Doanh nghiệp

Sự suy tàn của đế chế Sony: Cần gì để trở lại? (Kì 2)

Sự suy tàn của đế chế Sony: Cần gì để trở lại? (Kì 2)

Là một công ty lớn trên thế giới, thương hiệu Sony hiện diện ở nhiều mảng sản phẩm khác nhau trên thị trường như tivi, smartphone, tablet, thiết bị chơi game, thậm chí tập đoàn còn sở hữu một hãng làm phim hay âm nhạc nữa. Chính vì vậy, còn nhiều yếu tố sẽ có thể giúp Sony thu lợi nhuận và trở lại một cách ngoạn mục trong năm mới này.

Thiết bị chơi game của Sony gần như không có đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Internet

PlayStation và đế chế riêng của Sony

Trong năm 2014 vừa qua, nếu ở mảng di động Sony lỗ nặng thì ở một phân khúc không ai ngờ tới chính là PlayStation đã đem về lợi nhuận cho Sony, bên cạnh dịch vụ mạng và game.

Trên thực tế, mức lợi nhuận trên chưa “thấm” vào đâu so với số tiền Sony bị lỗ ở mảng di động là 1,6 tỷ USD. Song, việc đạt lợi nhuận ở PlayStation là một điều gây bất ngờ bởi lẽ thiết bị này không đình đám như những Xperia, Alpha,… Nhưng nếu nhìn nhận một cách toàn diện thì PlayStation không có quá nhiều đối thủ cạnh tranh như Sony Xperia hay Sony Alpha đang phải đối mặt.

Hơn nữa, cho dù hiện nay các nhà đầu tư, nhà sản xuất đang có xu hướng chuyển dần sang mảng di động và có thể, ngành game cũng như vậy. Song, các thiết bị chơi game chuyên dụng như PlayStation, xBox,… vẫn có chỗ đứng của nó bởi người dùng không phải ai cũng thích sử dụng smartphone hay tablet để chơi game. Ngoài ra, game mobile vẫn chưa đáp ứng được ở mặt đồ hoạ cũng như chất lượng. Vì vậy, nếu thực sự đầu tư vào PlayStation, lợi nhuận sẽ tiếp tục đến với Sony.

Xperia được đầu tư mạnh nhưng không thu được lợi nhuận như mong đợi. Ảnh: Android Central

Cân bằng giữa các mảng kinh doanh

Thật đáng tiếc khi phải nói rằng mặc dù thương hiệu Xperia được đầu tư mạnh mẽ để dành lại thị phần nhưng lại thất bại và trở thành gánh nặng cũng như bài toán “cân não” của Sony lúc này.  Bên cạnh đó, tương tự như PlayStation, những thiết bị mang tính truyền thống của Sony ở mảng giải trí gia đình và loa, cụ thể hơn là tivi, các thiết bị âm thanh và giải trí tại gia vốn được tín dụng trên thị trường lại đem về lợi nhuận.

Theo số liệu cụ thể, vào những tháng cuối cùng của năm 2014, mảng giải trí gia đình và âm thanh cùng với mảng dịch vụ và game (bao gồm PlayStation) đã đem về tổng doanh thu 5,4 tỉ USD, trong đó lợi nhuận là khoảng 273 triệu USD. Một mảng kinh doanh khác là cung cấp dụng cụ như thiết bị bán dẫn, pin, máy ghi âm,… cũng đem lại lợi nhuận 271 triệu USD.

Có thể thấy rằng ở những mảng mà người tiêu dùng không thực sự  hoặc ít quan tâm đến lại chính là nguồn mang lại lợi nhuận cho tập đoàn đang sa cơ lỡ vận này. Nói đi cũng phải nói lại, Sony không thể sống bằng cách tập trung vào những mảng kinh doanh không mấy nổi bật vì chúng đem về lợi nhuận và ngược lại. Sẽ là một bài toán nan giải cho hãng này để làm thế nào cân bằng giữa các mảng kinh doanh. Tất nhiên, vẫn sẽ có mảng đem lại lợi nhuận và có mảng trở thành gắng nặng của tập đoàn này. Cân hoà giữa hai yếu tố là điều Sony cần làm nhất lúc này thay vì tập trung quá nhiều vào một mảng kinh doanh không mấy khả quan hay chưa đạt đủ độ “chín”.

The Interview bị hack nhưng không ảnh hưởng tới doanh thu. Ảnh: Internet

Sony Music Entertainment và Sony Pictures Entertainment?

Hai bộ phận này gần như tách biệt hoàn toàn với các mảng kinh doanh thiết bị công nghệ của Sony. Thay vì tạo ra các sản phẩm hữu hình thì vai trò chính của Sony Pictures và Sony Music lại làm phim, âm nhạc và khá mạnh trong hai lĩnh vực này. Gần đây nhất, bộ phim “The Interview” của Sony Pictures bị hack và tung tán lên khắp các trang mạng. Tưởng chừng như mọi công sức đổ sông, đổ biển vì sẽ không có ai chịu bỏ tiền ra để xem bộ phim này thì chỉ sau 4 ngày ra mắt nó đã đem về 15 triệu USD cho Sony, tiếp đến là 31 triệu USD sau 2 tuần kế tiếp.

Doanh thu đem về thấp hơn so với kì vọng nhưng vì gặp phải một sự cố ngoài ý muốn nên đây vẫn có thể gọi là thành công của Sony. Thực tế, Sony Pictures vẫn đang đủ khả năng để làm phim bom tấn và các siêu phẩm điện ảnh. Bên cạnh đó, Sony Music thì lại có một lượng  sao “gà nhà” được rất nhiều người hâm mộ trên thế giới. Nhìn chung, cả hai đều đang có lợi thế ổn định, dễ kiếm được lợi nhuận, ít bị tổn thất về mặt tài chính nhất trong các mảng kinh doanh mà Sony đang điều hành.

KẾT LUẬN

Đã 2 tháng trôi qua của năm 2015, chúng ta mới chỉ biết về sự ra mắt của Sony Xperia E4 và E4g, Z4 Tablet và M4 Aqua. Theo một số nguồn tin không chính, Sony sẽ cho ra đời tới 10 mẫu smartphone chỉ trong năm nay. Điều này chứng tỏ động thái không từ bỏ mảng di động của hãng.

Như đã nói ở cả hai kì, việc Sony cần bây giờ có lẽ chỉ là lắng nghe người dùng, tập trung cân bằng giữa các mảng đem lại lợi nhuận và các mảng đang làm ăn thua lỗ một cách trung hoà nhất. Yếu tố người dùng là rất cần thiết nếu hãng này thực sự muốn trở lại. Năm 2015 vẫn còn dài và hi vọng với những sự thay đổi mạnh mẽ, Sony sẽ trở lại một cách đầy ngoạn mục.