Nhịp sống số

Nơm nớp lo bưu gửi bị "móc ruột" khi chuyển qua hàng không

Nơm nớp lo bưu gửi bị

 Một số hãng chuyển phát nhanh phản ánh việc các túi, gói hàng bưu chính bị rạch, bị móc ruột khi trung chuyển qua đường hàng không xảy ra khá phổ biến.

 

 

Việc kiểm soát bưu gửi có giá trị cao trong quy trình khai thác dịch vụ làm đau đầu nhiều lãnh đạo bưu chính. Ảnh minh họa: Quốc Hùng.

 

Điện thoại di dộng "bốc hơi" tại sân bay

Các công ty bưu chính, chuyển phát nhanh là khách hàng thường xuyên của ngành hàng không, hàng ngày các hãng bưu chính đều mua tải cứng (book cargo) trên hai hoặc ba chuyến bay để chuyển bưu phẩm, bưu kiện chuyển phát nhanh trên các tuyến Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ...

Một số công ty bưu chính phản ánh với ICTnews về việc các túi, gói hàng bưu chính hay bị rạch túi, móc ruột, thiếu trọng lượng hàng hóa sau khi vận chuyển qua đường hàng không xảy ra khá thường xuyên.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Khai thác Vận chuyển (Bưu điện TP Hà Nội) cho biết, trong năm 2012 Trung tâm này đã phải xử lý hơn 20 vụ mất cắp hàng hóa khi nhận hàng bưu gửi từ hàng không. Riêng 3 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 3 vụ túi hàng bưu chính bị rạch, khi cân bị thiếu trọng lượng khi nhận hàng từ hàng không.

Bà Bích Nga cho biết, hiện tượng này xảy ra đã khá lâu mà chưa có cách xử lý triệt để. Loại hàng hóa thường bị móc trộm chủ yếu là hàng điện thoại di động và thiết bị kỹ thuật số. Nhất là trong thời gian gần đây khi thương mại điện tử phát triển, các loại hàng hóa nhỏ gọn, có giá trị cao như điện thoại di động, các thiết bị kỹ thuật số được mua bán qua mạng trở lên phổ biến hơn và các loại hàng này được các nhà cung cấp dịch vụ chuyển đến cho khách hàng qua đường bưu chính (qua dịch vụ phát hàng thu tiền – COD) tăng lên thì hiện tượng bị mất cắp cũng xảy ra nhiều hơn. Loại hàng hóa bị mất nhiều nhất là điện thoại di động.

Một lãnh đạo của Công ty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện (VNPost Express) cũng cho biết,  vì thường xuyên bị mất điện thoại di động khi gửi qua đường hàng không cho nên công ty này đã dừng nhận chuyển điện thoại của khách hàng. "Hiện nay rất khó có thể kiểm soát được những hàng có giá trị cao khi trung chuyển qua đường hàng không. Và đến nay mặc dù dừng nhận chuyển điện thoại di động nhưng thỉnh thoảng tình trạng bị móc ruột bưu gửi vẫn cứ xảy ra", vị lãnh đạo trên cho biết.

Công ty CP chuyển phát nhanh Tín Thành (nay là Kerry TTC Express) đã từng bị mất kiện hàng gồm 10 chiếc điện thoại di động iPhone 4S khi gửi qua hàng không. Cụ thể ngày 10/2/2012, Tín Thành có gửi 75 kiện hàng trên chuyến bay số hiệu VN 1175 từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi nhận hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất, Tín Thành đã phát hiện thiếu mất 1 kiện hàng chứa 10 điện thoại iPhone 4S có tổng giá trị vào thời điểm đó khoảng trên 130 triệu đồng. Thủ phạm đánh cắp 10 chiếc iPhone 4S nói trên đã được Công an TP.Hồ Chí Minh khám phá gồm 3 nhân viên của Tín Thành câu kết với 3 nhân viên kho hàng của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để lấy trộm kiện hàng.

Số tiền bồi thường quá nhỏ nhoi

Cũng theo bà Bích Nga, khi bị trộm để bên hàng không chấp nhận bồi thường là một quá trình gian nan với rất nhiều thủ tục xác minh, thậm chí hai bên phải tranh luận gay gắt để quy trách nhiệm cho ngành hàng không, nhưng mức bồi thường mà phía Bưu điện nhận về lại rất nhỏ so với giá trị hàng hóa bị mất.

Theo Điều lệ hiện hành, ngành hàng không chỉ bồi thường tối đa 4 lần cước vận chuyển (theo đơn giá hiện nay là 15.000 đồng/kg), hoặc không quá 20 USD/kg hành lý bị mất. Do đó, một gói hàng bị mất được bồi thường chỉ khoảng vài chục nghìn đồng đến 400.000 đồng là tối đa. Trong khi đó, khách hàng gửi hàng hóa có giá trị như điện thoại di động thường sử dụng dịch vụ khai giá hoặc COD, khi bị mất phía Bưu điện phải bồi thường tương đương với giá trị hàng hóa. Nên việc bị mất cắp khiến Bưu điện phải bù đắp một khoản chi phí rủi ro khá lớn để bồi thường cho khách hàng.

Để đối phó với tình trạng bị rút ruột bưu gửi, từ đầu năm 2012 Trung tâm Khai thác Vận chuyển đã quán triệt nghiêm ngặt đến nhân viên khi nhận hàng từ hàng không nhất thiết phải kiểm tra tình trạng 100% túi bưu gửi ngay trước sự chứng kiến của nhân viên hàng không. Có hai yêu cầu phải được đảm bảo là còn nguyên niêm phong và cân đủ trọng lượng. Nếu thấy hiện tượng túi bị rạch, cân lên thiếu trọng lượng là phải lập biên bản ngay. "Nếu có biên bản ngành hàng không chấp nhận bồi thường thì trách nhiệm của Bưu điện được san xẻ chút ít, nhưng thực tế Bưu điện vẫn chịu thiệt thòi khá lớn khi phải bồi thường cho khách", bà Bích Nga nói.

Lãnh đạo VNPost Express cũng cho biết, tiền cước dịch vụ cộng với tiền bồi thường của hàng không chỉ đủ để trả khoảng 20% tiền đền bù cho khách, 80% còn lại là công ty phải chịu lỗ.

Lãnh đạo Kerry TTC Express cho biết, việc bị thất thoát hàng hóa, bưu gửi trong đó có nhiều hàng hóa giá trị cao khi trung chuyển qua hàng không xảy ra khá nhiều lần. Song không phải lần nào cũng có thể trình báo cơ quan công an điều tra. Khi xảy ra mất, thất lạc hàng hóa, bưu gửi của khách, Kerry TTC Express đều thực hiện đền bù đúng như cam kết trong hợp đồng. Nhiều lô hàng Kerry TTC Express đã bồi thường 100% giá trị hàng bị mất.

Đọc thêm: iPhone 4S biến thành cục gạch khi gửi qua bưu điện

Theo Minh Quyên

ictnews.vn