Doanh nghiệp

Viettel nắm 30% vốn Gonow: Sẽ cạnh tranh trực tiếp Uber, Grab, không giấu tham vọng vươn ra cả thị trường quốc tế

Viettel nắm 30% vốn Gonow: Sẽ cạnh tranh trực tiếp Uber, Grab, không giấu tham vọng vươn ra cả thị trường quốc tế

Ngành giao thông vận tải Việt Nam đang chứng kiến những bước thay đổi mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Uber, Grab tiến quân vào Việt Nam, kéo theo sự ra đời rầm rộ của nhiều startup gọi xe trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại giá rẻ của người dân.

Giữa lúc thị trường ngập tràn các ứng dụng, startup gọi xe, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) đã ra một quyết định mang tính “lấn sân”: ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow.

Theo đó, Viettel sẽ hỗ trợ Gonow trong việc triển khai xây dựng website, phát triển hệ thống kênh bán hàng, hệ thống chăm sóc khách hàng, dịch vụ thanh toán trực tuyến… đồng thời sở hữu 30% vốn của đơn vị này.

Điểm đặc biệt hơn là Gonow chỉ xuất hiện trên thị trường hơn một năm, thông tin về startup hiện nay vẫn còn khá ít ỏi. Vậy tại sao Viettel lại sẵn sàng lựa chọn một đại diện tương đối mới như vậy?

Gonow và thị trường xe đi sau

Trao đổi veới chúng tôi, anh Trần Vương Long, chủ tịch HĐQT công ty CP Gonow Group cho biết tại Việt Nam, có rất nhiều loại hình giao thông ứng dụng công nghệ thông tin, ví dụ như Grab, Uber và taxi truyền thống.

Tuy nhiên phần lớn các ứng dụng này hướng tới khách hàng có nhu cầu đi ngay chứ chưa có một ứng dụng nào thật sự lớn mạnh dành cho khách hàng thuê xe hợp đồng (xe đi sau). Thị trường xe đi sau vẫn còn bỏ ngỏ, các đơn vị cho thuê xe trên toàn quốc, hoạt động chủ yếu tại một tỉnh thành phố chứ chưa thể phủ rộng.

“Vì thế, Gonow ra đời để kết nối các nhà xe trên toàn quốc lại, cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại bất cứ nơi nào ở 64 tỉnh thành”.


Anh Trần Vương Long, chủ tịch HĐQT công ty CP Gonow Group phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Viettel.

Đầu năm 2015, anh Long nghĩ ra ý tưởng thành lập một sàn giao dịch để kết nối các đơn vị vận tải và hành khách trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Anh cùng ba người nữa bắt tay vào xây dựng chiến lược, hoàn thiện trang web tại địa chỉ gonow.vn. Đến đầu năm 2016, cả đội tiếp tục phát triển ứng dụng trên điện thoại đi động và đưa lên Appstore cũng như CH play.

Anh Long cho biết Gonow không chỉ là đơn vị trung gian, cung cấp dịch vụ khách tìm xe, xe tìm khách mà còn mang đến giải pháp quản lý bằng công nghệ cho các đơn vị kinh doanh vận tải. Mỗi đơn vị tham gia hệ thống sẽ được cấp một tài khoản riêng để vào đó, họ có thể quản lý được xe, tài xế, biết được xe hết đăng ký, đăng kiểm ngày nào, bằng lái của tài xế ngày nào hết hạn, doanh thu theo ngày, tháng, năm là bao nhiêu…

Một điểm khá khác biệt giữa Gonow so với nhiều đối thủ khác là giải pháp đấu giá ngược cho những chuyến xe rỗng một chiều. Ví dụ nếu khách muốn đặt xe ra sân bay Nội Bài (Hà Nội), hệ thống sẽ tiếp nhận thông tin và tự động gửi tin nhắn để các tài xế thành viên cùng đấu giá. Những ai đang có lượt xe rỗng có thể đưa ra giá thấp để thu hút khách hàng.

“Cách làm này vừa giúp doanh nghiệp kinh doanh vận tải tiết kiệm chi phí tiết kiệm từ các cuốc xe rỗng, xã hội giảm giảm lượng xe không cần thiết ra đường, giảm thiểu ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, anh Long cho biết.

Gonow hoạt động trên nguyên tắc tìm khách cho đơn vị vận tải nhưng không thu phí dịch vụ vận tải mà thu từ phía khách hàng. Tuy nhiên, khi khách hàng thuê cho người khác thì họ cũng được hưởng chiết khẩu. Với cách làm này, “vô hình chung hệ thống có hàng trăm ngàn đại lý kinh doanh trên cả nước mà không phải trả lương cứng cho họ, chi phí hoạt động chỉ cồng kềnh lúc đầu nhưng càng ngày càng giảm”.

Hiện nay, bên cạnh dịch vụ đặt xe hợp đồng, Gonow đang triển khai dịch vụ đi ngay giống như Uber, Grab nhưng lượng xe chưa đông vì lĩnh vực mới ra đời. Đây được coi là kênh song song, hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bỏ tiền mua xe để hợp tác với Uber, Grab nhưng sau đó lâm vào tình trạng “điêu đứng” vì hai hãng ngoại cắt giảm hỗ trợ, tăng thuế…

Hợp tác chiến lược với “gã khổng lồ” Viettel


Gonow dự định trở thành sàn giao dịch kết nối các loại hình vận tải với nhau.

Theo chia sẻ của người đứng đầu Gonow, bài toán chiến lược của hãng là bài toán lớn, bài toán của một nền kinh tế chia sẻ trong đó rất nhiều bên tham gia đều có lợi về mặt kinh tế: hành khách tham gia hưởng dịch vụ chuyên nghiệp với giá rẻ hơn, nhà vận tải có thêm kênh bán hàng mà không mất thêm chi phí, đơn vị kết nối cũng được hưởng % lợi nhuận từ phía khách hàng.

Bài toán này không chỉ Viettel nhìn thấy mà nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, trong đó có những quỹ lớn từ Nhật Bản cũng nhìn thấy và bày tỏ mong muốn hợp tác. Thậm chí, Viettel định giá Gonow ở mức hơn 100 tỷ đồng, con số này thấp hơn so với các quỹ đầu tư khác. Tuy nhiên thay vì chọn các nhà đầu tư nước ngoài, anh Long cho biết Gonow chọn nhà đầu tư trong nước, vì họ có những thứ công ty thực sự cần.

“Thứ nhất là công nghệ thông tin, chúng tôi chúng tôi cần một đơn vị thật sự mạnh. Ở Việt Nam có hai đơn vị hàng đầu Viettel và FPT nhưng chúng tôi ưu tiên Viettel. Thứ hai là chúng tôi cần hệ thống bán hàng có sẵn. Thứ 3 chúng tôi cần kênh đi ra nước ngoài mà Viettel là nơi đầu tư ra nước ngoài tương đối bài bản, nhất là các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar,…”

“Viettel cung cấp cho chúng tôi những thứ chúng tôi không có. Bên cạnh nguồn vốn đống góp 30%, chúng tôi được sử dụng toàn bộ hệ thống 12.000 điểm bán hàng của Viettel, các khách hàng sử dụng dịch vụ Gonow sau này có thể thanh toán tại bất cứ điểm giao dịch nào của Viettel trên toàn quốc, hoặc nộp tại nhà thông qua nhân viên thu cước viễn thông”.

Anh Long tự nhận cuộc hợp tác giữa Viettel và Gonow là “một sự kết hôn không môn đăng hộ đối” giữa người khổng lồ và người tý hon, giữa một bên là tập đoàn lớn của nhà nước và một bên là startup nhỏ.

“Tuy nhiên, không phải người tý hon nào cũng đứng được trên vai người khổng lồ. Và rõ ràng có những việc chỉ người tý hon có thể làm được, ví dụ như chui vào hang nhỏ, người khổng lồ không thể làm được”.

Thông qua hợp tác với Gonow, Viettel sẽ tận dụng được kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải của đơn vị này, đồng thời tiết kiệm được ít nhất 2 năm nếu muốn bắt tay xây dựng kế hoạch, hệ thống từ đầu.

Ngoài ra, Gonow là dự án thí điểm kết nối với bản đồ số của bộ Giao thông vận tải nên nhận được sự ủng hộ của nhiều bộ, ban ngành như Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải…

Ở thời điểm hiện tại, Gonow là công ty nhỏ nếu so với ông lớn như Viettel, nhưng nếu so với các startup cùng lĩnh vực, cùng thời gian tồn tại, tốc độ phát triển của họ không hề nhỏ. Từ 3.500 thành viên trong quý 1/2017, đến nay hơn 170.000 thành viên đã tham gia hệ thống.

Hãng cũng đặt mục tiêu đặt mục tiêu sẽ mở rộng loại hình vận tải và mở rộng hệ thống ra quốc tế vào cuối năm 2018.

“Tiêu chí của chúng tôi là phải hợp tác với các đơn vị lớn thì mới đi ra được thị trường quốc tế còn nếu chỉ có một mình thì không đi xa được”, chủ tịch HĐQT Gonow kết luận.

Theo CafeF