Doanh nghiệp

Nokia và cái chết chóng vánh của một 'ông hoàng'

Nokia và cái chết chóng vánh của một 'ông hoàng'

Đế chế hoàng kim

Ở Việt Nam, tâm lý mua đồ theo thương hiệu đã dần trở thành một nét văn hóa độc đáo không thể tách rời. Với mỗi mặt hàng, đều có một thương hiệu được đóng đinh sẵn trong suy nghĩ của người Việt. Và tất nhiên, khi đã  tìm mua mặt hàng nào thì phải chọn đúng thương hiệu đã được đóng đinh kia mới được gọi là tốt, mới được xem như là thời thượng.

Có thể dễ dàng kể ra một loạt các cái tên được xếp vào diện này như xe máy Honda, ô tô Toyata, tivi Sony, máy giặt Sanyo, máy ảnh Canon và khi nhắc đến điện thoại, 10 người thì sẽ phải có 7 8 người nhắc đến Nokia. Điều này là bởi, trong tâm tưởng của những 9x đời đầu và thế hệ 8x trở về trước, Nokia gần như đã trở thành một cái tên đại diện cho sự phát triển của ngành viễn thông, từ cái thời mà các nhà mạng Việt Nam chỉ vừa mới hình thành.

Nokia 7610 - siêu phẩm một thời của Nokia chục năm trở về trước (Ảnh: Internet)

Với những dòng sản phẩm đột phá như những mẫu máy thuộc dòng N-Series, đã từng có thời kỳ Nokia mang trong mình vai trò là một kẻ dẫn dắt thị trường. Ở thời kỳ đỉnh cao này, khi được hỏi đâu sẽ là sự lựa chọn cho một chiếc điện thoại mà không phải nghĩ đến giá tiền, không ít người sẽ nhắc đến những cái tên như Nokia 7610, N92 hay N95. Bên cạnh đó, ở phân khúc thị trường điện thoại phổ thông, những cái tên như 1110, 1280, 1208 từ lâu đã trở thành một tượng đài về chất lượng trong suy nghĩ của những người sử dụng.

Kẻ chậm chân trong cuộc cách mạng

Sang đến những năm 2007 2008, khi những thiết bị mới với tên gọi smartphone bắt đầu xuất hiện, đây cũng là dấu hiệu báo trước cho một kỉ nguyên lụi tàn của Nokia. Thay vì lao vào thị trường Android đầy tiềm năng với ưu thế của một kẻ đứng đầu trong cuộc chiến thị phần, Nokia đã chọn cho mình một lối đi riêng khi một mình một ngựa phát triển hệ điều hành Symbian và sau đó là Meego để rồi phải chuốc lấy thất bại.

Không phải Nokia không nhận ra khả năng tiềm tàng của smartphone. Ở thời điểm năm 2007, nhà sản xuất này đã sở hữu không ít những mẫu điện thoại chạy trên nền tảng Symbian S60 như Nokia 7650 và N95. Tuy nhiên, sự kiện ra mắt iPhone của Steve Job kéo theo đó là việc tạo ra một định nghĩa hoàn toàn mới về smartphone đã thay đổi tất cả.

Microsoft đã chẳng thể nào cứu sống được Nokia như lời hứa hẹn của Steve Ballmer (Ảnh: Internet)

Khi mà cả thế giới hướng sự chú ý đến những chiếc smartphone với màn hình cảm ứng và giao diện thân thiện, Nokia vẫn bỏ ngoài tai và tập trung phát triển hệ điều hành Symbian vốn kém thân thiện và đã trở nên lỗi thời. Phải đến một năm sau sự ra đời của chiếc iPhone đầu tiên, Nokia mới bừng tỉnh và ra mắt thị trường mẫu máy cảm ứng đầu tiên N5800 Express Music, tuy nhiên rõ ràng như thế vẫn là chưa đủ.

Tiếp theo đó, khi tất cả mọi người hướng tới cuộc chiến giữa iOS và Android – 2 hệ điều hành được xác định là tương lai của cả ngành di động, Nokia vẫn ngạo mạn và tự mình phát triển Meggo. Tuy nhiên ai cũng biết rằng, kết quả của sự hợp tác giữa Nokia và Intel chẳng bao giờ đạt được thành công như ý muốn.

Đến thời điểm đó, nhiều ý kiến đã được đề xuất về việc phát triển một mẫu điện thoại Android, thế nhưng câu trả lời từ phía nhà sản xuất Phần Lan vẫn là sự bảo thủ. Nokia nhảy qua bấu víu lấy hệ điều hành sinh sau đẻ muộn là Windows Phone và rồi tự biến mình trở thành vật thế thần cho một Microsoft cũng đang trong thời kỳ khủng hoảng.

Cái giá phải trả

Sau sự kiện sát nhập với Microsoft, những tín đồ trung thành với Nokia hy vọng gã khổng lồ phần mềm kia sẽ là một đấng cứu thế khi ra tay cứu vớt Nokia, tuy nhiên mọi chuyện có vẻ như không phải là như thế. Những kế hoạch bị rò rỉ cho thấy nhiều khả năng Microsoft sẽ chính thức xóa sổ thương hiệu Nokia trong năm nay. Dù không thừa nhận, những hành động của Microsoft trong thời gian qua rõ ràng đã thay cho lời nói đó.

Trên đường phố không còn những biển hiệu Nokia, thay vào đó là Oppo, là Samsung và là cả Microsoft. (Ảnh: Zing News)

Những biển hiệu Nokia đã được cho gỡ xuống, và tất nhiên sẽ chẳng bao giờ có ngày hẹn về việc lại treo lên. Khi cái tên đã bị mất đi, điều duy nhất còn lại của Nokia là những ký ức trong lòng người hâm mộ. Một tín đồ trung thành của Nokia đã từng nói, giá trị cốt lõi của Nokia sẽ chẳng bao giờ mất đi, nhưng thương hiệu Nokia thì đã chết thật rồi.

*Bài viết chỉ đề cập đến mảng điện thoại di động của Nokia tại Việt Nam.

 

Nokia đang cho thấy những dấu hiệu hồi sinh: đợi ngày trở lại

(Techz.vn) Hy vọng với khởi đầu thuận lợi, chúng ta sẽ lại sớm thấy một Nokia khác nổi lên thành một thế lực trong ngành công nghệ.