Thủ thuật công nghệ

Ưu và nhược điểm điện thoại mang thương hiệu Trung Quốc

Ưu và nhược điểm điện thoại mang thương hiệu Trung Quốc

Ưu điểm

Phải công nhận rằng một điều, mặc dù bị mang tiếng “học hỏi” thiết kế từ các mẫu flagship đến từ các thương hiệu lớn, nhiều mẫu điện thoại Trung Quốc hiện nay đã có những điểm nhấn riêng, thậm chí đã tạo được sự đột phá trong làng công nghệ như Mi Mix và OPPO N1. Trong thời gian vừa qua, cả Huawei, Xiaomi và OPPO đều cho ra mắt những mẫu điện thoại có thiết kế kim loại nguyên khối nhìn đẹp mắt, cứng cáp với độ hoàn thiện khá cao.

Ngoài thiết kế đã hoàn thiện hơn, nhiều mẫu điện thoại Trung Quốc cũng đã trang bị cấu hình khá cao, chẳng hạn như: Xiaomi, Huawei và OnePlus. Điều đặc biệt, hầu hết điện thoại đến từ các thương hiệu như trên đều đã bán ra thị trường với mức giá rẻ hơn Sony, HTC, Samsung và Apple.

Đáng chú ý, Mi 6 sở hữu cấu hình mạnh gần như tương đương Galaxy S8 nhưng giá bán chỉ bằng khoảng một nửa. Tiếp theo, LeEco Le Pro 3 phiên bản trang bị vi xử lý Snapdragon 821, RAM 6GB, tích hợp nhiều tính năng cao cấp gần tương đương LG G6 nhưng giá bán cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng trở xuống.

Từ trước đến nay, mẫu điện thoại trung mang thương hiệu Xiaomi thường nổi bật với dung lượng pin khá lớn so với kích thước tổng thể của máy. Riêng về thương hiệu OPPO, những mẫu điện thoại thuộc phân khúc cận cao cấp của nhà sản xuất này cũng thường trang bị công nghệ sạc nhanh VOOC giúp cho thời gian sạc pin được rút ngắn rất nhiều. Ngoài ra, nhiều mẫu điện thoại Trung Quốc cũng đã trang bị camera kép cho khả năng chụp ảnh cũng khá ấn tượng.

Ngoài ra, phần lớn điện thoại Trung Quốc cũng đều hỗ trợ 2 khe cắm SIM phục vụ nhu cầu người dùng tốt hơn. Nếu như trước đây, chữ “2 SIM” thường bị gán mác cho dòng điện thoại rẻ tiền đến từ Trung Quốc thì điều này cũng đã dần bị thay đổi. Theo đó, một số mẫu điện thoại cao cấp đến từ thương hiệu Sony, Samsung, LG cũng đã trang bị 2 SIM, chẳng hạn Galaxy S8/S8+ áp dụng cho thị trường Việt Nam.

Nhược điểm

Nhằm tiết giảm chi phí tối đa cho điện thoại, một số nhà sản xuất có quy mô nhỏ bên Trung Quốc thường ít quan tâm đến việc nghiên cứu phát triển sản phẩm. Họ có thể sẽ chọn giải pháp làm nhái các mẫu flagship đang hot trên thị trường nhằm đáp ứng tiêu chí “nhanh – gọn – lẹ” để “an toàn” về vấn đề thiết kế đẹp đúng nhu cầu người dùng và chi phí đầu tư thấp nhất.

Thậm chí, các mẫu điện thoại Trung Quốc thường trang bị các dòng linh kiện giá rẻ và kém chất lượng. Vì ưu tiên vào linh kiện giá rẻ (nhờ bên cung ứng giảm giá mạnh), một số dòng điện thoại Trung Quốc trang bị cấu hình khá “lạ”, không hợp lý khi RAM có dung lượng quá thừa thải nhưng vi xử lý lại thuộc phiên bản quá cũ hoặc dòng chipset đã lạc hậu so với tổng thể phần cứng máy.

Về hệ điều hành Andorid nói chung, phần mềm nói riêng, phần lớn điện thoại Trung Quốc đến từ thương hiệu nhỏ gần như phó mặc cho Google và bên nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba. Những nhà sản xuất nhỏ bên Trung Quốc thường ít khi cập nhật fimware theo hình thức cải tiến, bổ sung tính năng cho điện thoại của họ khi bán ra thị trường một thời gian dài.

Thay vào đó, một số hãng sản xuất thường chỉ tung ra bản cập nhật chỉ để vá lỗi bảo mật nghiêm trọng, cải thiện độ ổn định hệ thống điện thoại do vài yếu tố xung đột hoặc không tương thích phần mềm và trò chơi Android. Một số mẫu điện thoại Trung Quốc, đặc biệt hàng xách tay có thể bị hạn chế về các dịch vụ Google, thậm chí chưa tích hợp sẵn kho ứng dụng Google Play.

Hiện nay, người dùng vẫn tỏ ra lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân khi các nguồn tin tức gần đây đã đưa ra vài trường hợp không mấy tốt đẹp về điện thoại Trung Quốc. Cụ thể, một số dòng điện thoại Trung Quốc đã cài phần mềm gián điệp nhằm thu thập thông tin, nghe lén và theo dõi người dùng.

Thống kê đến tháng 07/2016, G Data cho biết rằng đã có hơn khoảng 26 điện thoại Trung Quốc bị phát hiện cài sẵn phần mềm độc hại trước khi chính thức lên kệ tại các cửa hàng bán lẻ, bao gồm cả các thương hiệu đang có mặt tại Việt Nam như Lenovo, Huawei và Xiaomi.