Xe A-Z

Các đại gia “đau đầu” vì chi phí sửa chữa và bảo dưỡng siêu xe

Các đại gia “đau đầu” vì chi phí sửa chữa và bảo dưỡng siêu xe

Đường phố ở Việt Nam khá đông đúc và chật chội nên việc xảy ra những va quệt là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt việc xảy ra với siêu xe được coi là một “cực hình” đối với chủ nhân. Bởi chỉ cần một vết xước xuất hiện trên xế cưng cũng khiến chủ nhân tốn vài triệu, tới hàng chục triệu.

Chẳng hạn như một chiếc siêu xe sang Rolls-Royce, chi phí sơn xe khá đắt. Để màu sơn trên xe được đồng bộ và đẹp mắt, khi xe bị xước hãng sẽ thay cả phần vỏ xe nơi bị xước. Như vậy, chủ nhân phải đặt hàng chế tạo, phải sơn và kẻ viền cho các chi tiết thật chính xác rối đem sang lắp lại. Tuy nhiên, ở Việt Nam nhiều chủ xe vì muốn tiết kiệm chi phí sửa chữa đã đưa xe vào một xưởng nào đó và để cho thợ Việt sơn lại. Và tất nhiên nếu để thợ Việt sửa chữa thì chắc chắn sẽ không thể đẹp được như trước.

Một chiếc Rolls-Royce Phantom tại Việt Nam khi hỏng tấm gỗ ốp bên trong nội thất, khi thay thế tấm mới cũng mất tới vài chục triệu. Đấy là chưa kể chi phí lắp đặt và công vận chuyển. Tất nhiên, không phải loại gỗ nào cũng có thể sử dụng để thay thế được. Theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất thì loại gỗ mới sử dụng để thay thế tấm ốp cũ phải cùng loại và có vân tương tự. Vì thế, việc tìm kiếm một mảnh gỗ để thay thế tấm ốp cho xe là điều không hề đơn giản.

Bởi vậy mà khi sản xuất xe, nếu sử dụng loại gỗ nào để trang trí cho nội thất thì nhà sản xuất sẽ cắt lại một phần dự trữ. Tới khi xe cần được sửa chữa, thay thế thì có đồ để thay thế ngay.

Bảo dưỡng giá “chát”

Ngoài những tình huống phải sửa chữa xe khi gặp sự cố đặc biệt thì chủ nhân cũng phải bảo dưỡng định kỳ cho xế cưng. Chi phí bảo dưỡng cho siêu xe, xe sang cũng rất tốn kém.

Thông thường, quá trình bảo dưỡng định kỳ cho xe bao gồm thay thế toàn bộ dầu nhớt, kiểm tra xe để đảm bảo xe có thể vận hành ổn định và đạt được tốc độ cao. Việc làm này cũng khiến các chủ xe tốn hàng chục nghìn USD mỗi năm.

Đấy là chưa kể việc phải thay lốp mỗi khi xe chạy được khoảng 5.000 km. Giá một bộ lốp cũng lên tới hàng chục ngàn USD. Tương tự, vành xe cũng cần được thay thế cứ sau khi xe chạy được khoảng 20.000 km. Mức chi phí cho 4 bộ vành cũng từ 15.000 – 50.000 USD/bộ. Đây cũng là một lý do khiến các đại gia ở Việt Nam không thường xuyên diện siêu xe ra đường.

Thay thế phụ tùng siêu đắt

Phụ tùng của siêu xe, siêu xe sang cũng rất đắt đỏ. Thậm chí nếu xe bị hư hỏng nặng chủ nhân phải xuất xe sang tận nước ngoài mới sửa chữa do trong nước thiếu phụ tùng và kỹ thuật lành nghề.

Số lượng siêu xe và siêu xe sang được nhập khẩu về nước ngày một nhiều. Tuy nhiên các dịch vụ sau bán hàng ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Điều này gây không ít khó khăn cho các chủ xe.

Chẳng hạn một chiếc Bugatti, Pagani Huayra, Ferrari, Lamborghini.... cần thay thế phụ tùng thì các cơ sở sửa chữa ở Việt Nam không thể đáp ứng được. Việc nhập khẩu phụ tùng chính hãng từ nước ngoài về Việt Nam cũng phải trải qua rất nhiều thủ tục phức tạp. Hơn nữa thời gian để nhập món đồ đó về nước cũng có thể mất tới hàng tháng, thậm chí vài tháng.

Bên cạnh đó, thợ Việt Nam cũng chưa được cập nhật công nghệ cao và không được đào tạo bài bản như thợ nước ngoài nên việc sửa chữa siêu xe cũng là một khó khăn. Vì vậy, mỗi lần xe hỏng các chủ xe phải mời chuyên gia từ nước ngoài sang để kiểm tra. Và mức chi phí đi lại, ăn ở cũng rất tốn kém.

Cách đây 2 năm, một chủ nhân chiếc Rolls-Royce Phantom ở TP HCM từng chia sẻ rằng, khi xe của ông bị hỏng hệ thống lọc không khí, ông đã liên hệ với hãng. Sau đó hãng đã cử 1 chuyên gia bay sang Việt Nam để xem xét, đánh giá tình trạng hiện tại của chiếc xe đó. Rồi mới lên phương án sửa chữa và về báo cáo lại với hãng. Khi có phụ tùng, 1 chuyên gia khác của hãng lại bay qua Việt Nam mang theo những trang thiết bị cần thiết để sửa chữa, thay thế. Cả gói sửa chữa hệ thống lọc không khí của chiếc Rolls-Royce Phantom đó cũng tới gần 20.000 USD.

 

Đây là lý do Minh “Nhựa” ít diện Bugatti Veyron xuống phố

(Techz.vn) Mặc dù tậu Bugatti Veyron được hơn 4 năm nhưng đại gia Minh “Nhựa” rất ít khi đưa “ông hoàng tốc độ” xuống phố. Và đây là những lý do khiến anh phải “trùm mềm” Bugatti Veyron bên trong garage nhà mình.