Nhịp sống số

Wikipedia dọa khóa tất cả bài viết tiếng Anh

Wikipedia dọa khóa tất cả bài viết tiếng Anh

 Dịch vụ bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí Wikipedia dự định đóng cửa toàn bộ các bài viết bằng tiếng Anh trong một động thái nhằm phản đối dự luật SOPA (Stop Online Piracy Act) hiện đang gây tranh cãi và phản ứng từ những công ty Internet hàng đầu.

 

Anh ngữ là một trong những ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên bách khoa toàn thư mở Wikipedia - Ảnh minh họa: Digitaltrends

Tham gia làn sóng phản đối nội dung của bản dự luật SOPA, sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong vài ngày tới tại Ủy ban công tố thuộc Thượng viện Mỹ trong ít ngày tới, Wikipedia dự định đóng cửa toàn bộ các bài viết bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Đây là tuyên bố chính thức từ người sáng lập Wikipedia Jimmy Wales, sau khi chứng kiến cộng đồng Wikipedia tiếng Ý thành công bằng một cuộc tuần hành.

Hiện tỉ lệ người bỏ phiếu trực tiếp ủng hộ cú “tắt điện” của Wikipedia (tiếng Anh) đã đạt tỉ lệ 88,5%, 14,6% còn lại là không tán thành.

“Vài tháng trước, cộng đồng người tham gia xây dựng Wikipedia tiếng Ý đã đóng cửa toàn bộ các bài viết bằng ngôn ngữ của họ nhằm phản đối một bộ luật có nguy cơ đe dọa đến quyền biên tập của trang Wikipedia tiếng Ý. Ngay sau đó, Quốc hội Ý phải lùi bước. Hiện tại, một dự luật tệ hơn rất nhiều được trá hình bởi cái tên “Đạo luật chấm dứt nạn xâm phạm bản quyền trực tuyến” (Stop Online Piracy Act) đang sắp sửa được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội Hoa Kỳ. Tôi cho rằng một hành động quyết liệt như những gì từng xảy ra tại Ý sẽ có tác dụng để ngăn chặn mối nguy này”, Wales viết trong thông báo.

Cụ thể, SOPA cho phép các tập đoàn, trong đó có cả những doanh nghiệp nắm giữ bản quyền nội dung một loại tài sản trí tuệ nào đó, cũng như cả chính quyền Mỹ được phép chặn hướng truy cập đến bất cứ trang web nào bị nghi là phát tán nội dung bị sao chép trái phép. Những người ủng hộ SOPA cho rằng một đạo luật như vậy là cần thiết để đấu tranh chống lại nạn xâm phạm bản quyền trên mạng, và để bảo vệ tài sản trí tuệ của những người làm ra hoặc nắm giữ bản quyền của chúng.

Về phía phản đối SOPA có cả nhiều gương mặt lớn của ngành công nghệ như Google, Facebook, Twitter, AOL, eBay, Yahoo và cả Microsoft… Đại diện những doanh nghiệp này cho rằng SOPA mang đến mối nguy hiểm lớn bởi lẽ dự luật này có thể dẫn đến việc kiểm duyệt một cách chưa từng có tiền lệ mọi nội dung trên mạng, cũng như ẩn chứa rủi ro hủy hoại toàn bộ nền móng cơ bản của Internet, từ đó đe dọa bảo mật riêng tư của người dùng.