Xe A-Z

"Dân buôn" giải thích nghịch lý của xe nhập: "Làm cũ" xe mới, bán giá cao

Thị trường ô tô nhập khẩu tại Việt Nam hiện có ít nhất 3 hình thức phân phối, đó là: Nhà nhập khẩu và phân phối chính thức (chẳng hạn như BMW Euro Auto, Audi); các liên doanh vừa sản xuất, lắp ráp, vừa thực hiện thêm chức năng nhập khẩu và phân phối xe nguyên chiếc như (Toyota, Ford); và các salon kinh doanh xe nhập khẩu không chính thức.

Trong số này, các salon kinh doanh xe nhập khẩu là đối tượng có tầm phủ sóng rộng, với quy mô đa dạng và chủng loại xe phong phú, đáp ứng được nhiều nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này ngày càng bị thu hẹp và các doanh nghiệp phải sử dụng những chiêu trò mà người tiêu dùng bình thường không thể ngờ tới.

Mua xe mới và …thuê người đi cho cũ 

Hiện trạng này là hoàn toàn có thật hiện nay.

Để có thể nhập xe về Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu không chính thức chỉ có 2 biện pháp, đó là “nhờ” Việt kiều hồi hương do chính sách ưu tiên, hoặc biến thành xe cũ để “lách luật”.

Với phương pháp thứ 2, chiếc xe sẽ phải đạt các tiêu chuẩn như: Đã được sử dụng trong ít nhất 6 tháng, nhưng không quá 5 năm kể từ ngày sản xuất, công tơ mét trên 10.000 km.

Điều này khiến các salon phải sử dụng các biện pháp “ép buộc” như mua xe cũ, thuê người đi cho cũ hoặc dùng các thủ thuật làm cũ xe.

Chưa dừng lại ở đó, xe cũ khi nhập về vẫn phải chịu đóng thuế đầy đủ dành cho xe nhập khẩu, chính vì vậy trong nhiều trường hợp, xe cũ nhập về nước thậm chí còn có giá cao hơn những xe cùng chủng loại trong nước.

Vì sao không thể nhập xe mới?

Theo một doanh nghiệp chia sẻ trên báo Lao Động mới đây, trước năm 2011, số doanh nghiệp nhập khẩu xe vào khoảng 200 đơn vị, nhưng nay chỉ còn chưa đến 1/10.

Ngoài việc giảm về số lượng salon, các mẫu mã xe cũng ngày càng bị hạn chế và khó kiếm xe mới hơn. Điều này được cho là kết quả của thông tư 20/2011-BCT ra đời từ tháng 5/2011.

Theo đó, để nhập khẩu xe mới dưới 9 chỗ ngồi, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng những yêu cầu như:

Doanh nghiệp buộc phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất hay hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải có được giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Các loại giấy tờ trên doanh nghiệp có thể nộp một bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính.

2 loại giấy tờ này dường như là bất khả thi với doanh nghiệp, một phần bởi sự độc quyền, một phần yêu cầu chi phí đầu tư quá lớn.

Chẳng hạn như Toyota đã có liên doanh - đồng nghĩa là đại diện chính thức tại Việt Nam. Chẳng bao giờ đơn vị này lại cấp phép cho một doanh nghiệp khác cùng phân phối xe nhập khẩu Toyota hoặc Lexus và xung đột lợi ích quá rõ ràng. 

Chính vì vậy, thông tư này được coi như động thái “khép cửa” thị trường nhập khẩu ô tô, làm giảm sự đa dạng trên thị trường cũng như hạn chế lựa chọn cho người tiêu dùng. 

Sau 5 năm áp dụng đến nay, chỉ một số nhỏ doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu trên, bên cạnh những nhà nhập khẩu và phân phối chính hãng. Những doanh nghiệp nhỏ hơn buộc phải dùng những thủ đoạn lách luật, mà phổ biến nhất là chuyện “làm cũ” xe mới, về bán giá cao.

Tất nhiên, thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng.

Ngày 1/7 tới đây sẽ là thời hạn gỡ bỏ hàng ngàn giấy phép con, và người ta đang hy vọng về việc thông tư 20 trên sẽ bị tháo dỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Không còn nghịch lý “làm cũ” xe mới nữa.

 

Thuế giảm nhưng giá ô tô khó giảm, dân buôn xe lãi lớn?

(Techz.vn) Theo quy định mới, thuế suất tiêu thụ ô tô cỡ nhỏ sẽ giảm kể từ ngày 1/7 tới. Thông thường thuế giảm sẽ dẫn tới giá xe giảm theo. Tuy nhiên, trên thực tế giá bán xe khó giảm trong thời gian này.