Nhịp sống số

Những lý do khiến iOS luôn vượt xa Android trong những năm qua

Những lý do khiến iOS luôn vượt xa Android trong những năm qua

1. iOS – tài sản độc quyền của Apple

Có thể nói iOS chính là một trong những tài sản quý giá nhất mà Steve Jobs để lại cho đội ngũ Apple. Hệ điều hành độc quyền này đem lại cho iPhone và iPad những lợi thế mà không một đối thủ cạnh tranh nào có được. Nắm trong tay iOS, Táo khuyết có thể chủ động tối ưu hóa nền tảng phần mềm sao cho phù hợp nhất với phần cứng để phát huy tối đa sức mạnh cấu hình, giống như việc bạn may riêng một chiếc áo với số đo chính xác của cơ thể vậy. Điều này phần nào lí giải việc iPhone không cần cấu hình "khủng" mà vẫn chạy mượt mà đến khó tin.

Hơn thế nữa, ưu thế độc quyền của Apple còn giúp hãng dành thời gian và công sức phát triển iOS một cách tốt nhất và cập nhật bất cứ khi nào họ muốn. Ngoài một bản nâng cấp lớn mỗi năm, người dùng iPhone, iPad còn thường xuyên nhận được rất nhiều bản cập nhật nhỏ lẻ để sửa lỗi và hoàn thiện phần mềm cho phù hợp trong năm. Không cần phải bỏ thêm tiền mà vẫn được trải nghiệm những tính năng mới, dễ hiểu tại sao cộng đồng sử dụng iPhone nhanh chóng nâng cấp iOS ngay khi có thể.

2. Sự phân mảnh của hệ điều hành Android

Android là một dự án mã nguồn mở, khi Google cho phép các nhà sản xuất smartphone sử dụng và tùy biến lại hệ điều hành này rồi cài đặt cho thiết bị của họ để đảm bảo tính tương thích tối ưu. Điều đáng nói là, có tới hàng ngàn mẫu sản phẩm khác nhau trên thị trường đang chạy Android, từ cũ đến mới, trong mọi phân khúc giá tiền và đến từ vô số nhà sản xuất. Vì thế, việc đưa phiên bản Android mới nhất đến cho toàn bộ các sản phẩm sử dụng hệ điều hành này cùng lúc là điều bất khả thi.

Đáng nói hơn, việc tùy biến lại phiên bản Android mới tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực, do đó, mỗi thương hiệu di động lại có lịch nâng cấp Android riêng của mình, về việc sẽ "lên đời" hệ điều hành cho những sản phẩm nào và vào lúc nào. Tất cả mọi thứ dẫn tới sự phân mảnh của nền tảng di động phổ biến nhất thế giới, khi mà các thiết bị Android cũ không được sở hữu và chạy song song các phiên bản mới ra mắt gần đây.

3. Sự chênh lệch về tốc độ "lên đời" hệ điều hành

Android và iOS là hai nền tảng cho thiết bị di động phổ biến nhất hiện nay, mỗi hệ điều hành đều sở hữu thế mạnh và có sở trường riêng biệt. Trong khi iOS nổi tiếng bởi độ mượt mà, dễ sử dụng và bảo mật tốt thì Android khẳng định ưu thế nhờ tính phổ biến, khả năng tùy biến cao đồng thời cho phép người dùng can thiệp sâu vào cách thức hoạt động. Tuy nhiên, có một điểm mà Android luôn thua kém iOS, đó là thời gian cập nhật tới người dùng mỗi khi ra một phiên bản mới.

Ước tính, tới thời điểm cuối tháng 2 năm nay – tức là hơn 3 tháng kể từ khi Google chính thức giới thiệu Android 7.0 Nougat, phiên bản mới nhất của hệ điều hành phổ biến nhất toàn cầu này chỉ mới góp mặt trên 2% tổng số thiết bị chạy Android. Đây đã là kết quả của cuộc "nhảy vọt" về số lượng người cài đặt Android Nougat ngay trong tháng đấy. Trong khi đó, phiên bản iOS 10 ra mắt cùng với iPhone 7 trong tháng 9/2016 đã được có mặt trên 79% tổng số iPhone/iPad trên toàn thế giới. Tình trạng tương tự cũng từng xảy ra trong năm 2015, 2014 và trước đó nữa.

4. "Phải kiên nhẫn"

Đối với người dùng Android, trường hợp bạn không muốn can thiệp gì vào chiếc smartphone của mình và muốn máy có thể tự động cập nhật phần mềm, phương pháp đơn giản nhất lúc này là... chờ đợi. Đồng thời, hãy thường xuyên theo dõi xem thiết bị của mình có nằm trong danh cách nâng cấp Android mới của nhà sản xuất hay không, thông thường, những sản phẩm đã quá lỗi thời sẽ không được ưu tiên cập nhật phần mềm nữa. Còn nếu bạn mong muốn mình thường xuyên được nhà sản xuất quan tâm nâng cấp hệ điều hành? Hãy cân nhắc tới việc chuyển qua dòng điện thoại iPhone.

Tạm kết

Android hay iOS? Đó luôn là câu hỏi không có đáp án trong những năm qua, mỗi bên đều có những thế mạnh riêng của mình khiến cho việc đánh giá hơn kém giữa chúng là vô cùng khó khan. Rất mong rằng bài viết này sẽ cung cấp cho người đọc thêm một góc nhìn khác để đánh giá hai hệ điều hành này.