Điện thoại

Hiệu năng vi xử lý trên smartphone bao nhiêu mới là đủ?

Hiệu năng vi xử lý trên smartphone bao nhiêu mới là đủ?

Cuộc chiến về hiệu năng vi xử lý trên những chiếc smartphone đang dần đi đến hồi kết, nếu như ở thời điểm chớm nở của điện thoại thông minh, một trong những yếu tố mà các nhà sản xuất luôn chú trọng đầu tư vào nghiên cứu, phát triển đó chính là hiệu năng vi xử lý (gọi tắt là CPU, GPU). 

Công nghệ ngày càng phát triển cũng đồng nghĩa với việc cấu hình trên những chiếc smartphone thế hệ mới cũng theo đó mà sở hữu những thông số cực kì mạnh mẽ. Điều này sẽ hữu dụng với những ai dùng chính chiếc smartphone của mình để làm việc, chạy các tác vụ nặng, vì hiệu năng trên smartphone đã và đang dần đáp ứng được nhu cầu của họ.

Tuy vậy, phần lớn người dùng smartphone cơ bản thì đều không cần một hiệu năng xử lý quá mạnh, với những nhu cầu đơn giản như lướt web, xem phim, chơi game thì những chipset không quá cao cấp cũng sẽ đáp ứng tốt các nhu cầu của người sử dụng. Apple là một ví dụ điển hình cho nhận định này. 

iPhone 5, iPhone 5S mặc dù chỉ sở hữu những con chip rất cũ nhưng nó vẫn đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu cơ bản của hầu hết đại đa số người dùng. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây rằng, việc các hãng vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc sản xuất ra những CPU có hiệu năng khủng nhằm mục đích gì?

Hãy lấy sự ra mắt của thế hệ iPhone mới trong năm 2018 làm điển hình và cùng nhau phân tích về hiệu năng trên smartphone. Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, Apple sẽ giới thiệu vi xử lý A12 cùng với thế hệ iPhone 2018.

Chắc chắn hiệu suất CPU/GPU của nó sẽ tiếp tục được cải thiện một cách đáng kể. Nhưng liệu điều đó có cần thiết, khi hiệu suất của vi xử lý dành cho smartphone hiện tại cũng đã rất mạnh mẽ?

Và để có được cái nhìn khách quan nhất, chúng ta hãy xem 2 phóng viên Paul và Chip đến từ chuyên trang công nghệ nổi tiếng GSMArena đã chia sẻ những suy nghĩ của họ. Mời bạn cùng theo dõi và đưa ra những quan điểm của mình nhé.

Paul cho rằng: “Với hầu hết người dùng, chip hiện tại đã đủ nhanh, đủ mạnh”

Đối với những ai đam mê, thích tìm hiểu và khám phá công nghệ thì việc họ bị thu hút bởi những thông số kỹ thuật ấn tượng như : số MP cho camera, dung lượng RAM – ROM, kích thước – độ phân giải màn hình và trong bài viết này là hiệu suất CPU là điều hoàn toàn dễ hiểu. 

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng những vi xử lý tầm trung và cao cấp hiện nay đã đủ mạnh để đáp ứng tốt tất cả các nhu cầu làm việc lẫn giải trí đa phương tiện. Đồng thời, vi xử lý không hẳn đã là yếu tố quyết định cho mọi vấn đề. Ví dụ, bạn cần kết nối Wi-Fi (hoặc mạng 3G/4G) chất lượng để lướt web ở tốc độ cao.

Chắc chắn vẫn sẽ có những người làm việc với những tác vụ rất nặng trên smartphone bởi tính di động của thiết bị này. Ví dụ cụ thể như việc thực hiện thao tác đồ họa chuyên sâu hay chỉnh sửa video 4K nhanh chóng. Lúc này, vi xử lý phải càng nhanh càng tốt. Nhưng trong thực tế, họ không thuộc số đông người dùng.

Ngoài ra, phần mềm trên những chiếc smartphone cũng sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc tối ưu hóa phần cứng của máy (hiểu đơn giản là nền tảng hệ điều hành tích hợp sẽ tương tích và đồng bộ với game, ứng dụng khiến cho CPU hoạt động được tối đa công suất). 

Những bản cập nhật hệ điều hành nhằm vá lỗi, bổ sung tính năng, cải tiến hiệu năng có thể mang lại cho con chip trên thiết bị của bạn một sức mạnh mới. 

Chiếc Nexus 5X được cải thiện đáng kể về hiệu suất khi nâng cấp lên Android Oreo và theo những thử nghiệm ban đầu, iOS 12 vừa ra mắt cách đây vài tuần cũng đem đến điều tương tự cho những chiếc iPhone đời cũ. 

Qua những gì đã phân tích, chúng ta đi đến kết luận rằng vi xử lý được cho là công nghệ có tốc độ phát triển nhanh nhất trên smartphone trong một thập kỷ vừa qua, vượt trội hầu hết các thành phần còn lại (pin, camera hay màn hình). Vì thế, Paul cho rằng những gì chúng ta có ở thời điểm hiện tại đã là quá đủ, quá dư thừa rồi. 

Chip chia sẻ quan điểm của mình: “Vi xử lý nhanh hơn là điều tất yếu xảy ra”

Ở thời điểm hiện tại, những chip Snapdragon tầm trung nhanh hơn chip Snapdragon cao cấp của 2 năm trước, nhưng từ 2 năm trước, chúng ta đã thấy smartphone cao cấp chạy rất nhanh rồi. 

Thế nên, thật dễ hiểu khi nói rằng vi xử lý đang được cải thiện chỉ để phục vụ mục đích quảng cáo, là công cụ để các nhà sản xuất “khoe” thông số cũng như công nghệ mới mà mình làm được. 

Điểm khác biệt giữa vi xử lý di động so với những vi xử lý có trên PC, đối với vi xử lý trên di dộng thì bạn sẽ có được toàn bộ chipset thay vì chỉ CPU. Và khi chipset cao cấp đi kèm với modem cao cấp, RAM nhanh hơn và vài bộ đồng xử lý, hiệu suất sẽ được cải thiện một cách đáng kể. 

Ngay cả khi vấn đề đến từ việc kết nối Wi-Fi hoặc LTE, cách để cải thiện chúng là sở hữu con chip tốt nhất. Chẳng hạn, Snapdragon 820 hỗ trợ LTE Cat 12 cho tốc độ tải xuống cao nhất 600 Mbps, trong khi Snapdragon 845 hỗ trợ LTE Cat 18 đạt tốc độ tải xuống cao nhất gấp đôi, lên đến 1200 Mbps.

Những lợi ích của chip trên smartphone nhanh hơn còn nằm ở việc cho phép điện thoại thực hiện một số chức năng nâng cao (mà không thể hoạt động nếu chipset không đáp ứng).

Ví dụ, 2 trong số những nâng cấp lớn nhất cho camera smartphone ngày nay là chế độ chụp chân dung và HDR+ được kích hoạt bởi sức mạnh “khủng” của chip, cho phép máy xử lý nhiều hình ảnh trong chớp mắt, mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Điện thoại tầm trung cũng sẽ có chế độ chụp ảnh chân dung, những nếu xét về tốc độ xử lý trong các thao tác thì chắc chắn chipset của chúng không đủ nhanh để thực hiện tốt nhất các công việc này.

Chip cũng bác bỏ nhận định về việc phụ thuộc quá nhiều vào phần mềm, Chip cho rằng: "Phần mềm không phải ở thời điểm nào cũng ổn định, hoàn hảo. Hãy lấy đơn cử như việc một ứng dụng được viết code kém có thể “giết chết” cả những CPU mạnh nhất. Nhưng một CPU mạnh nhất sẽ giúp thiết bị thích ứng tốt với một vài trục trặc nhỏ, biến cảm giác khó chịu thành sự hài lòng. 

Kết luận chung lại, người dùng smartphone không phải lúc nào cũng nhận ra những sự khác biệt giữa các thế hệ vi xử lý (chênh lệch chỉ 1 – 2 giây khi mở ứng dụng thì thật khó để cảm nhận), chipset nhanh hơn vẫn mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.

Với tôi, nhu cầu về vi xử lý nhanh hơn là điều tất yếu trong cuộc sống, giống như cái chết và nghĩa vụ đóng thuế vậy, Chip chia sẻ.

Trên đây là những nhận định của Paul và Chip về sự cần thiết của việc cải thiện tốc độ vi xử lý dành cho smartphone. Bạn đồng ý với quan điểm của ai, hay bạn có những suy nghĩ riêng của mình? Cùng chia sẻ quan điểm của mình để bàn luận về vấn đề này nhé. 

 

LG V40 sẽ ra mắt với 5 camera, mở khóa khuôn mặt, Snapdragon 845, chip Quad DAC

(Techz.vn) Hội chợ thương mại IFA 2018 đang đến rất gần, một trong những smartphone đang được kỳ vọng ra mắt trong sự kiện kiện này là LG V40 vừa xuất hiện rất nhiều thông tin quan trọng.