Doanh nghiệp

Xiaomi gia nhập Việt Nam: Khó giải bài toán truyền thông!

Xiaomi gia nhập Việt Nam: Khó giải bài toán truyền thông!

Xiaomi vốn có được một thị phần tương đối tốt tại Việt Nam với các dòng smartphone sở hữu giá thành rẻ, chất lượng hoàn thiện cao cùng những trải nghiệm ấn tượng. Ở thị trường xách tay, các smartphone của Xiaomi chỉ đứng sau Apple về doanh số, đặc biệt là khi Mi 4, Mi 5, dòng Redmi Note tràn về. Cộng đồng người sử dụng điện thoại Xiaomi cũng rất đông đảo, đặc biệt là tầng lớp trẻ và hơn ai hết, họ mong muốn có trên tay chiếc smartphone chính hãng từ thương hiệu này. Đã có thời điểm Xiaomi vào Việt Nam nhưng đã vội rút chân ra bởi những chính sách khắt khe và một vài câu chuyện ẩn khuất bên trong. Lần này, đối tác được lựa chọn vẫn là Digiworld nhưng đã có một Xiaomi khác biệt, ít nhất là về cảm giác của người dùng. Xiaomi đã mạnh mẽ hơn, đã đình đám hơn thay vì âm thầm ra mắt. Liệu chừng đó có đủ để giúp thương hiệu này đánh bật hay chi ít là ngang tầm với những cái tên như Oppo và Vivo?

Truyền thông vẫn là bài toán khó với Xiaomi

Xiaomi đã vươn lên vị trí số 1 Trung Quốc một cách mạnh mẽ, đồng thời xếp thứ ba toàn cầu về doanh số bán smartphone nhờ chiến lược đặc biệt độc đáo đó chính là flash sale. Flash sale đúng với cái tên của nó, bán hàng siêu nhanh và tất nhiên, đi xuống cũng không phải chậm. Để flash sale được hiệu quả, Xiaomi phải áp dụng một giá bán thực sự hấp dẫn, điều này ảnh hưởng đến nguồn lợi nhuận của họ. Khi không có được lợi nhuận, thương hiệu này không thể làm điều gì khác về truyền thông. Nên nhớ, Huawei, Oppo và Vivo đã đổ rất nhiều tiền vào truyền thông trong những năm qua, mức độ nhận diện thương hiệu cũng tăng cao. Chính bởi vậy, những đối thủ của Xiaomi không cần bận tâm nhiều đến họ bởi truyền thông là bài toán lâu dài, bán smartphone giá rẻ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Trong thống kê thị phần smartphone tại Trung Quốc năm 2016, Xiaomi chỉ đứng thứ 4, xếp trên Apple và thua kém nhiều so với Huawei, Oppo và Vivo. Không chỉ về mặt nhận diện thương hiệu, ba cái tên trên đều có những đột phá quan trọng về sản phẩm. Bỏ qua sức mạnh công nghệ của Huawei, Vivo và Oppo – hai cái tên có cùng một nhà sáng lập đang có những nước cờ thông minh hơn trong việc phân tách các dòng sản phẩm, tạo nên một chiến lược dài hạn để chiếm lĩnh thị phần. Về doanh số, Oppo đạt tới 78,4 triệu smartphone bán ra, vượt qua Huawei còn ở Việt Nam, thương hiệu Oppo như thế nào thì chắc hẳn ai cũng đã nắm rõ.

Oppo chỉ xếp sau Samsung về mặt nhận diện thương hiệu, thậm chí mức độ cạnh tranh ngày càng tăng cao. Samsung đứng đầu vì ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, trong khi đó Oppo sở hữu hàng loạt gương mặt đại diện được yêu thích như Sơn Tùng M-TP, Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh.... Còn Xiaomi, ở Trung Quốc họ đã thua và giờ đây, Việt Nam vốn là mảnh đất mầu mỡ nhưng không thiếu những ông Vua về truyền thông.

Oppo và Vivo đang rất mạnh tại thị trường Việt Nam

Xiaomi vốn biết đến là một thương hiệu smartphone với mức giá hấp dẫn và người dùng tin vào điều đó. Ở thời điểm đầu, điều này là có lợi, nhưng về lâu dài, mức độ nhận diện sẽ thấp đi. Nếu Xiaomi đổ tiền truyền thông mạnh mẽ, họ sẽ không còn lợi nhuận (nên nhớ Oppo trước đây cũng chi ra rất nhiều tiền để truyền thông và đạt thành công như hiện nay). Còn nếu tăng giá bán để đảm bảo nguồn tiền truyền thông, Xiaomi sẽ không còn là chính mình trong mắt người dùng nữa. Quá khó cho Xiaomi trước Oppo và Vivo.

Chiến lược giá rẻ thiếu bền vững

Xiaomi không bán theo dạng flash sale tại Việt Nam? Điều này chưa thể khẳng định vì Xiaomi mới vào Việt Nam chỉ được một tuần, song, nếu cứ bán giá rẻ, lợi nhuận ăn chia với các cửa hàng, siêu thị không cao, (chưa kể đến lợi nhuận của PG như Oppo đang làm) thương hiệu này cũng như Digiworld cũng gặp khó. Ngoài ra, mức giá của Xiaomi cũng cao hơn thị trường xách tay, trong khi cộng đồng người dùng sẵn sàng cho ra những bản ROM ổn định không khác quốc tế là bao nhiêu. Chỉ khác ở chỗ sẽ có một đại diện uy tín đứng ra đảm bảo chất lượng sản phẩm, nguồn gốc cũng như vấn đề bảo hành.

Giá rẻ không phải là một chiến lược bền vững

Nếu không đảm bảo được những yếu tố trên, không chắc Xiaomi đã thành công tại Việt Nam. Việc lựa chọn một nhà phân phối để làm là hợp lý khi người Việt không có thói quen mua online, nhưng việc xuất hiện trên các kệ hàng, Xiaomi phải quen với những tỉ lệ lợi nhuận dành cho các khâu, bằng không sẽ không có được doanh số tốt khi mức cạnh tranh lớn hơn. Ngoài ra, tiền làm truyền thông cũng phải tính đến. Nhìn chung, từ trước tới nay, lấy giá rẻ làm tiêu chí đều không tồn tại được lâu, đặc biệt là mặt hàng có tốc độ thay đổi nhanh như smartphone.

Có quá nhiều điều để bàn tán về khả năng thành công của Xiaomi. Mỗi thương hiệu có cách phát triển riêng của mình, nhưng khó khăn còn rất nhiều đối với Xiaomi. Nhưng ít nhất, Xiaomi được ủng hộ bởi cộng đồng người dùng Việt Nam trong thời gian qua, đó là tiền đề tốt nhất để hãng tiếp cận những người dùng mới.

 

Xiaomi Mi 6 sở hữu đến 8GB RAM: “Quái vật” 2017 đây rồi!

(Techz.vn) Trong khi Galaxy S8 hay LG G6 chỉ trang bị 4GB RAM thì mẫu flagship thế hệ mới của Xiami sở hữu đến 8GB RAM.