Nhịp sống số

Quy trình xác ướp - Từ cổ đại cho đến ngày nay

Quy trình xác ướp - Từ cổ đại cho đến ngày nay
Nhắc đến Ai Cập, ngoài Kim Tự Tháp, thứ mà nhiều người trong chúng ta nhớ đến nhất là xác ướp. Hình ảnh những xác chết, quấn đầy vải, di chuyển nặng nề và đầy nguy hiểm quá quen thuộc với chúng ta thông qua phim ảnh, truyện tranh, hoạt hình... Nổi tiếng nhất với người Việt có lẽ là series Xác Ướp Ai Cập.
 
Trong suy nghĩ của nhiều người, Xác ướp chỉ có mặt ở Ai Cập và họ chỉ cần quấn một lớp băng trắng dày xung quanh một cái xác là xong. Tuy nhiên, thật tế có rất nhiều dân tộc trên thế giới của khả năng và công nghệ ướp xác. Bạn có bao giờ thắc mắc những xác ướp được tạo ra như thế nào? Vì sao người ta lại ướp xác hay chưa? Và liệu, ngày nay, công nghệ ướp xác có còn tồn tại hay không? Nếu có, nó có khác biệt gì so với công nghệ trước đây? Tất cả các bạn có thể tìm hiểu ngay sau đây.
 
Xác ướp là gì?
 
Xác ướp là cách gọi chung những xác người hay động vật được bảo quản (có chủ đích hay không có chủ đích) nhằm làm chậm hoặc dừng quá trình phân hủy với mục đích cuối cùng là giữ xác chết tồn tại lâu nhất có thể. Với mỗi nền văn hóa khác nhau, xác ướp có những mục đích về nghi lễ và tôn giáo khác nhau.
 

 
Xác ướp, khác với suy nghĩ của nhiều người xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới không chỉ ở Ai Cập. Tính đến nay, rất nhiều nước trên thế giới đã phát hiện ra xác ướp (do con người chủ đích tạo ra). NGoài Ai Cập, chúng ta còn có Trung Quốc, Siberia, Italy, Séc, Đan Mạch,  Mexico... đã phát hiện ra nhiều xác ướp. Tại Việt Nam, đến thời điểm này còn 2 xác ướp từ xa xưa là của thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.
 
Xác ướp Ai Cập
 
Người Ai Cập quan niệm thể xác là nơi trú ngụ của linh hồn, điều này không thay đổi ngay cả khi người đó đã chết. Thực tế, việc ướp xác đối với người Ai Cập là một nghi lễ thiêng liêng. Theo các nhà sử học, người Ai Cập tin tưởng tuyệt đối vào sự bất tử của linh hồn, họ tin rằng linh hồn sẽ không rời bỏ thể xác một khi "ngôi nhà" này còn nguyên vẹn. Ướp xác là cách để giữ gìn thể xác để linh hồn người đó quay lại sau khi hoàn thành "vòng tuần hoàn của tự nhiên", vòng tuần hoàn này, theo quan niệm của người Ai Cập (hoặc ít nhất chúng ta tin tưởng như vậy) kéo dài 3000 năm. Một khi linh hồn đã quay về thể xác sau khi vòng tuần hoàn này, người đó sẽ trở thành bất tử và sở hữu sức mạnh vô địch.
 

 
Bên cạnh những nguyên nhân về tôn giáo, những nguyên nhân khác về khí hậu và thời tiết bắt buộc người Ai Cập phải ướp xác. Người Ai Cập khi đó hiểu rằng họ không thể chôn người chết ở thung lũng và đồng bằng sông Nile - nơi vốn bị ngập nặng theo chu kỳ hàng năm, những đợt ngập này mang lại phù sa và điều kiện phát triển cho nông nghiệp nhưng sẽ là thảm họa nếu như người Ai Cập chôn xác người chết tại đây. Ngoài ra, khí hậu nóng khô bậc nhất thế giới của những sa mạc tại Ai Cập tạo điều kiện thuận lợi cho người Ai Cập tạo thành những xác ướp tự nhiên và đơn giản.
 
Quy trình ướp xác diễn ra như thế nào?
 
Vào thời kỳ đầu, khi mà nền văn hóa của Ai Cập còn chưa hình thành, đất nước này đã có những xác ướp tự nhiên (chúng tôi sẽ đề cập đến ở phần sau cùng của bài viết này). Nhưng tất nhiên, những xác này không đại diện và tiêu biểu cho công nghệ ướp xác của người Ai Cập.
 
Những xác ướp nổi tiếng nhất, hoàn hảo nhất và thể hiện rõ ràng nhất cho công nghệ ướp xác của người Ai Cập là những xác ướp của các Pharaon - vị vua tối cao của họ. Quá trình tạo thành những xác ướp này thể hiện một trình độ cao về giải phẫu cơ thể người của người Ai Cập cổ. Quá trình ướp xác là một quá trình thiêng liêng nên không có ghi chép chính xác nào từ những người trực tiếp tham gia mà chỉ có của những người quan sát. Để hoàn thành 1 xác ướp, trung bình, người Ai Cập mất khoảng 70 ngày.
 
Sau khi qua đời, ngay lập tức, xác của Pharaon được chuyển đến Kim tự tháp - lăng mộ vĩ đại mà chính họ là người ra lệnh bắt đầu xây dựng. Tại đây, xác của những vị vua này sẽ được rửa sạch bằng rượu và nước từ sông Nile trước khi thực sự bước vào quá trình ướp xác.
 

 
Đầu tiên, nhóm ướp xác sẽ lấy những cơ quan nội tạng - những bộ phận thối rữa nhanh nhất ra khỏi cơ thể. Việc này đồng thời cũng ngăn quá trình phân hủy từ bên trong của xác chết. Để lấy não, người Ai Cập đập vỡ một phần của sống mũi, sử dụng một chiếc móc đặc biệt luồn vào để lấy não ra. Thực tế, việc làm này thực chết là phá hỏng cấu trúc của não và đưa nó ra dưới dạng lỏng. Phần não này sau đó bị bỏ đi. Với các cơ quan nội tạng, người Ai Cập rạch một đường bên phía sườn trái. Duy nhất một cơ quan nội tạng được giữ lại là trái tim. Người Ai Cập cho rằng đây là trung tâm của suy nghĩ và cảm xúc, vì vậy, họ không lấy nó ra khỏi cơ thể người chết. Sau đó, các phần nội tạng này được đặt trông 4 chiếc bình và chôn cùng người chết bởi người Ai Cập cho rằng, sau khi chết, con người vẫn cần đến nội tạng.
 

 
Sau đó, xác chết được rửa sạch bằng rượu cọ, loại rượu có nồng độ còn rất cao nhằm sát khuẩn trước khi xác chết được vùi trong natron (một loại muối có tính hút ẩm cao). Natron còn được nhét cả vào trong xác thông qua đường rạch nhằm làm khô cả phần bên trong. Sau đó, xác chết sẽ khô đi nhưng vẫn giữ được hình hài.
 
Cuối cùng, xác chết được bọc lại bằng nhiều lớp vải lạnh, quá trình bọc này cực kỳ phức tạp và ngốn nhiều tuần của đội làm xác ướp. Đầu tiên, phần đầu và cổ của xác được bọc lại cẩn thận và tách riêng với các phần khác, các ngón tay, ngón chân cũng được quấn riêng. Cuối cùng, toàn bộ phần thân được quấn chặt bằng nhiều lớp vải lanh dày.
 
Xác ướp sau đó được bảo quản trong môi trường khô với nhiệt độ thích hợp. Các xác ướp Pharaon còn được trang trí bằng mặt nạ vàng và đặt trong một quan tài có 3 lớp và yên nghỉ trong các kim tự tháp, những công trình mà người Ai Cập cho rằng sẽ trường tồn vĩnh viễn với thời gian.
 

 
Ngoài các xác ướp Pharaon được thực hiện một cách hết sức tỉ mỷ, chi tiết, những xác ướp bình dân cũng hết sức phổ biến trong xã hội Ai Cập xưa. Những xác ướp "bình dân" chỉ được xử lý sơ qua, tận dụng điều kiện tự nhiên: nóng ẩm khô và chỉ được chôn trong sa mạc hoặc cạnh các lăng mộ lớn.
 
Xác ướp Trung Quốc
 
Bên cạnh Ai Cập, Trung Quốc cổ đại là một trong những nền văn hóa có công nghệ giải phẫu người và đặc biệt là bảo quản xác chết. Thực tế, cho đến nay, người ta đã phát hiện rất nhiều xác ướp, một vài trong số chúng còn khá nguyên vẹn tại quốc gia này. Tuy không hoàn hảo và cho kết quả tuyệt vời như ở Ai Cập (do sự khác biệt về khí hậu) nhưng xác ướp của Trung Quốc cũng có những đặc điểm khá nổi bật.
 
Về căn bản, do có quá nhiều dân tộc cũng như nền văn hóa đồng thời trải qua nhiều sự thay đổi về văn hóa, xác ướp Trung Quốc cũng cực kỳ đa dạng về phương pháp tạo ra. Tiêu biểu nhất, các xác ướp Trung Quốc được quấn băng trắng, đặt trong quan tài bằng đá và tận dụng các loại thảo mộc làm nguyên liệu để ướp xác. Không giống như xác ướp Ai Cập, chúng ta chưa có nhiều thông tin chính xác về cách họ sử dụng để bảo quản xác chết.
 
Xác ướp hiện đại
 
Quá trình ướp xác hiện đại nổi tiếng nhất là công nghệ ướp xác của Liên Xô. Công nghệ này cho đến nay vẫn đang được sử dụng nhằm bảo quản thi thể của một vài lãnh tụ trên thế giới.
 
Quy trình ướp xác theo công nghệ này bắt đầu bằng việc loại bỏ hoàn toàn máu, hủy toàn bộ tĩnh mạch trong cơ thể người chết. Toàn bộ máu sẽ phải được loại khỏi tất cả các mô của cơ thể nhằm tránh việc nó hỗ trợ cho quá trình phân hủy.
 

 
Sau đó, khác với các ướp xác của người Ai Cập cổ đại,  xác chết sẽ được ngâm trong một bể dung dịch đặc biệt trong khoảng thời gian 6 tháng trong những điều kiện nghiêm ngặt về nhiệt độ, áp suất... Trong thời gian này, hóa chất trong bể chứa sẽ dần thay thế hoàn toàn nước trong cơ thể, dung dịch này giúp ngăn quá trình phân hủy đồng thời giữ được cả màu da và hình dáng của xác chết. Thành phần của dung dịch này được coi là bí mật quốc gia của liên bang Xô Viết và giờ là nước nga.
 
Quá trình ướp xác theo phương pháp này yêu cầu việc bảo trì diễn ra liên tục hàng năm. Hàng năm, những xác ướp theo công nghệ này phải được xử lý tiếp tục trong dung dịch kể trên hàng nằm đồng thời phải được bảo quản trong môi trường tuyệt đối vô khuẩn và đảm bảo những điều kiện khắt khe về nhiệt độ nhằm giữ được lâu.
 
Xác ướp tự nhiên
 
Không thuộc về khoa học, trong lịch sử, con người cũng đã phát hiện ra nhiều xác ướp tự nhiên tồn tại nhờ vào những điều kiện nhiệt độ của môi trường như khí hậu nóng khô đặc trưng của sa mạc Ai Cập hay nhiệt độ cực thấp tại các vùng cực. Các xác ướp này thậm chí còn tốt hơn xác ướp Ai Cập, chúng bảo toàn gần như mọi thông tin cần thiết về di truyền, hình dáng của sinh vật đó lúc chết. Thực tế, xác ướp lâu đời nhất mà con người có được là một xác ướp tự nhiên. Xác ướp này dự đoán có niên đại khoảng trên dưới 6000 năm. Ngoài ra, loài voi ma mút cũng có cơ hội được khôi phục nhờ những "xác ướp" này.
 
 
Tham khảo PBS, Wiki, newsinfo