Nhịp sống số

Thẻ công dân điện tử - nhiều lợi ích xã hội trong một mã số

Thẻ công dân điện tử - nhiều lợi ích xã hội trong một mã số

Mỗi người dân Việt Nam sẽ được cấp mã số một lần duy nhất trong đời ngay khi họ đăng ký khai sinh và đây cũng chính sẽ số chứng minh thư điện tử về sau.

Tại Mỹ, mỗi công dân đều có thẻ an sinh xã hội, lưu trữ đầy đủ thông tin về nhân thân của mỗi cá nhân. Khi đi xin việc, mở tài khoản ngân hàng..., họ chỉ cần khai báo số thẻ là cơ quan quản lý đã có thể nắm đầy đủ thông tin về người đó. Hiện Ấn Độ cũng đang triển khai cấp thẻ căn cước, hay còn gọi là chứng minh thư điện tử đa chức năng cho 1,2 tỷ dân để đảm bảo mọi người dân tiếp cận dễ dàng nhất các dịch vụ, phúc lợi xã hội.

Mong muốn phát hành thẻ công nhân điện tử đã được các cơ quan quản lý tại Việt Nam đề cập từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được triển khai do điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phải đồng bộ và hiện đại. Tuy nhiên, tại Diễn đàn cấp cao CNTT - TT Vietnam ICT Summit 2012 (được tổ chức ngày 26 và 27/6 tại Hà Nội), các chuyên gia khẳng định công nghệ đã đủ độ "chín" để dự án đồng bộ hóa dữ liệu công dân thành hiện thực.

"Trước đây, quá trình bổ sung thông tin vào thẻ gặp rất nhiều hạn chế. Nhưng hiện nay, với nền tảng mở, quá trình nhập thêm dữ liệu vào thẻ điện tử đã linh hoạt hơn. Chính phủ chỉ cần cấp cho người dân một chiếc thẻ chứa thông tin cơ bản, Về sau, các ngành bảo hiểm, y tế, thuế... có thể phát triển ứng dụng riêng và người dân nếu có nhu cầu sẽ tải về và cài vào thẻ của họ mà không đem nộp lại cho cơ quan liên quan để in dữ liệu vào", ông Lê Trường Thiên, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án PPP Tập đoàn FPT, chia sẻ.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an) cho hay quy trình cấp Chứng minh thư nhân dân hiện nay vốn được làm thủ công dẫn đến tình trạng trùng lặp, sai số lớn. Chẳng hạn, một người có tới 2-3 số chứng minh thư hoặc 2-3 người được cấp trùng số. Do đó, Bộ Công an và Bộ Thông tin truyền thông đang phối hợp với các địa phương để thúc đẩy dự án cấp mã số công dân và tiến tới phát hành thẻ công dân điện tử.

Mỗi công dân ngay từ khi sinh ra sẽ được cấp mã số công dân chứa các thông tin cá nhân như năm sinh, nơi sinh… Mã số này sẽ được sử dụng suốt đời, đồng thời sẽ là số ID của thẻ công dân điện tử về sau. ID này cũng là mã số trên các giấy tờ cá nhân khác như bằng lái xe, thẻ ngân hàng, thẻ hội viên câu lạc bộ, thẻ bảo hiểm hay hộ khẩu… và được dùng cho tất cả các hoạt động giao dịch của công dân với chính phủ và giữa công dân với nhau.

Giải thích lý do không cấp thẻ điện tử cho công dân ngay khi sinh ra, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho hay thẻ điện tử chứa các đặc điểm sinh trắc học như vân tay và phải tới độ tuổi nhất định (trên 12 tuổi), vân tay của con người mới hình thành ổn định để có thể lấy làm cơ sở nhận dạng. Thiếu tướng cũng chia sẻ thêm rằng dự án số định danh cá nhân sẽ được Bộ công an triển khai thí điểm tại một số quận ngay tháng 7/2012 để đánh giá hiệu quả trước khi mở rộng ra toàn quốc.

Các diễn giả bàn về thẻ công dân điện tử tại ICT Summit 2012.
Các diễn giả bàn về thẻ công dân điện tử tại ICT Summit 2012.

Số ID này giúp các cơ quan chức năng dễ dàng thu thập thông tin và quản lý công dân bao gồm tài sản, nhân thân, các khoản nợ ngân hàng... cũng như phục vụ cho việc điều tra dân số chính xác hơn. Trong khi đó, người dân cũng không còn gặp nhiều khó khăn trong việc điền thông tin, khớp giấy tờ mỗi khi thay đổi dịch vụ, chuyển công tác, rời địa bàn cư trú... nữa.

"Mỗi người trong chúng ta hiện phải nắm giữ quá nhiều giấy tờ từ Chứng minh thư nhân nhân, hộ khẩu cho tới thẻ ngân hàng, thẻ bảo hiểm y tế - xã hội, bằng cấp... nhưng vấn đề là mỗi thẻ lại chứa một mã số khác nhau. Khi một giấy tờ bị mất và được cấp lại, cơ quan quản lý thường cấp mã số mới khiến dữ liệu không khớp với các giấy tờ khác và gây phiền hà cho người dân", PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện trưởng Viện xã hội học, bày tỏ.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết nhiều quốc gia đang gặp rắc rối trong quá trình làm thẻ công dân điện tử. Chẳng hạn, Anh đề ra dự án thống nhất mã số thẻ để người dân giao dịch thuận tiện từ năm 2002. Tuy nhiên, sau 8 năm, đến 2010, dự án này thất bại vì nó tiêu tốn tới 4,5 tỷ bảng Anh. "Nhu cầu rất cao, rất cấp bách, nhưng không phải nói là làm được. CNTT chính là một trong những chìa khóa giúp giải quyết triệt để vấn đề này", vị Phó viện trưởng nhấn mạnh.

Trước lo ngại trên, ông Peter Choong, Giám đốc điều hành Pradotec (Malaysia), cho rằng tuy đây là việc thiết thực và quan trọng, Việt Nam cũng không nên nóng vội. "Chúng tôi thành công nhờ áp dụng chính sách vừa kéo vừa ép. Kéo ở đây là đưa ra những ưu đãi để lôi kéo người dân, như khi bạn dùng thẻ công dân điện tử, bạn sẽ được miễn phí cầu đường khi tham gia giao thông. Còn ép là đề ra các quy định buộc người dân phải tuân theo, như phải có mã số điện tử thì bạn mới có thể mở tài khoản ngân hàng, làm thẻ y tế... Malaysia đã phải mất tới 12 năm và Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm để rút ngắn thời gian, nhưng đây cũng không phải vấn đề diễn ra một sớm một chiều", ông Choong khẳng định.