Điện thoại

Tháng 8, làng công nghệ nóng hơn nắng hè

Tháng 8, làng công nghệ nóng hơn nắng hè
Xem ra cái nắng như thiêu như đốt của tháng cuối hè vẫn không đủ nhiệt so với những sự kiện công nghệ diễn ra trong tháng 8 vừa qua.
<>
Nóng từ đầu tháng
 
Ngay từ những ngày trung tuần tháng 8, giới công nghệ đã được một phen nổi lửa ngay sau khi một tòa án tại Đức đưa ra lệnh cấm sơ bộ đối với các sản phẩm Samsung Galaxy Tab 10.1" trên toàn phạm vi liên minh EU trừ Hà Lan theo những tranh chấp của hãng này trong đơn kiện Apple soạn thảo.

Theo phán quyết này, Samsung Galaxy Tab 10.1" sẽ ngưng bán ít nhất trong 4 tuần theo những quy định về luật pháp. Thêm vào đó, trước những đơn kiện dồn dập của Apple, giới quan chức cũng tỏ ra khá thận trọng trong các phán quyết bởi lẽ chỉ cần chậm hoặc nhanh một vài ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sản lượng và doanh thu trị giá hàng chục triệu EUR cho các đơn vị kinh doanh.



Tuy nhiên, đúng 1 tuần sau ngày đưa ra phán quyết, cũng chính tòa án Đức này đã dỡ bỏ lệnh cấm bán Galaxy Tab 10.1" tại châu Âu và chỉ giới hạn nó trong phạm vi nước Đức. Đây được xem là một động thái tích cực cũng như tạo điều kiện cho Samsung phản pháo, lật lại thế cờ trước đòn hiểm của Apple.

Sau sự kiện này, dường như vận đen vẫn bám đuổi Samsung khi cũng chỉ ít lâu sau, đến lượt Samsung Galaxy S II bị cấm bán tại một số nước châu Âu cũng bởi lý do tranh chấp theo đơn kiện của Apple. Lần này, không riêng gì siêu phẩm Galaxy S II bị cấm mà còn có Galaxy S, Ace cũng phải nằm trong kho trong lúc tòa án thụ lý các giải trình.



Sớm nhất cũng phải tới ngày 13/10 lệnh cấm mới được dỡ bỏ và trong thời gian này, các siêu di động của Samsung sẽ bị dỡ khỏi kệ tại các nước Hà Lan, Anh, Đức, Phần Lan, Ireland, Liechtenstein, Luxembourg, Monaco, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Bị dính đòn bất ngờ, không còn cách nào khác là Samsung nộp các giải trình của mình lên tòa án cũng như tìm ra các chứng cứ thuyết phục nhằm tạo một hành lang pháp lý cho các sản phẩm bán chạy của mình.


Ngoài ra, hãng điện tử Hàn Quốc này còn có sự trợ lực của một cộng đồng đông đảo khi liên tục các đơn kiện của Apple bị mổ xẻ và phân tích, cho thấy rằng có vẻ như Quả táo đã "nói quá" và làm giả các chứng cứ trong hồ sơ kiện nhằm gây bất lợi cho Samsung trước tòa án châu Âu.



Cuộc chiến xem ra sẽ còn kéo dài và nhất là khi theo phỏng đoán ngày iPhone mới ra mắt đang tới gần. Nếu không sớm có hành động chống trả từ Samsung thì e rằng chuỗi thành tích "doanh số triệu máy" của Galaxy S II sẽ sớm bị ngắt mạch để nhường chỗ cho siêu phẩm iPhone.

Ngoài vụ việc chiến tranh giữa Apple - Samsung đang cao độ, cộng đồng Android fan cũng được phen chao đảo khi thương vụ 12,5 tỷ USD của Google và Motorola Mobility thành hiện thực.



Một bên là đại gia phần mềm, nắm giữ chìa khóa Android, một bên là đại gia phần cứng với lịch sử là kẻ tiên phong trong lĩnh vực di động, cái bắt tay giữa Google và Motorola gây nhiều ì xèo và tranh cãi trên mọi phương diện từ các đối thủ cho tới cả người trong nhà.

Hầu hết những đối tác của Google trên lĩnh vực Android như HTC, Samsung đều cho rằng thương vụ này chẳng có gì bất lợi cho họ cũng như không tạo nên sự cạnh tranh gay gắt giữa nội bộ các nhà sản xuất di động Android.


Thế nhưng, đứng góc độ phân tích của Nokia, Microsoft thì lại cho thấy các đại gia trong liên minh Android cần phải dè chừng bởi việc làm chưa có tiền lệ của Google sẽ khiến nội bộ lục đục và làm phân mảnh sự vững chắc của những liên minh nhà sản xuất điện thoại Android do sự cạnh tranh từ chính các sản phẩm của Google-Motorola Phone.

Thương vụ Google-Motorola chưa hạ nhiệt thì ngay sau đó HP, nhà sản xuất máy tính cá nhân hàng đầu thế giới đưa ra đồng thời 2 tuyên bố gây sốc khi buông tay với webOS và sẽ bỏ mảng PC trong một tương lai gần.


Nếu như việc từ bỏ webOS và cắt giảm các đầu tư cho mảng di động của hãng vốn liên tục thua lỗ có thể dễ hiểu thì việc rời bỏ thị phần PC lại là một dấu chấm hỏi to đùng mà không ai có thể lý giải nổi.

Cách đây tròn 10 năm, HP thâu tóm Compaq để lên ngôi vương trên thị phần PC với cái giá bỏ ra 25 tỷ USD và rồi khi đang ở đỉnh cao, "ông lớn" này đột ngột rời bỏ thị phần để mặc cho người đời đồn đoán và các đối thủ xâu xé.

Trong lúc tranh cãi từ các thương vụ này còn đang nóng bỏng trên các diễn đàn công nghệ thì ngay lập tức thông tin CEO Apple - ngài Steve Jobs từ chức đã lại như đổ thêm dầu vào lửa.



Thực tế thì việc Steve Jobs rời bỏ Apple trong năm nay đã nằm trong phỏng đoán của nhiều chuyên gia, tuy nhiên sự rời bỏ của ông vào thời điểm cao trào của cuộc ganh đua trên lĩnh vực HĐH và thiết bị di động lại tạo nên một hoài nghi lớn.

Người thì quan ngại cho sức khỏe của Steve Jobs, người thì dò xét CEO mới Tim Cook về năng lực điều hành nhưng cũng có người không khỏi lo xa cho Apple trước một viễn cảnh thiếu đi bộ óc có một không hai.


Những phát ngôn gây sốc


Phát biểu của CEO Nokia Stephen Elop: "Các hãng sản xuất điện thoại Android sắp lâm nguy". Trả lời phỏng vấn khi được hỏi về thương vụ giữa Google-Motorola, vị Tổng giám đốc này cho biết ông "nhận thấy dấu hiệu nguy hiểm phía trước" đối với các hãng sản xuất di động Android như Samsung, HTC, Sony Ericsson khi "mẹ đẻ" của Android cũng đứng ra sản xuất thiết bị đầu cuối.

Phát biểu của CEO DELL, Michael Dell: "Ở HP họ gọi đó là một sự chia tách, nhưng đó phải gọi là li dị mới đúng"; "Nếu HP tách riêng bộ phận PC của mình... nên chăng họ sẽ gọi nó là Comqaq?" và "Bộ phận PC của HP tận lực 100% cho việc đổi sang một chủ sở hữu mới (mà chưa ai biết là ai), với một chiến lược cũng chưa ai biết nốt và trong một khung thời gian chưa hề xác định". Phát ngôn đầy mỉa mai của ngài Dell về việc HP tính tới chuyện rời bỏ thị trường PC. Tất nhiên, về phía HP cũng phản ứng lại đầy châm biếm: "Không nhanh thế đâu ngài Dell, chúng tôi vẫn là nhà sản xuất PC số một thế giới và 100% đội ngũ của chúng tôi vẫn đang còn hoạt động tốt".


Phát biểu của CEO Apple Tim Cook sau khi nhậm chức: "Apple sẽ vẫn là Apple". Một câu nói đơn giản của tân Tổng giám đốc nhằm trấn an nhân viên cũng như dằn mặt đối thủ rằng sự ra đi của Steve Jobs sẽ không ảnh hưởng đến đường lối hoạt động và tính cạnh tranh của đại gia này trên thương trường.

Phát biểu của Walt Mossberg, cây bút lâu năm của thời báo The Wall Street Journal: "Steve Jobs ra đi đã chấm dứt một "kỷ nguyên thần kỳ" của công nghệ". Cây bút lão làng này tỏ ý quan ngại trước việc CEO tài hoa Steve Jobs ra đi bởi những thành tựu công nghệ của ông suốt 14 năm tại vị là một điều chưa ai làm nổi.