Doanh nghiệp

Samsung quyết “cãi cùn” về nghi án hack benchmark

Samsung quyết “cãi cùn” về nghi án hack benchmark

Samsung vẫn chưa chịu cúi đầu nhận tội trước các bằng chứng xác đáng được đưa ra.

Mấy ngày hôm nay, bê bối lớn nhất đang được báo giới công nghệ tập trung là việc Samsung (và nhiều nhà sản xuất khác) cố tình gian lận nhằm tạo lợi thế trong các trình chấm điểm benchmark trên các thiết bị di động của mình.

Không chỉ Samsung, nhiều nhà sản xuất lớn cũng "nhúng chàm"

Cụ thể, họ lập một cơ sở dữ liệu các trình benchmark phổ biến. Khi máy chạy các trình benchmark này, chúng sẽ ngay lập tức “ép” bộ xử lý hoạt động ở công suất tối đa nhằm đạt điểm số cao nhất có thể, không theo quy chuẩn của các thiết bị di động.

Việc làm của Samsung quá lộ liễu và bị phát giác đầu tiên

Là kẻ bị “phanh phui” đầu tiên, Samsung cũng nhanh chóng đưa ra những phản hồi, nhưng lý lẽ họ đưa ra không đủ để thuyết phục được các chuyên gia và người dùng.

Dưới đây là toàn văn thông cáo của Samsung:

"Galaxy Note 3 có tần số CPU /GPU tối đa khi chạy các tính năng đòi hỏi hiệu suất hoạt động cao. Đây không phải là một nỗ lực để phóng đại kết quả điểm chuẩn cụ thể. Chúng tôi cam kết cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm người dùng tốt nhất có thể".

Vâng, vẫn lại là lý lẽ “vì trải nghiệm người dùng tốt nhất có thể”. Có vẻ Samsung đang muốn “hét lên” với từng khách hàng của mình: “Tôi làm thế chỉ vì các ông, các bà, xin cứ trả tiền mua máy, ngậm miệng và bịt tai lại”.

Lý lẽ đưa ra lần này của Samsung chẳng khác gì đối với S4, nghe đã nhàm tai

Lại một lần, cái lý lẽ: hoạt động của CPU/GPU được gia tăng tối đa khi sử dụng các ứng dụng đòi hỏi nhiều hiệu năng, chứ không phải chỉ các trình benchmark được đưa ra.

Nhưng lý lẽ này đã được bác bỏ hoàn toàn thậm chí từ trước khi Samsung đưa ra lời giải thích. Theo các kiểm nghiệm của Anandtech hay Ars Technica đưa ra, chỉ cần đổi tên phần mềm benchmark 1 chút, là ngay lập tức các kết quả sẽ trở về hoàn toàn bình thường. Đoạn mã được “show” ra cũng chỉ rõ, việc tăng tốc GPU/CPU chỉ có tác dụng với các trình benchmark có “tên tuổi” như Quadrant, Geekbench, Linpack,... Một việc làm quá "thô thiển" như thế này chẳng thể được giải thích bởi lý lẽ thiếu thuyết phục như vậy.

Đoạn code "tố cáo" Samsung

Xem ra, lần giải thích này của Samsung chẳng thể đem lại hiệu quả như với chiếc Galaxy S4, bởi công chúng đã hiểu rõ những tiểu xảo cũng như đã phát ngán việc giải thích “sặc mùi” ngụy biện của nhà sản xuất.

Đọc thêm: Bê bối “dàn xếp” điểm số benchmark: Sam ơi, đừng sợ!

Thanh Hải