Nhịp sống số

Vì sao dịch vụ chia sẻ chỗ ở phát triển mạnh ở Việt Nam

Vì sao dịch vụ chia sẻ chỗ ở phát triển mạnh ở Việt Nam

Dư địa lớn

Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, kinh tế chia sẻ đang trở thành một mô hình kinh doanh  mới tạo ra sự thay đổi lớn của nhiều ngành kinh doanh trên thế giới. Ở Việt Nam, hình thức này được biết đến nhiều nhất thông qua sự có mặt của các hãng taxi công nghệ như Uber và Grab.

Thế nhưng kinh doanh chia sẻ phương tiện giao thông chưa phải là lĩnh vực “hot” nhất trong thời gian tới. Ông Oscar Orozco, chuyên gia phân tích tại eMarketer – một công ty chuyên nghiên cứu và phân tích thị trường trong lĩnh vực công nghệ số, mới đây đã đưa ra dự báo rằng mức tăng trưởng hai con số của các công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông như Uber hay Lyft sẽ sớm chấm dứt, nhưng tăng trưởng của dịch vụ chia sẻ chỗ ở sẽ tiếp tục duy trì ở mức hai con số trong thời gian dài.

Xu hướng lựa chọn homestay của khách du lịch và khách thương nhân đang tăng lên.

Theo ông Orcozco, xu hướng lựa chọn homestay cho những quãng thời gian lưu trú ngắn của khách du lịch, thậm chí cả khách thương nhân, đang tăng lên trên toàn cầu, nhờ vào sự xuất hiện của các trang web chia sẻ chỗ ở như Airbnb, HomeAway hay Pandabed.

Sẽ còn nhiều chỗ ở được chia sẻ hơn nữa trên các trang mạng, tính trung bình tỷ lệ này đang vượt cao hơn đáng kể so với tỷ lệ phòng khách sạn,” ông nói.

eMarketer cũng dự báo lượng khách sử dụng phòng ở thông qua các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ thuê phòng trực tuyến sẽ tăng khoảng 15,5% trong năm 2017 và 11,4% trong năm 2018. 

Kể từ khi xuất hiện vào năm 2008, với sự ra đời của Airbnb, mô hình kinh doanh chia sẻ chỗ ở thông qua các trang đặt phòng trực tuyến đã nhanh chóng được nhiều người lựa chọn trên khắp thế giới. Như Airbnb hiện có trụ sở tại Mỹ và có mặt tại 33.000 thành phố ở 192 quốc gia. Du khách chọn cách tìm phòng ở qua dịch vụ chia sẻ chỗ ở vì tiết kiệm, bởi giá một nơi ở so với khách sạn có cùng tiện nghi và vị trí thường thấp hơn khoảng 30 – 40%. Ngoài ra, du khách thuê phòng cũng có dịp làm quen với chủ nhà, qua đó tìm hiểu thêm văn hóa, đời sống địa phương và nhận được nhiều hướng dẫn thiết thực miễn phí. Chính điều đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn nữa du khách sử dụng dịch vụ chia sẻ phòng ở để có được những trải nghiệm mới mà sử dụng dịch vụ khách sạn khó có thể có được.

Cơ hội ở Việt Nam

Tại Việt Nam, dịch vụ chia sẻ chỗ ở xuất hiện muộn hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới, vào khoảng năm 2014, cùng thời điểm với sự xuất hiện của dịch vụ chia sẻ phương tiện đi lại như Uber hay Grab. Tuy nhiên, mức độ phổ biến của dịch vụ chia sẻ chỗ ở lại chưa được mạnh mẽ như hình thức taxi và xe ôm công nghệ. Trong khi mô hình kinh doanh chia sẻ chỗ ở chưa thực sự phát triển mạnh ở Việt Nam, thì nhu cầu có thể nói là đang rất lớn.

Năm 2016 Việt Nam đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế. 

Thống kê của Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho biết, năm 2016 Việt Nam đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế. Con số này trong năm nay sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, vì chỉ trong 8 tháng đầu năm đã đón tới hơn 8,4 triệu lượt khách quốc tế vào Việt Nam, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế vào Việt Nam càng tăng, đồng nghĩa là nhu cầu tìm phòng lưu trú càng lớn. Và với xu hướng tìm phòng lưu trú thông qua các trang web cung cấp dịch vụ chia sẻ chỗ ở đang phát triển mạnh tại Châu Âu, Châu Mỹ và cả Châu Á, nhu cầu tìm kiếm các homestay qua các trang mạng trực tuyến để có được trải nghiệm mới tại Việt Nam cũng tăng theo.

Nhu cầu tìm kiếm các homestay đẹp, có dịch vụ tốt của du khách quốc tế tới Việt Nam đang tăng rất cao, tuy nhiên các công ty cung cấp nền tảng trực tuyến cung cấp dịch vụ chia sẻ chỗ ở lại chưa hoạt động mạnh tại thị trường này”, ông Steven Dũng, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc điều hành của công ty công nghệ Luxstay nhận xét, đồng thời nhấn mạnh đây chính là cơ hội lớn cho cả các công ty công nghệ lẫn người có nhà cho thuê tham gia vào mộ hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch này tại Việt Nam.

Ông Dũng cho biết, cuối năm ngoái Luxstay đã được lập ra để làm cây cầu kết nối giữa du khách và những chủ nhà có dư phòng hoặc căn hộ để cho thuê. Hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ kiểu Airbnb, hiện đã thu hút được hàng trăm chủ nhà đăng ký tham gia vào hệ thống của Luxstay chỉ sau vài tháng ra mắt, và lượng du khách đặt phòng thông qua trang web này cũng tăng trưởng trung bình khoảng 30% mỗi tháng.

Trong khoảng 3 năm tới, ông Dũng cho biết, Luxstay đặt mục tiêu sẽ thu hút 1 triệu giao dịch đặt phòng và từ 20.000 – 30.000 chủ hộ đăng ký tham gia dịch vụ chia sẻ phòng ở trên trang web này.

Tiềm năng phát triển mô hình kinh tế chia sẻ chỗ ở này tại Việt Nam rất lớn. Nhu cầu đã có sẵn và nguồn cung phòng hoặc căn hộ cũng đã có sẵn nhờ tốc độ phát triển của thị trường bất động sản. Mảnh ghép còn thiếu duy nhất là một bên thứ ba  như Luxstay đứng ra kết nối cung và cầu đó” ông Dũng nói.