Nhịp sống số

Bữa tiệc 3D bắt đầu tàn khi người dùng mệt mỏi

Bữa tiệc 3D bắt đầu tàn khi người dùng mệt mỏi

Sau thành công của bộ phim Avatar, giới chuyên môn mong chờ sự cất cánh của công nghệ 3D nhưng sau gần 3 năm, họ thừa nhận công nghệ này chưa thể tạo được sự đột phá.

Satoru Iwata, Chủ tịch Nintendo, trả lời phỏng vấn báo The Independent (Anh) rằng sự hào hứng với 3D mới nhen nhóm "có lẽ đã bắt đầu tàn". Dù hãng này vẫn tiếp tục đưa công nghệ ba chiều vào trong thiết bị chơi game cầm tay, đây không còn là giải pháp mang tính chiến lược của họ nữa.

"Chúng tôi đã tạo ra 3DS, 3DS XL và có một số game sử dụng 3D gây ấn tượng. Nhưng sự ngạc nhiên thích thú của con người với hiệu ứng này đang nhanh chóng giảm đi. Chỉ có hiệu ứng nổi thôi thì không đủ khiến họ hào hứng mãi được", Iwata chia sẻ.

TV 3D được mong đợi sẽ sớm phổ biến trong các hộ gia đình.
TV 3D được mong đợi sẽ phổ biến trong các hộ gia đình.

Theo tạp chí Time (Mỹ), nếu muốn có thêm bằng chứng, hãy nhìn vào các quầy bán vé. Khảo sát của Hiệp hội điện ảnh Mỹ cho thấy số lượng tác phẩm 3D trong năm 2011 nhiều hơn tới 19 phim so với một năm trước đó, nhưng doanh thu giảm 18% (tương đương 400 triệu USD). Tháng trước, lượng người xem phiên bản 3D trong tuần đầu ra mắt Công chúa tóc xù (Brave) của Pixar giảm kỷ lục, chỉ chiếm 32% doanh thu. Biệt đội anh hùng (The Avengers) bản 3D ăn khách hơn với một nửa tổng doanh thu của "bom tấn" này, nhưng vẫn không vươn được tới tỷ lệ 83% của Avatar - bộ phim mở màn trào lưu 3D của thế kỷ 21.

Nhìn sang thị trường TV 3D, người ta cũng không thấy lạc quan hơn. Theo nghiên cứu của NPD Group, chỉ 14% những người chuẩn bị sắm TV trong vòng 6 tháng tới cho rằng 3D là tính năng "cần phải có" trong thiết bị mà họ định mua. Ngay cả Samsung, hãng sản xuất TV lớn nhất thế giới, cũng cho biết nhu cầu TV 3D đã bị thổi phồng và họ đang tập trung hơn vào dòng TV thông minh với khả năng truy cập web.

Nguyên nhân khiến 3D "vật vã" trong quá trình chinh phục người sử dụng đã được nhắc đến từ lâu: Không ai muốn vừa xem phim vừa phải đeo kính vướng víu, hiệu ứng 3D gây mỏi mắt, nhức đầu trong khi số tiền bỏ ra để trải nghiệm lại cao hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi được giải phóng khỏi chiếc kính, công nghệ 3D vẫn chưa đủ hấp dẫn. Tablet có màn hình 3D không kính từ lâu đã không còn được nhắc tới còn laptop và smartphone 3D vẫn chưa đủ tốt để thuyết phục khách hàng.

Công nghệ 3D gây chú ý từ năm 1953 với bộ phim kinh dị House of Wax. Ngành điện ảnh tiếp tục kỳ vọng vào thành công của loại hình giải trí này trong thập niên 70 của thế kỷ trước nhưng chất lượng kém cỏi, bị coi là "trò lòe thiên hạ" đã khiến 3D không thể cất cánh. Họ chờ đợi Avatar sẽ làm nên lần thứ ba khác biệt. Tuy nhiên, sau 2 năm, cơn sốt thứ ba này đã hạ nhiệt.