Điện thoại

Phải làm gì khi hóa đơn điện thoại tháng tăng vọt

Phải làm gì khi hóa đơn điện thoại tháng tăng vọt

Trong tuần vừa qua, có một số độc giả đã điện thoại đến Tòa soạn Tạp chí XHTT để phản ánh về vấn đề tiền cước hóa đơn điện thoại di động tháng của một số nhà mạng  bỗng nhiên  tăng vọt mà không có nguyên nhân rõ ràng. Hiện tượng này xảy ra tập trung nhiều nhất nhóm khách hàng thuê bao trả sau trong khi phía nhóm thuê bao trả trước cũng có một vài độc giả phản ánh nhưng chi tiết không thực sự cụ thể. Nhóm phóng viên chúng tôi đã nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu nội dung của vấn đề.

 


 

 



Miễn phí… có tính tiền


 

 

 



Trong quá khứ, có nhà mạng từng nhiều lần bị khách hàng phàn nàn khi tính lẫn lộn cước cho khách hàng:  như tính cước 3G khi khách hàng truy cập internet bằng dịch vụ 2G, một thời gian sau – Nhà mạng này hủy bỏ bảng cước 2G. Lại có nhà mạng thông báo đổi chính sách cước 3G, nhiều khách hàng trở thành nạn nhân với số tiền thanh toán cước lên tới vài chục triệu đồng. Và nhiều khách hàng phản ánh về việc áp dùng các dịch vụ miễn phí… có tính tiền.

 

“Hàng tháng, tiền cước di động của tôi thường nằm trong một mức khá đồng đều nhưng đợt vừa rồi, cước phí đã tăng vọt lên mức không thể tưởng tượng với tổng giá trị là 809.000 đồng trong đó cước của dịch vụ giá trị gia tăng là 512.000 đồng”, anh Lê Văn Trường, một độc giả của Tạp chí XHTT ở Quận 5, TP. HCM phản ánh, “tôi không hiểu nguyên nhân xảy ra từ đâu trong khi tôi không phải là người mới bắt đầu dùng điện thoại”. Tuy thế, câu chuyện của anh Trường không phải là một câu chuyên đơn lẻ, theo phản ánh của cộng đồng mạng, khá nhiều khách hàng của các nhà mạng như Viettel, VinaPhone, MobiFone … cũng đã bị tính cước với những con số khá “khủng” mà không rõ nguyên nhân.

 

Trong vai một người có tiền cước bị tăng vọt trong tháng mà không rõ nguyên nhân, chúng tôi đã liên lạc với tổng đài chăm sóc khách hàng của MobiFone (số 18001090) để tìm hiểu nguồn gốc của các phản ánh do độc giả gửi đến.“Vấn đề chính ở đây là do khách hàng”, phía MobiFone cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên, “có thể khách hàng đã truy cập vào mạng và khách hàng đã quên không tắt máy để máy tự truy cập vào dịch vụ wap của mạng hay có thể là do khách hàng sử dụng các phần mềm nào đó có khả năng tự kết nối internet từ điện thoại. Tất cả những việc ấy chắc chắn dẫn đến các mức cước tăng vọt như trên”.

 

 Cũng trong cuộc trao đổi với các nhà mạng khác về các Dịch vụ như thông báo cuộc gọi nhỡ, thông tin tin tức, nhạc chuông… lúc đầu nhà mạng sẽ tự động kích hoạt cho khách hàng dùng thử, sau khi hết hạn dùng thử mà khách hàng không tắt dịch vụ thì nhà mạng sẽ tính tiền. Những dạng dịch vụ dùng thử có tính tiền ấy cũng tham gia vào việc làm tăng cước phát sinh của khách hàng.

 

“Chờ được vạ thì má đã sưng”

 

Dịch vụ viễn thông ở Việt Nam đang trong tình trạng bão hòa và mặc dù mỗi năm có thêm gần 1 triệu người mới bắt đầu dùng điện thoại nhưng đây là nhóm thuê bao thuộc độ tuổi 16-18 tuổi nên nhu cầu sử dụng không cao, điều này khiến các nhà mạng bắt buộc phải nghĩ ra các “tuyệt chiêu” để moi tiền từ các khách hàng thuộc các phân khúc khác. “Cách áp dụng phổ biến nhất chính là việc tự động mở các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng dùng thử rồi sau đó đột ngột tính cước vào tháng kế tiếp. Nhiều người không để ý ngay lập tức sẽ bị mất tiền một cách oan uổng”, một chuyên gia nhận định. “Với các thuê bao trả sau thì còn dễ bởi có thể quản lý được cước thông qua các hóa đơn thông báo tiền cước vào cuối tháng, riêng nhóm thuê bao trả trước thì sẽ khó khăn hơn bởi sẽ chẳng nhận được bất kỳ cảnh báo nào cho các dịch vụ mình bị ép sử dụng”.

 

Theo một nhà quan sát, thông thường, trong mọi cuộc tranh cãi, phần thắng luôn thuộc về nhà mạng hoặc họ sẽ trì hoàn kéo dài đến mức khách hàng nản mà bỏ cuộc.

 

Làm gì để kiểm soát hóa đơn cước

 


 

 



Khi có bất kỳ nghi ngờ nào liên quan đến tiền cước sử dụng dịch vụ, khách hàng nên thực hiện theo các bước sau:

 

1- Gọi điện thoại đến tổng đài yêu cầu kiểm tra các dịch vụ đang được nhà mạng mở cho thuê bao của mình, nếu có dịch vụ nào không dùng, hãy yêu cầu tổng đài tắt chúng ngay.

 

2- Nhà mạng tích hợp khá nhiều dịch vụ linh tinh vào trong SIM và khi gắn SIM vào máy, chúng sẽ được kích hoạch, nhất là các dịch vụ truyện cười, thông tin tin tức… Khi tháo máy gắn lại SIM, nếu các dịch vụ này tự bật, bạn nên tắt chúng đi (có thể gọi lên tổng đài để được hướng dẫn thao tác).

 

3- Thường xuyên kiểm tra tiền trong tài khoản, với thuê bao trả sau, khi thấy cước phát sinh tăng đột ngột, cần yêu cầu nhà mạng cho bản kê chi tiết nội dung sử dụng dịch vụ trong tháng để kiểm tra. Với các thuê bao trả trước, kiểm tra tiền trong máy một cách đều đặn, khi bị trừ cước không rõ ràng, liên lạc tổng đài để kiểm tra và xử lý.

 

4- Khi sử dụng các dịch vụ gia tăng, nhớ tắt chúng sau khi sử dụng xong.