Nhịp sống số

Mã độc "cướp" tài khoản Facebook đang tăng cấp số nhân

Mã độc

 Theo công bố chiều 11/3/2013 của Công ty An ninh mạng Bkav, tại Việt Nam đang lan truyền theo cấp số nhân một loại virus có khả năng cướp tài khoản Facebook của người sử dụng. Mỗi tài khoản bị chiếm đoạt lại biến thành một "tổng đài" phát tán virus.

 

Với loại mã độc "cướp" tài khoản Facebook, tin tặc có thêm công cụ để lừa đảo người dùng.

Nạn “cướp” tài khoản Facebook đặc biệt nguy hiểm bởi những kẻ tấn công có thể truy cập các dữ liệu riêng tư như thông tin cá nhân, hình ảnh của chủ tài khoản, nhận diện bạn bè của chủ tài khoản, chiếm quyền điều khiển tài khoản để phát sinh những hành vi lừa đảo.

Một chiêu thức hoạt động của loại mã độc “cướp” tài khoản Facebook đã được Bkav mô tả tường tận như sau: Trên tường của Facebook (Wall) xuất hiện các đường link đi kèm với thông điệp gây sốc liên quan đến Psy, ca sỹ xứ Hàn nổi tiếng với nhạc phẩm Gangnam Style. Vì tò mò, nhiều người đã bấm vào đường link và được dẫn đến một website có video clip giả mạo. Tại đây, người dùng được đề nghị tải plugin (là những thành phần (module) mở rộng có thể cài đặt thêm để gia tăng chức năng cho trình duyệt) để xem video. Cài đặt plugin này, ngay lập tức máy tính của nạn nhân bị nhiễm virus.

Khi đã lây nhiễm, virus sẽ chiếm quyền điều khiển và tự động đổi mật khẩu Facebook của nạn nhân. Thậm chí, người sử dụng còn có thể thấy trình duyệt bị treo trong vài phút. Sau đó, việc đăng nhập vào Facebook không thể thực hiện được vì lúc này, virus đã cướp tài khoản Facebook của nạn nhân.

Hình ảnh video clip giả mạo.

  

Đến cuối tháng 11/2012, đã có hơn 9,1 triệu người Việt Nam tham gia mạng xã hội Facebook, tăng gần 5,5 triệu người dùng trong vòng 6 tháng. Trung bình mỗi ngày có thêm hơn 30.000 người ViệtNam tham gia mạng xã hội Facebook, độ tuổi nhiều nhất ở hai nhóm từ 18 - 24 và 25 - 34 tuổi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tới khuyến cáo của ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của Bkav (Bkav R&D) rằng: “thông thường khi dùng Facebook, người dùng không phải cài thêm plugin để xem video”. “Nếu gặp những đề nghị kiểu cài thêm plugin như vậy thì người dùng nên nghĩ đến khả năng mình đang bị lừa và không nên làm theo. Người sử dụng chỉ nên cài plugin khi đã biết rõ mục đích sử dụng của mình là gì”, ông Sơn nói. 

Một giải pháp phòng chống hữu hiệu giúp người sử dụng không tự biến tài khoản Facebook của mình thành một “tổng đài” phát tán virus là cài phần mềm diệt virus để nếu lỡ tải nhầm plugin giả mạo hay những phần mềm độc hại khác, phần mềm diệt virus sẽ tự động ngăn chặn.

Theo thống kê của Bkav, trong tháng 2/2013, trên 4,4 triệu lượt máy tính tại Việt Nam đã lây nhiễm 2.980 dòng virus máy tính mới xuất hiện. Virus lây nhiều nhất là W32.Sality.PE đã lây nhiễm trên 292.000 lượt máy tính. Cũng trong tháng 2 đã có 216 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 14 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 202 trường hợp do hacker nước ngoài.

Xem thêm: Hack tài khoản Facebook, Twitter... trong nháy mắt