Nhịp sống số

Nguy cơ đóng cửa nhiều thương hiệu ĐTDĐ thương hiệu Việt

Nguy cơ đóng cửa nhiều thương hiệu ĐTDĐ thương hiệu Việt

Trước sự cạnh tranh gay gắt, năm 2012 hứa hẹn sẽ là một năm khó khăn của thị trường điện thoại thương hiệu Việt.</>

 

<>Một năm với nhiều sức ép</>

Năm 2011 được xem là một năm ít thành công đối với những người kinh doanh điện thoại thương hiệu Việt. Các hãng như Q-Mobile, Mobistar hay FPT Mobile gần như chỉ tung ra lượng sản phẩm rất hạn chế. So với năm 2010, thị trường điện thoại thương hiệu Việt trong năm 2011 có thể nói là trầm lắng.

Nguyên nhân chính của việc này đó chính là họ chịu sức ép rất lớn ở dòng điện thoại giá rẻ của các hãng nổi tiếng đang có mặt tại VN như Samsung, Nokia, LG… Cụ thể, ở lĩnh vực smartphone giá rẻ, sau khi Q-Mobile tung ra chiếc S10 với giá 4 triệu đồng, Samsung bất ngờ tung ra Galaxy Y với mức giá chỉ hơn 3 triệu đồng. Sau sự kiện này, đại diện nhiều hãng cho biết, họ phải dừng kế hoạch smartphone thương hiệu Việt giá rẻ của mình bởi để làm được chiếc smartphone dưới 3 triệu với các tính năng cao cấp nhằm cạnh tranh với sản phẩm của Samsung là rất khó. Chưa kể, về độ uy tín và giá trị thương hiệu, Samsung hơn họ ở tất cả mọi mặt.

Vì thế, những nhận định về một cuộc đổ bộ của smartphone giá rẻ sử dụng hệ điều hành Android từ các hãng sản xuất điện thoại thương hiệu Việt trong năm 2011 đã không xảy ra, thay vào đó dòng điện thoại phổ thông 2 sim 2 sóng vẫn được các hãng duy trì.

Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa dừng ở đó, khi ở giai đoạn nửa cuối năm 2011, điện thoại thương hiệu Việt lại một lần nữa chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ "người khổng lồ" Nokia, khi hãng này tung ra một loạt mẫu điện thoại giá rẻ 2 sim 2 sóng, mức giá dưới 2 triệu đồng. Theo hệ thống các siêu thị lớn bán điện thoại di động trong cả nước, các dòng điện thoại của Nokia bằng uy tín của mình đã thu hút rất nhiều người dùng, dẫn đến hệ quả là nhiều sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt của các hãng bị sụt giảm doanh thu và khó bán. Bên cạnh đó, một số hãng như LG, Samsung… cũng bắt đầu tham gia vào phân khúc này.

Xác định điều đó, các hãng như Q-mobile, Mobistar đã tung ra các mẫu điện thoại ở phân khúc tiền smartphone cảm ứng, giá rẻ, tích hợp các chương trình chat, lướt web và xem phim 3D… nhằm định cho mình một hướng đi riêng. Có điều, mọi việc vẫn chưa thể thành công khi một lần nữa sức ép tiếp tục đổ dồn lên đầu họ.

 

<>Nokia lại tung chiêu</>

Hướng đi tiền smartphone của các hãng điện thoại thương hiệu Việt bị đe dọa ngay trong những tháng đầu năm 2012, khi Nokia bất ngờ tung ra 3 mẫu điện thoại phổ thông mới là Asha 200, Asha 300 và Asha 303. Những sản phẩm điện thoại này đều cho phép người dùng lướt web, truy cập vào mạng xã hội như facebook hay chat…

Trong đó, Nokia Asha 200 hỗ trợ 2 sim 2 sóng và được tích hợp công nghệ điện toán đám mây có khả năng nén dữ liệu, bàn phím Qwerty, mức giá cũng khiến nhiều người hài lòng (chỉ 1,7 triệu đồng). Nhưng đáng chú ý chính là bộ đôi sản phẩm Asha 300 và 303, mặc dù là điện thoại phổ thông nhưng cả hai đều được tích hợp bộ vi xử lý lên tới 1GHz, hỗ trợ thẻ nhớ lên tới 32GB, bàn phím Qwerty, màn hình cảm ứng, mức giá bán lần lượt là 2,5 triệu và 3,4 triệu đồng.

Một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các dòng điện thoại thương hiệu Việt giá rẻ với Nokia sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, các hãng điện thoại thương hiệu Việt chọn hướng đi thế nào đang là một dấu hỏi lớn. Bởi theo nhận định của Công ty Nghiên cứu thị trường IDC, những sản phẩm điện thoại di động thương hiệu Việt khó có khả năng bứt phá về thị phần trong năm 2012. Cơ sở để IDC đưa ra nhận định trên theo họ lý giải là do các hãng điện thoại nước ngoài như Nokia, Samsung và LG vẫn tiếp tục duy trì sự thống trị trong phân khúc điện thoại cơ bản.

Theo ông Đỗ Giang Vinh, Giám đốc HiPT Mobile, năm 2012 sẽ là một năm khó khăn cho các sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt, thậm chí có một số hãng có nguy cơ ngừng kinh doanh. Nguyên nhân do từ năm 2011 có quá nhiều hãng nhảy vào sản xuất điện thoại ở phân khúc này, trong khi thị trường không còn màu mỡ như những năm 2009 - 2010.