Điện thoại

Vì sao Android chưa bao giờ là đối thủ iPhone về mặt hiệu năng

Vì sao Android chưa bao giờ là đối thủ iPhone về mặt hiệu năng

Cách đây vài năm và thậm chí cho đến thời điểm hiện tại. Các dòng máy Android chưa bao giờ là đối thủ của dòng sản phẩm iPhone đến từ Apple. Tất nhiên, điều gì cũng có nguyên do của nó. Hãy cùng TechZ đi tìm lời giải đáp trong bài viết này.

Lí do bắt nguồn từ đâu?

Như bạn đã biết, Qualcomm là nhà sản xuất di động lớn nhất trên thế giới, hãng phát triển VXL không chỉ cho những máy Android, mà hàng loạt dòng máy từ các nền tảng khác như Windows Phone, BlackBerry OS. 

Ở mặt trận vi xử lý cho di động, Qualcomm hầu như thống lĩnh mọi phân khúc, từ một thiết bị giá rẻ sở hữu cấu hình thấp, cho đến máy tầm trung và cuối cùng là một sản phẩm cao cấp khoác lên mình thiết kế ấn tượng. Thế nhưng vì sao “ông lớn” Qualcomm cũng vẫn chỉ là “kẻ theo sau” Apple tính cho đến thời điểm hiện tại.

Apple bắt đầu phát triển dòng chip 64-bit vào năm 2013 cho mẫu máy iPhone 5s. Thời điểm đó, ít có ai ghi nhận những lợi ích của kiến trúc này cả. Các nhà sản xuất vẫn cho rằng, dòng chip 32-bit vẫn còn “xài ngon” được cho đến vài năm nữa.

Cũng vào năm đó, Qualcomm tạo được dấu ấn trong lòng người hâm mộ với dòng chip Snapdragon 800 32-bit. Hàng loạt các hãng lớn như HTC, Samsung, Sony, LG đều lấy đó làm chuẩn và áp dụng lên tất cả những thiết bị di động cao cấp của mình. 

So dòng chip 64-bit đầu tiên của Apple mang tên A7 với Snapdragon 800. Cả 2 đều ngang ngửa nhau về mặt hiệu năng và quả thật cấu trúc 64-bit trên iPhone 5s lúc này thật sự “thừa thải”, và có vẻ như không mang lại hiệu quả gì cho lắm. 

Qualcomm ra mắt VXL 64-bit ngay sau đó, nhưng "ông trùm" lại tiếp tục đi sai hướng!

Cuối năm 2013, Qualcomm mới tung ra dòng chip 64-bit cho smartphone, nhưng chỉ dừng ở dòng sản phẩm tầm trung (Snapdragon 410), không phải là VXL chủ lực của hãng. Đầu năm 2014, Qualcomm mang đến dòng chipset Snapdragon 801 và 805 tại triển lãm MWC, nhưng cả 2 chỉ là bản nâng cấp của Snapdragon 800 và rất tiếc là vẫn là chip 32-bit.

Tháng 9/2014, Apple tiếp tục tung ra bản nâng cấp lớn iPhone 6 và iPhone 6 Plus với bộ vi xử lý Apple A8. Rõ ràng, đây vẫn là con chip kế thừa A7, vẫn sử dụng kiến trúc 64-bit. Trong khi đó, Qualcomm vẫn còn “khinh thường” 64-bit, nhà sản xuất di động lớn nhất thế giới vẫn áp dụng kiến trúc 32-bit xưa cũ lên các dòng máy Android của hàng loạt nhà sản xuất di động lớn, nhỏ.

Thật ra, Qualcomm lúc này chỉ ưu tiên đến các thông số làm nên tên tuổi dòng chip đó, chẳng hạn như về xung nhịp xử lý, số nhân xử lý (càng cao càng tốt). Và đối thủ của Qualcomm lúc này là Mediatek, nhà sản xuất chip đến từ Trung Quốc mang đến cho thị trường di động những mẫu smartphone giá rẻ “giật mình” nhưng lại có đến 8 nhân xử lý.

Cuối năm 2014, Qualcomm tiếp tục trình làng Snapdragon 808 trang bị đến 6 nhân xử lý. Nhưng chẳng may, đây lại là con chip bị đánh giá thấp hơn so với Snapdragon 805. 

Qualcomm Snapdragon 808 nhanh chóng bị quên lãng và sự trở lại của phiên bản nâng cấp dòng chip Snapdragon 810 sử dụng cấu trúc 64-bit hứa hẹn gây náo loạn thị trường di động ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, Snapdragon 810 gặp trục trặc lớn hơn khi lỗi “nóng máy” liên tục xảy ra với các nhà sản xuất di động Android.

Trong tình thế hiện tại, Apple tiếp tục ra mắt con chip xử lý mới dành cho bộ đôi iPhone 6s và 6s Plus với hiệu năng vượt trội. Tất nhiên, Apple không “chạy đua” số nhân xử lý và cũng không gặp trục trặc với những vấn đề kĩ thuật xung quanh con chip của mình.

Sự ra mắt muộn màng của dòng chip 64-bit và những sai lầm lớn của Qualcomm khi gặp phải các vấn đề tản nhiệt di động đã khiến Qualcomm bị “thột” trước đối thủ lớn đến từ xứ Cupertino.

Và mãi cho đến thời điểm hiện tại, nền tảng 64-bit đối với chipset của Apple đã bỏ xa Qualcomm 2 năm công nghệ. Và bộ đôi iPhone 8 & 8 Plus sở hữu hiệu năng xuất chúng là lời đáp trả "thành thật" nhất của Apple dành cho Qualcomm.

Cấu trúc 64-bit thôi thì chưa đủ!

Qualcomm có quá nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất chip di động. Nhưng song hành cùng đó, hãng lại có quá nhiều vấn đề để khiến dòng chip đó khó thể nào phát huy hết sức mạnh với từng sản phẩm Android. Khi mỗi nhà sản xuất tuỳ biến hệ điều hành (giao diện, chức năng) theo mỗi cách khác nhau (ví dụ như Samsung có TouchWiz, Oppo có Color OS, Xiaomi có MIUI). Điều này đồng nghĩa với việc, hiệu năng cũng mỗi dòng máy Android cũng bị sụt giảm đi ít nhiều vì khả năng tương thích giữa phần cứng của Qualcomm và phần mềm từ phía nhà sản xuất di động. Thậm chí là khi các đối thủ của Apple đã cố gắng “chạy đua” hết sức mình về mặt phần cứng, có những dòng máy trang bị đến 6GB RAM, thậm chí là 8GB RAM. 

Riêng về iOS, Bộ vi xử lý Apple A7, A8, A9.. đều được phát triển để chỉ dành cho nền tảng iOS của Apple. Vì thế, Táo Khuyết tối ưu rất tốt giữa phần cứng và phần mềm. Đây là điều không thể chối cãi, khi tốc độ khởi động ứng dụng, hiệu ứng chuyển cảnh giữa các thiết bị iPhone so với Android đều có sự khác biệt rõ rệt về độ mượt mà, trơn tru, ổn định.

Chẳng đi đâu xa, hãy nhìn lại chiếc iPhone 6s trang bị VXL 2 nhân với 2GB RAM. Đủ sức đè bẹp hết tất cả các thiết bị Android trang bị đến 4GB RAM. 

Một số nhà sản xuất Android khác cũng đã có đường hướng chiến lược mới ngăn chặn sự thống trị của Apple. Như Huawei tự phát triển chip cho riêng mình với HiSilicon Kirin, Exynos đến từ Samsung. Nhưng thử hỏi, dòng chip “cây nhà lá vườn” của các hãng đó thậm chí còn không địch nổi Snapdragon của ông trùm Qualcomm chứ chưa nói đến dòng chip A-Series đến từ Táo Khuyết.

Tất nhiên, mỗi sản phẩm di động đều có những ưu nhược điểm riêng, và iPhone cũng thế. Nhưng nếu nói về mặt hiệu năng từ bao năm qua, bạn có bao giờ đặt câu hỏi vì sao iPhone luôn nhanh hơn máy Android, cả về các bài thử nghiệm thực tế, điểm benchmark, dù thông số của Android luôn đỉnh hơn về mọi thứ (xung nhịp VXL, số nhân VXL, số RAM).

Nguyên Khoa