỗi giây của một file nhạc),… thì chất lượng âm thanh càng cao và việc tái tạo âm thanh analog từ file nhạc số sẽ chính xác hơn, nói cách khác là gần với âm thanh thực của ca sĩ hát hơn (các biểu đồ cột nếu chiều ngang các cột càng nhỏ thì nhìn từ xa, các bậc thang sẽ càng gần với đường cong mềm mại sóng hình sin của âm thanh analog hơn).

Chỗ này còn nhiều vấn đề và phần cứng khác, bao gồm cả DSP, Amp đồ nay nọ cùng khá nhiều debate, mình sẽ nói ở một bài khác. Giờ trở lại Bphone. Trên thực tế thì con chip WCD9335 được dùng trước đây bởi khá nhiều nhà sản xuất, bao gồm cả nhiều máy của Samsung, bây giờ là BKAV, chỉ có cách tiếp cận khác là các máy trước xuất âm thanh từ chip này ra lỗ 3.5mm nằm trên máy, còn Bphone 2017 thì loại bỏ cổng 3.5mm và xài một adapter chuyển từ USB-C ra 3.5mm. Vậy họ đã làm thế nào?

Adapter tặng kèm Bphone 2017 giống hay khác adapter của iPhone 7, HTC U11? Cổng USB-C có truyền được tín hiệu analog?

Còn bây giờ trở lại vấn đề của Bphone 2017. Bphone 2017 dùng chip DAC mà họ gọi là rời và nằm ở bên trong máy để giãi mã âm thanh chất lượng cao. Vậy âm thanh sau khi giải mã ra tới tầng analog sẽ được đưa tới tai của người dùng nghe bằng tai nghe 3.5mm như thế nào khi mà lỗ cắm 3.5mm đã bị loại bỏ khỏi chiếc điện thoại này? Giờ nói vụ bỏ cổng 3.5mm trước. Hiện tại thì không chỉ Bphone 2017 mà khá nhiều máy điện thoại khác trên thị trường cũng đã bỏ cổng 3.5mm.

Đại diện tiêu biểu là iPhone 7/7 Plus. Và để người dùng vẫn dùng được tai nghe 3.5mm, Apple họ tặng kèm theo Adapter chuyển từ lighting qua 3.5mm. Nói là adapter chuyển thôi cũng chưa đúng bởi bên trong cái cổng này chính là một con chip DAC (bọn mình đã mổ ra, các bạn có thể xem thêm ở đây). Nói cách khác là file âm thanh từ bên trong iPhone sẽ được đưa ra khỏi cổng lighting, qua cái adapter để được giải mã, khuyếch đại và khi đi ra khỏi lỗ 3.5mm cái, nó đã được biến thành analog để chúng ta nghe qua màng loa của tai nghe,…

Một đại diện khác của việc bỏ cổng 3.5mm gần đây là HTC U11 và họ cũng tặng kèm một chiếc adapter chuyển từ USB-C qua cổng 3.5mm. Cách hoạt động của chiếc adapter này cũng giống với cái của Apple, nghĩa là bên trong cũng có một con chip DAC để giải mã và khuếch đại tín hiệu số ra analog để chúng ta nghe. Khi mình lấy chiếc adapter này cắm vào một chiếc điện thoại khác có cổng USB-C, nó sẽ được nhận như một DAC rời (rời ở đây vì đã nằm lòng thòng bên ngoài máy) và sẽ nghe được nhạc bằng cách cắm tai nghe 3.5mm vào đó.

BKAV cũng tặng kèm một cái adapter kèm theo Bphone 2017 và cái cục này khác với nguyên lý hoạt động của 2 chiếc adapter có tích hợp DAC kèm theo iPhone và U11. Do máy Bphone đã tích hợp chip DAC riêng bên trong máy và dùng nó để xử lý chuyển đổi nhạc số thành analog nên chắc chắn, tín hiệu đi qua khỏi cỏng USB-C của Bphone phải đã ở tầng Analog. Tới chỗ này, nhiều anh em chắc hẳn sẽ thắc mắc làm gì có vụ tín hiệu analog mà đi qua được cổng USB-C? Câu trả lời là có.

Trên thực tế, USB-C vẫn được thiết kế để có khả năng truyền tín hiệu âm thanh analog. Trong số các giao thức kết nối trên cổng USB-C có các chân gọi là Dp, Dn có khả năng xuất tín hiệu âm thanh analog, đồng thời USB-C cái cũng có cái chân gọi là SBU (Sideband Unit) để nhận tín hiệu âm thanh analog. TUY NHIÊN, người dùng vẫn cần phải dùng một cái adapter để kết nối điện thoại từ cổng USB-C với tai nghe 3.5mm. Lúc này đây là một chiếc adapter đúng nghĩa cổng chuyển, không hơn không kém. Đó là lý do tại sao Bphone 2017 vẫn phải kèm theo một chiếc adapter chuyển, bên trong nó chắc chắn không có DAC (mình đã thử cắm vào điện thoại cổng USB-C khác và không nhận được là DAC, không hề chơi được nhạc qua đó).

Cách làm của Bphone 2017 có điểm gì ngon, điểm nào chưa ngon?

Chỗ này mình bàn tới khía cạnh kỹ thuật thuần túy, còn trải nghiệm thực tế bằng lỗ tai sẽ hẹn anh em bài khác nữa. Bắt đầu nha, điều đầu tiên khi loại bỏ cổng 3.5mm nói chung trên nhiều chiếc điện thoại chính là tiết kiệm không gian bên trong, cho phép làm điện thoại mỏng gọn hơn. Tuy nhiên, cách làm của Bphone là dù bỏ cổng 3.5mm nhưng vẫn đặt DAC bên trong máy. Lý giải cho điều này từ phía BKAV, mình nghe nói là nó sẽ cho chất lượng âm thanh cao hơn, đồng thời lại không đòi hỏi xài adapter to xấu ở bên ngoài (có thể do có DAC bên trong adapter nên sẽ to hơn).

Một điểm có lợi cho cách tiếp cận này chính là người dùng vẫn có thể xài được những chiếc tai nghe cao cấp, xịn,… có cổng 3.5mm với Bphone 2017 (vẫn phải xài adapter chuyển của kèm theo). Ở đây mình dùng từ xài được, chưa dám khẳng định xài ngon và xài tốt vì cần trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Và có ý kiến cho rằng việc xuất analog qua chính USB-C bản thân nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh, thí dụ như gây nhiễu. Phần này vẫn cần phải trải nghiệm thêm mới có câu trả lời. Bài dài rồi, xin khép lại ở đây. Anh em có ý kiến gì khác có thể bình luận xuống bên dưới cho anh em cùng thảo luận nhé. Chúc vui.

Theo: Tinhte.vn