Thiết bị công nghệ

Những điều nên biết về Android Wear và đồng hồ thông minh

Những điều nên biết về Android Wear và đồng hồ thông minh

Android Wear là hệ điều hành dành cho các loại smartwatch, được thiết kế có thể đồng bộ với tất cả smartphone chạy Android. Bài học rút ra từ sự phân hoá thị trường Android, Google đã quyết định Android Wear là một hệ thống đồng nhất, bất kể là vòng đeo tay hay đồng hồ, bất kể là do nhà sản xuất nào, một khi cài đặt Android Wear vào thì tất cả đều như nhau về giao diện, hệ thống thông báo, menu,...

Để kết nối được smartphone với smartwatch chạy Android Wear, yêu cầu tất yếu là smartphone phải chạy hệ điều hành Android từ phiên bản 4.3 trở lên. Khi thiết bị đeo tay không kết nối với điện thoại, nó có thể thực hiện một số tính năng “offline”, nhưng những tính năng này vẫn còn rất hạn chế.

Google Play hỗ trợ việc tải và cài đặt ứng dụng cho thiết bị đeo tay chạy Android Wear tương tự như smartphone. Bạn có thể chọn tải ứng dụng trên Google Play thông qua smartphone, Google Play sẽ tự động đẩy ứng dụng cài đặt đúng vào thiết tay bị đeo tay của bạn.

Yếu điểm của thiết bị đeo tay là giao diện quá nhỏ, không thể có bàn phím, nên chủ yếu phải dựa vào tính năng điều khiển bằng giọng nói. Google vốn đã phát triển kỹ thuật nhận dạng giọng nói khá tốt, nhưng trong môi trường âm thanh phức tạp, tạp âm nhiều và âm thanh bị nhiễu thì Android Wear cũng phải khá vất vã để hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Thêm nữa là các thẻ thông báo của Android Wear nhảy ra khá nhiều, dễ gây nên tình trạng hỗn loạn các loại thông báo.

Android Wear cho phép thiết bị đeo tay nhận cuộc gọi, nhưng bản thân các thiết bị đeo tay hiện nay đều không có loa thoại. Nếu phải dùng tai nghe bluetooth thì vai trò của Android Wear gần như không có ảnh hưởng gì đến tính năng này nữa, vì tai nghe bluetooth vốn dĩ có thể kết nối thẳng với điện thoại rồi.

Chiếc đồng hồ Samsung Gear Live

Trên thị trường chỉ mới xuất hiện hai mẫu smartwatch là LG G Watch và Samsung Gear Live. Cả hai mẫu smartwatch này có cấu hình tương đương nhau, sử dụng cùng loại vi xử lý Snapdragon 400 xung nhịp 1,2 Ghz, RAM 512 MB, bộ nhớ trong 4 GB, chỉ hơi khác nhau về kích thước màn hình, độ phân giải và dung lượng pin. Khả năng chống bụi và chống nước của cả 2 đều đạt tiêu chuẩn IP67, đặc biệt là LG và Samsung đều chọn lựa màn hình vuông cho chiếc smartwatch đầu tiên của mình. Điểm khác biệt có thể thấy đậm nét nhất là Samsung vẫn muốn nhấn mạnh tính năng giúp người dùng kiểm soát sức khoẻ cá nhân, nên chiếc Gear Live được trang bị thêm cảm biến đo nhịp tim.

Chiếc Moto 360 đã từng xuất hiện trong hội thảo I/O của Google vừa qua, hiện vẫn chưa được tung ra thị trường và được biết là sẽ ra mắt người dùng vào mùa hè năm nay. HTC cũng có một mẫu smartwatch đang định giá và chuẩn bị lên kệ. Ngoài ra, ASUS và Fossil cũng đã xác nhận việc tham gia vào thị trường thiết bị đeo tay trong năm 2014 này. Nhưng, có lẽ được nhiều người trông đợi nhất vẫn là chiếc iWatch của Apple.

Chiếc iWatch của Apple

Hạn chế nhất của smartwatch tại thời điểm này là pin chỉ có thể sử dụng liên tục khoảng 1 ngày. Nói cách khác, chiếc G Watch và Gear Live hiện giờ giống như chiếc smartphone, cần được sạc đều đặn hàng ngày. Cách duy nhất có thể kéo dài thời lượng sử dụng là giảm độ sáng màn hình, ngắt chế độ hiển thị liên tục, hạn chế tối đa việc nhảy ra các thông báo. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì chiếc smartwatch chẳng khác gì 1 món đồ trang sức bình thường, mất đi phần lớn sức hấp dẫn của Android Wear.

Bên trong một chiếc smartwatch sử dụng pin Li-Ion

Bỏ qua những thiết bị đeo tay thế hệ trước, cũng như một số thiết bị đặc thù như iWatch, tất cả thiết bị đeo tay chạy Android Wear rồi đây sẽ có tính tương thích cao hơn nhờ quyết định phát triển hệ thống nhất quán của Google. Trước kia, nếu như Gear 2 và Gear Neo chỉ có thể sử dụng với những chiếc smartphone Samsung Galaxy thì giờ đây chiếc Gear Live có thể kết nối với một chiếc smartphone chạy phiên bản Android 4.3 trở lên, bất kể là do Sony, HTC, LG hay một hãng sản xuất điện thoại nào khác mà không chỉ giới hạn phải là Samsung. Tương tự, chiếc G Watch của LG cũng vậy, nó có thể sử dụng đồng bộ với smartphone của những hãng sản xuất khác chứ không nhất thiết phải là smartphone do LG sản xuất.

Đọc thêm Android Wear - Hệ điều hành giúp Wearable kết hợp với thiết bị Android

Khai Tân