Nhịp sống số

Trẻ em là mảnh đất màu mỡ để làm nội dung YouTube

Trẻ em là mảnh đất màu mỡ để làm nội dung YouTube

Ngày càng có nhiều kênh YouTube Việt khai thác, làm nội dung cho trẻ em. Mục đích chính của những người làm ra các kênh YouTube này vẫn là kinh doanh chứ không phải chú trọng phát triển giáo dục nhân cách của trẻ. Chính điều này nhiều khiến bậc phụ huynh thực sự cảm thấy lo lắng.

Trên thực tế, đã từng có trường hợp video tiêu đề ghi phim hoạt hình nhưng nội dung bên trong lại hoàn toàn không phù hợp. Thậm chí, còn kinh khủng hơn khi một số video dành cho thiếu nhi được nhận định là mang tính khiêu dâm, ảnh hưởng trầm trọng tới nhận thức và sự phát triển của trẻ.

Theo Socialblade, hiện có 10 kênh dành cho trẻ em trong số 50 kênh sở hữu subcriber lớn nhất Việt Nam. Tương ứng với số lượng theo dõi lớn này là doanh thu lên đến vài trăm triệu đồng/tháng mà ekip nhét vào túi mình chỉ riêng từ YouTube, chưa kể những nguồn thu quảng cáo khác. Những nguồn thu quảng cáo này có thể đến từ các thương hiệu đồ chơi, bánh kẹo,... - nhìn chung, hầu hết đều là đồ dùng, hàng hóa liên quan đến trẻ em.

Thơ Nguyễn - một trong những kênh YouTube dành cho trẻ em hiện đang sở hữu lượng theo dõi "khủng" (Ảnh: Internet)

Nhiều YouTuber cũng phải thừa nhận, việc sản xuất video trên YouTube cho trẻ em đang được xem là xu hướng bởi nó mang lại hiệu quả cao về mặt kinh doanh.

Chỉ xét riêng nội dung, bên cạnh những video bị đánh giá nhàm chán, phản cảm cũng có video hữu ích, mang tính giáo dục dù còn khá ít.

Trước đó, một kênh YouTube thuộc nhóm nhiều subcriber và lượt xem là Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life từng phải chịu phạt tiền vì nội dung phản cảm; hay mới đây nhất với trường hợp kênh Thơ Nguyễn (sở hữu lượng theo dõi "khủng") gây nhiều tranh cãi về một video hướng dẫn làm bồn tắm thạch nhưng chứa nhiều đoạn âm thanh... mang hơi hướng 18+.

Có hai luồng ý kiến gây tranh cãi: Một bên sau khi xem thì đưa ra nhận xét nội dung video chưa thật sự phù hợp. Bên còn lại phản biện, cho rằng người ta đưa ra kết luận dựa trên góc nhìn của mình thay vì đặt vào sở thích và góc nhìn của trẻ. Nội dung không hề dung tục, chỉ là họ (các YouTube) đang bị "soi" thái quá mà thôi.

Suy cho cùng, vẫn là sự quan tâm và giáo dục của chính phụ huynh nhằm thấu hiểu để bảo vệ trẻ trước bất cứ yếu tố ngoại cảnh nào.

Tất nhiên, bản thân những người làm nội dung cho thiếu nhi cũng nên nghiêm túc và thật sự có tâm trong mỗi video để vừa đạt được mục đích của mình song vẫn cần tạo dựng uy tín, niềm tin nơi các bậc làm cha mẹ.