Khoa học & Đời sống

Nhà thầu Trung Quốc chưa giải ngân, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông lại chậm tiến độ

Nhà thầu Trung Quốc chưa giải ngân, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông lại chậm tiến độ

Không giải quyết được là chuyện khó tin

Theo kế hoạch, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) sẽ vận hành thử nghiệm từ tháng 10/2017, tức là chỉ còn 15 ngày nữa. Tuy nhiên, Tổng thầu Trung Quốc cho biết, do khó khăn về tài chính nên dự án không thể đẩy mạnh thi công.

Đến thời điểm này, tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.

Trao đổi với PV, ngày 19/9, TS Nguyễn Xuân Thủy – Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho biết: “Tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông chậm tiến độ đến nay cả xã hội, cả thế giới đều biết. Tôi cho rằng đây là trường hợp thể hiện sự yếu kém của nhà thầu, yếu kém trong quản lý hợp đồng của phía Việt Nam."

Trong hợp đồng thiếu sự ràng buộc, thiếu sự chặt chẽ về vấn đề cam kết, kể cả thưởng, kể cả phạt, không có điều khoản gì, cho nên sự yếu kém này cần phải chịu sự chi phối.

Mà rõ ràng không có điều luật nào, để ràng buộc ở hợp đồng này thì nhà thầu đối tác mới được quyền tự tung tự tác. Cũng vì thế mà chúng ta phải chịu đội giá lên 300 triệu USD; thời gian cũng tăng gấp 3-4 lần, theo dự kiến năm 2015 sẽ kết thúc nhưng đến năm 2017 chưa xong, dự năm 2018 cũng chưa xong.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lỡ hẹn chạy thử vào tháng 10

Chúng ta bị động bởi nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc nơi cấp vốn ODA, gây khó khăn; chậm tiến độ nên ùn tắc giao thông tiếp tục là áp lực, là một vấn nạn làm cho người dân thủ đô bức xúc, gây thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế của đất nước.

Theo chúng tôi tính toán, mỗi ngày Hà Nội mất trên dưới 50-60 tỷ đồng do ùn tắc, tác động của yếu kém, giao thông không thông suốt. Theo tôi, việc Trung Quốc không tiếp tục đầu tư cho rằng Ngân hàng Trung Quốc không giải quyết là chuyện khó tin.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia trên, có lẽ nhà thầu nhân việc yếu kém của Việt Nam trong vấn đề cam kết hợp đồng đấu thầu nên lợi dụng kéo dài thời gian, mà như vậy càng tốn kém về vấn đề lợi tức, vấn đề giá cả, nhân công, đội giá lên và mặt khác gây khó khăn cho chúng ta về vấn đề kinh tế.

“Tôi đề nghị chúng ta nên có đường lối ngoại giao dứt khoát, rõ ràng cho việc này.

Đồng thời, nhà nước cần bỏ tiền ra và làm tiếp, các cơ quan chức năng nên cầu thị, nghe lời khuyên của các nhà khoa học, của người dân, bỏ ra 200 triệu USD làm nhanh, làm gấp để người dân có đường đi, đừng phụ thuộc ODA một cách thụ động, tiêu cực, yếu thế.

Chúng ta nên bỏ tiền ra đầu tư trước, sau đó phía Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó, phải chịu lãi suất, còn chúng ta không phải chi trả. ODA nếu không thực hiện theo đúng cam kết thì họ không được hưởng lãi suất cho số tiền đã cho vay.

Bộ Ngoại giao, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT cần làm việc này một cách nghiêm túc trước nhân dân không thể một tuyến đường quan trọng của thủ đô để kéo dài như vậy, thật là xấu hổ”, ông Thủy nhấn mạnh.

Có quá nhiều kẽ hở

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ bao quát hơn, theo ông Thủy, ở đây, nhà thầu Trung Quốc không quan tâm đến các thời hạn khai thác phía Việt Nam đưa ra vì họ nắm đồng tiền đầu tư vốn.

Tuyến đường này vô tình sẽ gây ra tàn dư về vấn đề khi làm dự án nào cũng có quyền tăng giá, tăng thời gian, giữ vốn, gây khó khăn cho bên A.

Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học xây dựng Hà Nội cho biết: “Cách ký hợp đồng, vận hành quản lý dự án này còn quá nhiều kẽ hở, trong khi nếu muốn xử lý cũng phải dựa theo hợp đồng.

Theo tôi, tất cả các cơ quan quản lý đều phải chịu trách nhiệm và hiện tại nếu có tiền thì ứng trước làm rồi, chờ đền bù sau, để đảm bảo tiến độ”.

Cũng theo ông Hùng, thực tế, dự án trên đã chậm tiến độ lại liên tiếp xảy ra sự cố, như ngày 16/9 vừa qua chân trụ cầu FR06 bị phun nước thành dòng, khiến cho người dân rất quan ngại. Nếu cứ chảy nước nhiều nước sẽ thấm, đất lún, gây ra lỏng, nứt gây vỡ đường ống nước bên dưới.

Nghĩa là chúng ta vừa bị áp lực về chất lượng, tiến độ, tài chính, giao thông công cộng, nên giao thông công cộng đã thành một vấn nạn không thể kiểm soát được.

“Một công trình đầu tiên về đường sắt đô thị mà lại yếu kém, thời gian kéo dài, giá đội lên, chất lượng chưa chắc đảm bảo, cả nước mong chờ vận hành đều lỡ hẹn 4-5 lần, thì phải xem lại chất lượng hoạt động của bộ máy quản lý của chúng ta”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Theo Autoxe.