Máy tính bảng

Đối tác cảm thấy bị phản bội vì Microsoft cho ra tablet

Đối tác cảm thấy bị phản bội vì Microsoft cho ra tablet

Hầu hết các đối tác phần cứng của tập đoàn phần mềm Mỹ hoàn toàn không hay biết gì về Surface trong khi một số hãng thân thiết cũng chỉ được thông báo khoảng vài ngày trước lễ công bố.

Microsoft đang thực hiện giống như Apple là giữ kín những quân bài quan trọng trong áo trước khi tung ra và làm đối thủ "ngã ngửa".

Sự xuất hiện của tablet Surface khiến nhiều đối tác của Microsoft kinh ngạc.
Sự xuất hiện của tablet Surface khiến nhiều đối tác của Microsoft kinh ngạc.

Một số lãnh đạo giấu tên ở Acer và Asus - hai công ty máy tính lớn thứ tư và thứ năm thế giới - cho hay họ biết về máy tính bảng Surface là từ chính sự kiện ngày 18/6 của Microsoft ở Los Angeles (Mỹ). "Không một nhà quản lý cấp cao nào nghe nói về thiết bị này trước đó. Chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ", một giám đốc tại Acer cho hay và bổ sung rằng họ đang tìm hiểu thêm thông tin.

Trong khi đó, ngày 15/6, tức 3 ngày trước lễ công bố, Trưởng bộ phận Windows Steven Sinofsky thực hiện gọi điện thông báo cho một số đối tác thân thiết nhưng cũng chỉ nói sơ qua, thậm chí không tiết lộ tên và thông số sản phẩm. Do đó, các đối tác cũng phải theo dõi tin tức để "biết thêm chí tiết".

15/6 cũng là ngày Microsoft gửi thư mời báo chí, khẳng định sẽ công bố một thứ đặc biệt quan trọng tại đây. Khi đó, hai trang The WrapAllThingsD đã trích dẫn nguồn tin thân cận nói rằng hãng phần mềm sẽ trình làng thiết bị đối đầu với iPad.

Tổng giám đốc Steve Ballmer trả lời báo chí rằng họ đã báo cho các nhà sản xuất lớn nhất về tablet còn phát ngôn viên của công ty từ chối cho biết họ "báo trước" ở mức độ nào.

CEO Steve Ballmer và Microsoft chỉ tiết lộ về sản phẩm vài ngày trước lễ công bố.
CEO Steve Ballmer và Microsoft chỉ tiết lộ về sản phẩm vài ngày trước lễ công bố.

Việc âm thầm cho ra đời máy tính bảng khiến mối quan hệ giữa Microsoft và các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) không còn mật thiết như trước. Hành động này cũng phá vỡ nguyên tắc họ đã xây dựng suốt 37 năm qua là cung cấp bản quyền phần mềm cho các OEM như Dell, HP... Do đó, một số đối tác cảm thấy như "bị phản bội" khi Microsoft tiến quân vào lãnh địa phần cứng.

"Sự chuyển dịch này sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất máy Windows vì Microsoft giờ đây bị coi là một đối thủ", Andrew Milroy, Phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu công nghệ của Frost & Sullivan ở Singapore, cho hay.

HP từ chối bình luận trong khi đại diện của Dell nhấn mạnh vẫn cam kết sử dụng Windows 8 và sẽ giới thiệu máy tính bảng cùng thời điểm hệ điều hành này chính thức được công bố.

<>Bên cạnh đó, một số chuyên gia tin rằng Microsoft còn đang dự tính sản xuất cả smartphone. Nhà phân tích Rick Sherlund của hãng Nomura cho rằng Microsoft đang đàm phán để tự chế tạo điện thoại sử dụng hệ điều hành Windows Phone 8.

Microsoft từ lâu đã muốn tạo được chỗ đứng nhất định trong thị trường di động. Họ hợp tác với Nokia để đưa Windows Phone vào dòng Lumia. Tuy nhiên, các smartphone Lumia hiện tại lại không thể nâng cấp lên bản Windows Phone 8. Sau lễ ra mắt nền tảng di động thế hệ mới ngày 20/6, cổ phiếu của Microsoft tăng nhẹ trong khi của Nokia tiếp tục giảm xuống. Một số chuyên gia còn đặt ra một khả năng rằng Microsoft đang có thái độ nửa vời với Nokia để làm giảm giá trị công ty Phần Lan, giúp hãng này có thể thâu tóm với giá rẻ thời gian tới.