Laptop

Điện thoại thông minh - Thuốc lá của thế kỷ tiếp theo

Điện thoại thông minh - Thuốc lá của thế kỷ tiếp theo

“Nếu bạn giống tôi, bạn sẽ là một người cảm thấy bình thường khi ra khỏi nhà mà không mang theo ví, nhưng lại thấy thiếu vắng nếu không có điện thoại."

Anh: một quốc gia "nghiện" smartphone

Báo cáo thị trường truyền thông tại Anh vừa được công bố bởi Ofcom đã cho chúng ta hình dung rõ hơn về cuộc cách mạng của điện thoại thông minh. Theo đó cho thấy 37% người lớn và 60% thanh thiếu niên thừa nhận họ đang “nghiện” chiếc điện thoại thông minh mà mình sở hữu; 81% người dùng điện thoại thông minh thực hiện cuộc gọi hàng ngày so với 53% ở người dùng điện thoại thông thường; 23% thanh thiếu niên xem TV ít hơn và 15% thừa nhận đọc ít sách hơn như là một kết quả của việc sử dụng điện thoại thông minh. Tệ hơn, ngay phép giao tiếp hàng ngày cũng bị ảnh hưởng khi 51% người lớn và 65% thanh thiếu niên nói rằng họ đã sử dụng điện thoại thông minh của họ trong khi giao tiếp với những người khác. Tương tự, 23% người lớn và 34% thanh thiếu niên đã sử dụng điện thoại thông minh của họ trong giờ ăn.

Mỹ: Điện thoại là một phần của cuộc sống

Một cuộc khảo sát bởi hãng phát triển ứng dụng TeleNav đã cho thấy người Mỹ sẵn sàng từ bỏ một số thói quen sống của họ để tập trung cho việc sử dụng điện thoại di động. Thật không ngạc nhiên khi người dùng điện thoại thông minh gắn bó với thiết bị của họ hơn là người dùng thông thường. 1/3 số người được hỏi cho biết sẽ từ bỏ tình dục trong 1 tuần hơn là từ bỏ điện thoại. 54% số người sẽ không tập thể dục trong 1 tuần hơn là không dùng điện thoại. Không chỉ có từ bỏ tập thể dục, nhiều người còn sẵn sàng từ bỏ nhiều thứ khác nữa như cà phê (55%), sô cô la (63%) hay rượu (70%) khi phải so sánh với việc từ bỏ điện thoại. 66% số người sử dụng điện thoại thông minh nói rằng họ ngủ với điện thoại để ở bên cạnh mình.

Việt Nam: Hơn 60% người dùng ĐTDĐ để vào Internet

Theo một kết quả nghiên cứu lần thứ 3 của Kantar Media Việt Nam và Yahoo!, tỉ lệ truy cập Internet bằng ĐTDĐ tăng mạnh ở các thành phố lớn và đối tượng người dùng ngày càng trẻ hóa dần. Theo đó, hơn 60% người dùng tại TP. Cần Thơ ở độ tuổi 25 sử dụng ĐTDĐ để truy cập Internet. Tại TP.Đà nẵng hơn 46 % người dùng trẻ có độ tuổi trung bình 26 sử dụng ĐTDĐ để vào mạng. Tại TP.HCM và TP.Hà Nội con số sử dụng lại ít hơn Cần Thơ và đà Nẵng, lần lượt 34 % người dùng có độ tuổi 21 sử dụng ĐTDĐ vào mạng tại TP. HCM và Hà Nội chỉ 14% trong độ tuổi từ 21 trở lên.

Cũng theo báo cáo của Kantar Media cho thấy, người sử dụng Internet ở độ tuổi 15 - 24 quan tâm chủ yếu đến các nội dung giải trí như game trực tuyến chiếm 38 %, nhạc trong nước (57%), và thể thao (39%). đặc biệt giới trẻ quan tâm đến mạng xã hội tăng nhanh từ 41% năm 2010 lên 55 % trong nửa đầu năm 2011, có đến 52 % sử dụng Internet để truy cập vào mạng xã hội, 45% người lên Internet để xem các đoạn video và hình ảnh thú vị trên mạng.

Lợi ích kinh doanh từ việc "nghiện"

Trong cuộc khảo sát của Ofcom, 30% số người sử dụng điện thoại thông minh nói rằng họ thực hiện các cuộc gọi điện cá nhân trong giờ làm việc. Tuy nhiên họ cũng sử dụng điện thoại cho các cuộc gọi công việc trong khi đi nghỉ. 70% nói rằng đã từng làm như vậy và 24% thừa nhận làm như vậy thường xuyên. Rõ ràng năng suất làm việc đã tăng lên như một phần kết quả của việc nghiện điện thoại. Nhưng cái gì cũng có giá của nó, vẫn theo Ofcom, khi dành quá nhiều thời gian cho điện thoại: “đại đa số người dùng điện thoại thông minh (81%) luôn luôn bật điện thoại kể cả khi ngủ. Bên cạnh đó 38% số người lớn và 40% thanh thiếu niên thừa nhận sử dụng điện thoại thông minh ngay sau khi chúng đánh thức họ, trong cả lúc làm việc khác như ăn, tắm,... (như đã đề cập ở trên)”.

Điện thoại thông minh bắt đầu ảnh hưởng đến hành vi xã hội

Kết quả khảo sát là thực, các con số là thực nhưng chúng ta sẽ không biết cách chúng tác động như thế nào lên con người, theo chiều hướng xấu hay tốt. Liệu bạn có sợ vi khuẩn ecoli đã theo bạn từ nhà tắm ra bàn ăn thông qua chiếc điện thoại? Liệu bạn có trách một thanh niên khi nhắn tin với bố mẹ trong lúc nói chuyện với bạn bè? Liệu bạn có nghĩ trẻ em tiếp cận với điện thoại thông minh sớm thông qua những tin nhắn hay email từ bố mẹ chúng (thay cho việc nói chuyện trực tiếp) là tốt? Chẳng một ai có thể đưa ra kết luận được.

Nhưng chúng ta biết một điều khác, xu hướng “nghiện” điện thoại thông minh đã khiến người tiêu dùng chi nhiều tiền và thời gian hơn trên các thiết bị của họ. Về cơ bản điều này sẽ tạo ra nguồn doanh thu lớn cho các nhà mạng và mở rộng ra toàn bộ hệ sinh thái di động xung quanh.

Hơn cả điện thoại thông minh, đó là Internet

Truyền thông truyền thống ngày càng bị đẩy lùi với 23% (Radio) và báo giấy (40%), thay vào đó phương tiện truyền thông bằng Internet được phổ biến nhất tại Việt Nam chiếm 42% - Khảo sát của tập đoàn Kantar Media Việt Nam. “Nghiện” điện thoại thông minh chỉ là một ví dụ về sự lây lan của băng thông rộng vào cuộc sống hàng ngày. Cuộc khảo sát của Ofcom không tập trung cho rằng sự thay đổi trong cách sử dụng điện thoại là tốt, nhưng nó nói lên những điều sâu sắc và phổ biến hơn. Những thiết bị kết nối bằng thông rộng sẽ thay đổi cách giao tiếp và yêu cầu chúng ta thích nghi theo hướng mà có thể gây hại trong một số trường hợp nhưng cũng có thể đem lại lợi ích trong các trường hợp khác.

Vì vậy thay vì sử dụng những từ như “nghiện” và nhấn mạnh bao nhiêu thời gian mọi người đã bỏ ra dành cho điện thoại thông minh, tốt hơn là tập trung cải thiện mạng băng thông rộng - giống như điện đã thay đổi cách chúng ta sống và xây dựng việc kinh doanh. Với điện, nhiều ngành công nghiệp mới ra đời và đóng vai trò không thể thay thế trong đời sống. Những công nghệ như mạng băng thông rộng cần có được một cái nhìn đầy đủ và nhiều chiều. Còn nếu bạn vẫn cho rằng chúng ta đang “nghiện” điện thoại thông minh, hãy chuẩn bị đón nhận một kỷ nguyên mới với những cơ hội mới và sự dịch chuyển trong cách cư xử.

Tất cả mới chỉ bắt đầu.

Theo Khám Phá Mobile Review số 59