Blog công nghệ

Phablet : Sự kết thúc từ những gã khổng lồ

Phablet : Sự kết thúc từ những gã khổng lồ

Khái niệm phablet ra đời khi chiếc galaxy note thế hệ đầu tiên được trình làng đến giới công nghệ và người tiêu dùng. Và suốt từ đó đến nay, những mẫu smartphone có màn hình lớn hơn 5,5 inch đều được mang theo cái tên này. Thực tế, Phablet là một thiết bị lại giữa máy tính bảng và điện thoại thông minh, có màn hình nằm trong khoảng từ 5-6,9 inch (tức là tiệm cận với chiếc máy tính bảng có kích thước nhỏ nhất). Những bước phát triển mạnh mẽ khiến cho những thiết bị sở hữu màn hình lớn kèm theo chức năng nghe gọi trở nên tiện dung hơn, mạnh mẽ hơn cùng một thời lượng pin dài hơn giúp người dùng thuận tiện hơn trong cuộc sống. Chiếc Phablet bán chạy nhất cho đến thời điểm hiện tại là Samsung Galaxy Note II. Thế nhưng…

Một thực tế cho thấy, những gã nhỏ con hơn là smartphone tỏ ra vượt trội về tính năng mà chúng sở hữu, các phablet chỉ là những sản phẩm ăn theo không hơn không kém. Tiêu biểu phải kể đến chiếc Sony Xperia Z Ultra hay HTC One Max, hai thiết phóng to của Xperia Z, HTC One đều không đem lại được sự thành công như mong đợi. Với việc khái niệm smartphone mới càng ngày càng có màn hình lớn hơn cùng với tính năng vượt trội, Phablet đang mất dần những cơ hội, thế mà khi Note II ra mắt nhiều nhận định các sản phẩm này sẽ là xu thế mới của các ông lớn, nhưng đã bắt đầu xuất hiện những cái “chết” không được dự báo trước khi các hãng đã có phần quá tay khi cho ra những sản phẩm thực sự “to”. Kể từ sau Galaxy Mega, Sony Xperia Z Ultra hay Oppo N1 cùng hàng loạt đại diện từ các thị trường nội địa đã không còn xuất hiện những mẫu phablet có màn hình 6 inch trở lên nữa.

Bắt đầu từ Samsung Galaxy Note

Vào những tháng cuối năm 2011, một chiếc điện thoại có màn hình khá lớn đi kèm bút cảm ứng được ra mắt với tên gọi Samsung Galaxy Note. Tại thời điểm đó Note I cho thấy mình là một thiết bị có kích thước rất lớn, hơn đa phần các mẫu điện thoại cao cấp khác trên thị trường và với khả năng tối ưu cho việc soạn thảo văn bản, mail, vẽ thông qua chiếc bút S-Pen gắn kèm. Từ đó khái niệm phablet ra đời để phân biệt với những chiếc smartphone có màn hình nhỏ hơn. Cũng từ đó mà mỗi nhà sản xuất đều đưa ra những lý giải khác nhau về sự ra đời phablet của mình. Nhưng nhìn chung chúng đều có những đặc điểm chung như màn hình kích thước lớn, hỗ trợ những thao tác văn phòng tốt hơn giúp người dùng thỏa sức sáng tạo.

Phablet là các thiết bị lai giữa máy tính bảng và smartphone

Một cách cơ bản, có thể hiểu phablet là những smartphone có màn hình từ 5 inch trở lên, với cấu hình mạnh hơn so với smartphone. Điều ít ai biết là giới truyền thông vốn đặt cái tên phablet với hàm ý ít nhiều mai mỉa, khi lần đầu nhìn thấy Samsung Galaxy Note - một "smartphone 5,3 inch", từng bị gọi là "to như chiếc dép". Thế nhưng trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người, Note lại trở thành một sản phẩm "hot" khi bán được mười triệu máy riêng trong 3 tháng quý 2 năm 2012. Thừa thắng xông lên, Samsung tung ra tiếp Galaxy Note II, to hơn cả Note và cũng thành công hơn: hơn năm triệu máy đã bán hết veo chỉ trong ba tháng đầu tiên lên kệ. Sôi sục trước thành công của Samsung, hàng chục hãng điện thoại cũng bon chen nhập cuộc, công bố các mẫu phablet của riêng mình.

Và kể từ đó phablet bắt đầu bùng nổ, có thể nói các thiết bị như vậy trở thành con bài “cứng” trong mắt rất nhiều hãng di động. Nhiều dự đoán cho đến thời điểm năm 2016, thị trường phablet sẽ mở rộng quy mô tới 70% mỗi năm và đạt tới giá trị 135 tỷ USD. Bằng chứng cho thấy là trong năm 2012 cho đến thời điểm cuối năm ngoái, phablet đã đạt được quá nhiều triển vọng và giới công nghệ bắt đầu ngóng trông một năm 2014 đầy thành công. Tuy nhiên thực tế không như mong đợi vì một số thay đổi về khái niệm trên thị trường, cũng như các nhà phát triển thiết bị di động.

Mở rộng khái niệm smartphone, phablet bị lấn sân

Smartphone những năm gần đây được trang bị thêm nhiều tính năng mới cùng thiết kế cực kỳ sang trọng, khi mà các ông lớn thay nhau tạo ra các mẫu flag-ship để chiếm thị phần thì việc phablet bị bỏ qua là điều dễ hiểu. Đơn cử như hai trường hợp mà người viết bài đã nhắc đến ở trên, Sony Xperia Z Ultra và HTC One Max, hai chiếc phablet ăn theo mẫu flag-ship đều không đạt được thành công như mong đợi, hai mẫu trên chỉ là các sản phẩm phóng to ra không hơn không kém.

Smartphone ngày càng sở hữu màn hình lớn hơn nhưng kích thước lại hầu như không thay đổi

Một lý giải nữa là việc smartphone đang dần mở rộng khái niệm của nó sau sự xuất hiện khái niệm viền bezel. Theo cách hiểu đơn giản thì viền bezel là phần diện tích bao quanh màn hình khi người dùng nhìn vào mặt trước của thiết bị. Một chiếc điện thoại có viền bezel mỏng sẽ gây ấn tượng tích cực đối với thị giác của người dùng. Bám theo xu hướng đó, các nhà sản xuất luôn cho ra những smartphone gần như không có viền màn hình. Điều này giúp tiết kiệm diện tích mặt trước và cho phép tăng kích cỡ tối đa màn hình mà không ảnh hưởng nhiều đến thiết to hay nhỏ của toàn bộ thiết bị. Ví dụ như chiếc Samsung galaxy S4 không có nhiều thay đổi về mặt kiểu dáng so với người tiền nhiệm S3. Tuy nhiên một cải tính lớn mang tính chiều sâu là việc dù sở hữu kích thước màn hình 5 inch lớn hơn 0,2 inch so với S3, Galaxy S4 có bề ngang hẹp hơn một chút.

Như đã nói ở trên, kích cỡ màn hình của smartphone được gia tăng mà không làm mất đi kích cỡ thực của smartphone, điều này đã khiến cho khái niệm điện thoại thông minh được mở rộng. Thay vì bó hẹp trong màn hình 5 inch trở xuống thì nay chúng có thể sở hữu được màn hình lên đến 5,5 inch thậm chí có thể hơn. Và điều gì đến cũng phải đến, các mẫu phablet muốn giữ nguyên tên gọi đều đẩy lên mức “to” không thể chấp nhận được đối với người dùng nữa. Phablet đã mất dần chỗ đứng.

Các phablet 6 inchs thực sự không cần thiết

Phablet đang mất dần chỗ đứng bởi tay những gã smartphone nhỏ con hơn mình, thật sự mà nói để sở hữu cho mình một chiếc phablet tại thời điểm này người dùng phải chấp nhận một kích thước to khủng bố. Cho dù phablet là thiết bị hai trong một hỗ trợ tối đa cho người dùng thì chúng vẫn chỉ đứng sau smartphone và cũng có thể bao gồm những chiếc máy tính bảng. Smartphone ngày càng có màn hình lớn hơn nhưng vẫn giữ nguyên được thiết kế nhỏ gọn có thể mang đi bất cứ nơi đâu, tablet cũng có những hơi hướng mỏng hơn và cung cấp thêm khả năng nghe gọi, tiêu biểu như dòng fonepad của Asus. Vẫn nói rằng phablet là một sản phẩm sáng tạo giúp nâng cao trải nghiệm người dùng nhưng thực sự nếu đạt với kích thước cực to như Samsung Galaxy Mega 6.3 hay Xperia Z Ultra thì không cần thiết.

Galaxy Mega 6.3 có kích thước quá khổ để có thể sử dụng bằng 1 tay

Doanh số bán hàng của những chiếc phablet lớn như vậy không tốt, HTC trong cơn nguy ngập đã vội vàng tung ra HTC One Max với màn hình lớn 5,9 inch với thiết kế y hệt HTC One M7. Dẫu cho M7 được đánh giá cực cao về thiết kế cũng như màn hình hiển thị thì One Max lại đem đến nỗi thất vọng lớn với thân hình quá khổ và năng nề. Tương tự là Z Ultra cũng là một sản phẩm thiết kế tương tự như Xperia Z cùng nhiều tính năng nổi trội như chống nước, chống bụi, màn hình full HD,… cũng không đạt được kỳ vọng của nhà sản xuất, chỉ bởi nó sở hữu màn hình 6.4 inch. Samsung Galaxy Mega 6.3 cùng mẫu flag-ship Oppo N1 cũng không khả quan hơn. Kích thước lớn gây khó khăn trong quá trình di chuyển của người sử dụng khi mà họ phải trang bị thêm túi đeo hay bao da để có thể  luôn mang theo bên mình. Chưa kể đến cảm giác mong manh mà chúng đem lại, khi cầm trên tahy một chiếc Z Ultra cho dù nhà sản xuất khẳng định chúng được build tốt đến đâu đi chăng nữa thì một cảm giác sợ hãi vẫn đeo bám người dùng.

Một điểm đáng chú ý nữa đó là việc màn hình to hơn nhưng vẫn giữ độ phân giải tương đương với smartphone sẽ không mang lại quá nhiều điều ngoại trừ việc thao tác thuận tiện hơn nhưng lại kèm theo đó là khả năng sử dụng bằng một tay là không thể. Đành rằng to hơn có thế xem phim tốt hơn, đọc văn bản tốt hơn, duyệt web sướng hơn,… nhưng thử nghĩ xem với các thiết bị nhỏ hơn và màn hình chỉ kém hơn 0,5 inch bạn cũng có thể làm được điều tương tự.

Việc mở rộng khái niệm về màn hình smartphone cùng những thành công không mong đợi của những gã khổng lồ, nên từ khi Oppo N1 ra mắt cho đến nay đã không còn xuất hiện thêm các phablet có màn hình to trên 6 inch nữa. Có lẽ đây cũng là khởi đầu cho sự kết thúc của các thiết bị mang tên phablet.

Đọc thêm : Xu hướng chuộng smartphone giá rẻ tại Việt Nam