Xe A-Z

Nghị định số 46, tăng mức xử phạt đối với nhiều lỗi vi phạm luật giao thông, có hiệu lực từ 1/8

Nghị định số 46, tăng mức xử phạt đối với nhiều lỗi vi phạm luật giao thông, có hiệu lực từ 1/8

Kể từ hôm nay (ngày 1/8) Nghị định 46 sẽ chính thức thay thế Nghị định 171 và 107. Theo đó, có 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ sẽ điều chỉnh tăng mức xử phạt.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8.

Dưới đây là một số lỗi vi phạm luật giao thông thường gặp được điều chỉnh tăng mức xử phạt hành chính so với mức phạt cũ. Các chủ phương tiện nên nắm rõ luật và tuân thủ những quy định mới khi tham gia giao thông.

Nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn

Người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá mức quy định sẽ bị xử phạt 18 triệu đồng.

Theo quy định mới, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 10 mg/100 ml máu hoặc 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị xử phạt tối đa 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng. Trong khi đó mức phạt quy định tại Nghị định 171 cao nhất là 15 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Đối với người điều khiển xe gắn máy, mức phạt cao nhất khi vi phạm nồng độ cồn như trên là 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 3-5 tháng. Trong Nghị định trước đây mức phạt cho lỗi này là 2-3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc

Đi xe máy phân khối nhỏ vào đường cao tốc bị phạt từ 5-7 triệu đồng.

Kể từ ngày 1/8, hành vi đi xe gắn máy vào đường cao tốc có thể bị xử phạt đến 1 triệu đồng, tước GPLX 3 tháng. Cũng lỗi này, trong quy định cũ mức phạt là 400.000 đồng.

Cũng nằm trong nhóm vi phạm về đường cao tốc, người điều khiển xe ô tô dừng đỗ, quay đầu, đi ngược chiều trên cao tốc cũng bị phạt 6 triệu đồng. Mức phạt này cao gấp 5 lần so với mức phạt cũ.

Lái xe quá tốc độ bị tước giấy phép lái xe đến 5 tháng

Lái xe quá tốc độ bị phạt tiền và tước giấy phép lái xe 5 tháng.

Quy định mới trong nhóm hành vi vi phạm tốc độ vẫn giữ nguyên mức phạt tiền tối đa đến 8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô vượt quá giới hạn cho phép 35 km/h. Tuy nhiên, mức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thể tăng đến 5 tháng. Đối với phương tiện xe ô tô vi phạm vượt quá tốc độ cho phép dưới 35 km/h cũng bị áp dụng các chế tài xử phạt bổ sung khác nhau.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy nếu vi phạm vượt quá tốc độ cho phép trên 20 km/h sẽ bị phạt tối đa 4 triệu đồng. Trong khi mức phạt cũ trước đây là 3 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm lỗi trên cũng có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Chở quá tải bị phạt cao nhất 64 triệu đồng

Mức phạt cao nhất đối với phương tiện chở quá tải là 64 triệu đồng.

Đối với hành vi chở hàng quá tải được quy định mức xử phạt tăng nhiều nhất đối với cả tài xế và chủ phương tiện. Hành vi này được chia làm hai nhóm chở hàng vượt trọng tải theo giấy chứng nhận kiểm định và chở quá tải cầu, đường.

Tài xế có thể bị xử phạt đến 12 triệu đồng và tước giấy phép lái xe đối với hành vi chở quá tải theo giấy chứng nhận, tài xế chở quá tải 150%. Nếu chủ phương tiện là cá nhân có thể bị xử phạt đến 20 triệu đồng và phạt đến 40 triệu đồng nếu là tổ chức.

Mức xử phạt này càng cao hơn đối với hành vi chở quá tải trọng cầu, đường. Nếu vi phạm lỗi này, tài xế sẽ bị xử phạt đến 16 triệu đồng nếu chở quá tải trên 150% và tổ chức sở hữu xe chở quá tải có thể bị xử phạt 64 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các chủ phương tiện không chấp hành kiểm tra trọng tải, không hợp tác với người thi hành công vụ, cố tình không rời khỏi phương tiện để trốn tránh việc kiểm tra cũng sẽ bị xử phạt từ 14-16 triệu đồng. Mức phạt tiền này cao gấp 3 lần so với mức phạt cũ trước đây.

 

Các trường hợp Cảnh sát giao thông xử phạt không lập biên bản, áp dụng từ 1/8

(Techz.vn) Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, Cảnh sát giao thông sẽ xử phạt vi phạm trên đường mà không cần lập biên bản đối với các trường hợp dưới đây.